Dịch thuật: Nghĩ đà bưng kín miệng bình (1577) ("Truyện Kiều")


NGHĨ ĐÀ BƯNG KÍN MIỆNG BÌNH (1577)
          Bưng kín miệng bình: Xuất xứ từ thành ngữ “Thủ khẩu như bình” 守口如瓶, hình dung cẩn thận khi ăn nói, giữ nghiêm những điều bí mật.
          Chu Mật 周密 đời Tống trong Quý Tân tạp thức biệt tập 癸辛杂识别集 có ghi:
          Phú Trịnh Công hữu “Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành” chi ngữ.
          富郑公有守口如瓶, 防意如城之语
          (Phú Trịnh Công có câu nói: “Giữ miệng như giữ bình, giữ ý như giữ thành)
          Thời Bắc Tống, Phú Bật 富弼 lúc trẻ có tài năng (về sau được phong Trịnh Quốc Công 郑国公 – ND), Tống Nhân Tông 宋仁宗 nhậm mệnh ông làm Hà Dương phán quan 河阳判官, nhân vì chính tích nổi bật sau được thăng làm Tể tướng. Phú Bật không hợp với chủ trương biến pháp của Vương An Thạch 王安石 nên đã từ chức Tể tướng, về ẩn cư tại quê nhà. Ông không hề biểu thị sự vui mừng hay giận dữ, làm việc rất công chính, chủ trương “Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành” 守口如瓶, 防意如城.

Nghĩ đà bưng kín miệng bình
Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
(“Truyện Kiều” 1577 - 1578)
Bưng kín miệng bình: Bịt kín câu chuyện không để lộ ra.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tống thư: Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành.
          宋書: 守口如瓶防意如城
          (Sách Tống: Giữ miệng như bưng lọ, giữ ý như giữ thành)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, hai câu này là:
Nghĩ LÀ bưng kín miệng bình
Nào ai có khảo mà mình ĐÃ xưng!
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 30/8/2020
Previous Post Next Post