Dịch thuật: Cổ đại thi nhân nhã xưng (tiếp theo)

CỔ ĐẠI THI NHÂN NHÃ XƯNG
(tiếp theo)

Thi Phật 诗佛: Vương Duy 王维 (Đường)
          Vương Duy王维 đốc tín Phật giáo, từ tự hiệu của ông có thể thấy điều đó. Vương Duy tự Ma Cật 摩诘, mà Ma Cật là dụng ngữ của Phật giáo. Trong sáng tác của Vương Duy, thơ sơn thuỷ của ông đạt đến cao độ mà trước đó chưa có, trong đó rất nhiều bài thơ thanh lãnh u thuý, tràn đầy thiền ý.
          “Thi Phật” 诗佛đã thể hiện ý vị Phật giáo và khuynh hướng tôn giáo trong thơ ca của Vương Duy,  cũng biểu đạt được sự khẳng định của người đời sau đối với địa vị sùng cao của Vương Duy trên thi đàn đời Đường.
Thi cuồng 诗狂: Hạ Tri Chương 贺知章 (Đường)
          Hạ Tri Chương贺知章 tính tình phóng đạt, tự hiệu là “Tứ Minh Cuồng Khách” 四明狂客, Ông thường cùng với Trương Húc 张旭, Lí Bạch 李白 uống rượu làm thơ, mài giũa thi nghệ, đương thời xưng là “Tuý trung bát tiên” 醉中八仙. Nhân vì thơ và con người của ông hào phóng khoáng đạt, người đời xưng ông là “thi cuồng”.
Thi cốt 诗骨: Trần Tử Ngang 陈子昂 (Đường)
          Trần Tử Ngang陈子昂 là thi nhân thời Sơ Đường. Đương thời đang tiến hành cải cách thơ văn, thơ của Trần Tử Ngang đã quét sạch âm hưởng đồi mị của thời đại Tề Lương 齐梁 cùng thi nhân cung đình thời Sơ Đường, phong cách thơ ca của ông cao ngang thanh tuấn, hùng hồn bi tráng, ngôn ngữ thanh tân chất phác nhưng tươi sáng, có “Hán Nguỵ phong cốt” 汉魏风骨, được khen là “Thi cốt”.
Thi tù 诗囚: Mạnh Giao 孟郊 (Đường)
          Thi tù tức “vi thi sở tù” 为诗所囚 (bị thơ giam cầm). Mạnh Giao孟郊 là thi nhân khổ ngâm, rất chú trọng luyện chữ luyện câu, xem thơ là sự tình trọng yếu nhất của sinh mệnh, dường như trở thành tù nhân của thơ.
          Nguyên Hiếu Vấn 元好问 trong Luận thi tam thập thủ 论诗三十首 bài thứ 18 có nói:
Đông Dã cùng sầu tử bất hưu
Cao thiên hậu địa nhất thi tù
Giang sơn vạn cổ Triều Dương bút (1)
Hợp tại Nguyên Long bách xích lâu (2)
东野穷愁死不休
高天厚地一诗囚
  江山万古潮阳笔 (1)
     合在元龙百尺楼 (2)
(Mạnh Giao cùng sầu làm thơ, đến chết vẫn không thôi
Trong khoảng trời cao đất dày, tự hạn chế mình trong nỗi  khốn khổ, giống như bị cầm tù trong thơ
Tác phẩm của Hàn Dũ như giang sơn vạn cổ trường tồn
So với tác phẩm của Mạnh Giao giống như “Nguyên Long bách xích lâu”)
           Bài thơ này bình luận về thơ của Mạnh Giao, ở đây, Nguyên Hiến Vấn xưng Mạnh Giao là “Thi tù”.
Thi nô 诗奴: Giả Đảo 贾岛 (Đường)
          Giả Đảo 贾岛 và Mạnh Giao 孟郊 đều là “khổ ngâm thi nhân” 苦吟诗人. Giả Đảo một đời không thích giao du qua lại với mọi người, chỉ thích làm thơ khổ ngâm, rất có công phu về câu chữ. Giả Đảo từng trong một bài thơ viết rằng:
Nhất nhật bất tố thi
Tâm nguyên như phế tỉnh
一日不做诗
心源如废井
(Một ngày mà không làm thơ
Lòng như giếng khô hoang phế)
Xưng Giả Đảo là “Thi nô” cũng là hợp với ông.
Thi thần 诗神: Tô Thức 苏轼 (Bắc Tống)
          Nhân vật đại biểu cho Công An phái 公安派 đời Minh là Viên Hoành Đạo 袁宏道 nói rằng:
Tô, thi chi thần dã.
, 诗之神也
(Tô Thức là thần của thơ)
          Quả thực, trong lịch sử văn học Trung Quốc, Tô Thức đã chuyển hoán thi với từ một cách tự nhiên, giai tác xuất hiện nhiều. Thơ của ông tự nhiên thoải mái, thanh tân cương kiện, tạo riêng một phong cách, xưng ông là “Thi thần” cũng không quá.
Thi hồn 诗魂: Khuất Nguyên 屈原 (Chiến Quốc)
          Sự xuất hiện của Khuất Nguyên屈原, đánh dấu một thời đại mới của thơ ca Trung Quốc từ tập thể ca xướng tiến vào cá nhân sáng tác. Ông được người đời sau xưng là “Thi hồn” 诗魂, “Trung Hoa thi tổ” 中华诗祖, “Từ phú chi tổ” 辞赋之祖.
                                                                        (hết)

Chú của người dịch
1- Triều Dương 潮阳: thuộc Triều Châu 潮州. Hàn Dũ 韩愈 (768 – 824) từng ngăn “nghinh Phật cốt” bị biếm đến Triều Châu.
          Triều Dương bút 潮阳笔: chỉ sáng tác của Hàn Dũ.
2- Nguyên Long bách xích lâu 元龙百尺楼:
Trần Đăng 陈登 tự Nguyên Long 元龙, rất có uy danh ở Quảng Lăng 广陵, có công đánh đội quân Lữ Bố 吕布, được phong là “Phục Ba Tướng Quân” 伏波将军, mất năm 39 tuổi.
          Cuối thời Đông Hán, thiên hạ phân tranh, quần hùng trổi dậy. Có một lần, Hứa Tỉ 许汜 , Lưu Bị 刘备 và Lưu Biểu 刘表 cùng bàn luận danh sĩ đương thời, khi nói đến Trần Đăng, Hứa Tỉ không cho là như vậy, ông cho rằng Trần Đăng là người cuồng vọng tự đại. Tuy Lưu Bị biết rất rõ Trần Đăng, nhưng không phản bác Hứa Tỉ, mà lại hỏi Lưu Biểu có đồng ý với cách nói của Hứa Tỉ không? Lưu Biểu nói rằng Hứa Tỉ là người tốt, không bao giờ tuỳ tiện nói cái xấu của người khác. Nhưng Trần Đăng nổi tiếng khắp thiên hạ, trong nhất thời không biết Hứa Tỉ nói là thật hay giả. Lưu Bị bèn hỏi Hứa Tỉ nguyên nhân vì sao cho Trần Đăng là cuồng vọng tự đại. Hứa Tỉ nói rằng:
          - Nhân vì thế đạo động loạn, tôi từng đến Hạ Bì 下邳, gặp Trần Đăng. Ông ta tiếp đãi tôi không hề lịch sự, rất lâu cũng chẳng để ý đến tôi, tự mình nằm trên giường cao, để khách nằm dưới đất.
          Lưu Bị bảo rằng:
          - Ông vốn có phong độ của một quốc sĩ, hiện thiên hạ đại loạn, đế vương lưu lạc thất sở. Trần Đăng hi vọng ông quên nhà mà lo cho nước, có chí khuôn phò Hán thất. Nhưng ông lại hướng đến ông ta đề xuất yêu cầu mua ruộng đất nhà cửa, lời nói nhạt nhẽo chẳng có ý gì  mới mẻ. Đương nhiên Trần Đăng ghét ông, ông còn có lí do nào mà yêu cầu ông ấy nói chuyện với ông? Nếu lúc đó mà là tôi, tôi nhất định sẽ nằm trên lầu cao trăm xích, để ông nằm dưới đất.
          Lưu Biểu sau khi nghe qua cười lớn. Lưu Bị nói rằng:
          - Người giống như Trần Đăng văn võ song toàn, tuấn kiệt đảm thức siêu quần, chỉ có thể tìm ở thời cổ. Đám người thời nay, e rất khó có người như ông ấy.
          Hứa Dĩ nghe qua vô cùng xấu hổ.
          Điển cố “Nguyên Long bách xích lâu” 元龙百尺楼 nói tắt “Nguyên Long lâu” 元龙楼 hình dung người có chí hướng cao xa, hào phóng không chịu câu thúc, không chịu qua lại với thế tục, hoặc biểu thị sự cao thấp khác nhau xa.
          Nguyên Hiếu Vấn đề cao những sáng tác của Hàn Dũ, ông cho rằng Mạnh Giao và Hàn Dũ không thể luận bàn ngang nhau.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 12/8/2020

Nguồn


Previous Post Next Post