Dịch thuật: Hoàng đế cổ đại tại sao tự xưng "quả nhân", "trẫm", "cô"

HOÀNG ĐẾ CỔ ĐẠI TẠI SAO TỰ XƯNG
“QUẢ NHÂN”, “TRẪM”, “CÔ”

          Một người khi tinh thần sa sút cô độc không ai giúp đỡ thường nói:
Ngã hiện tại thị cô gia quả nhân, yếu thập ma một thập ma.
我现在是孤家寡人, 要什么没什么
(Ta hiện là cô gia quả nhân, muốn gì cũng không có)
 “Cô gia quả nhân” 孤家寡人 chính là nói một thân trơ trọi, cô độc không ai giúp đỡ. Nhưng vào thời cổ đại, “cô gia” 孤家 và “quả nhân” 寡人đều là chuyên xưng của hoàng đế. Hoàng đế như mặt trăng được chòm sao nâng lên, quần thần vây quanh, thế thì tại sao lại là “cô gia quả nhân”?
          Từ “quả nhân” thời cổ có ý nghĩa là “quả đức chi nhân” 寡德之人, đây là khiêm từ của vị quân chủ cổ đại. Thời Tiên Tần, vương, chư hầu, sĩ đại phu đều có thể tự xưng là “quả nhân”. Như trong Tả Truyện 左传 có chép:
          Thỉnh tử phụng chi dĩ chủ xã tắc, quả nhân tuy tử diệc vô hối yên.
          请子奉之以主社稷, 寡人虽死亦无悔焉
          (Xin ông phụng sự Dữ Di làm chủ xã tắc, quả nhân có chết cũng chẳng hối hận gì)
          Trong Sử kí – Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện 史记 - 廉颇蔺相如列传 cũng có chép:
          Tần Vương dĩ thập ngũ thành thỉnh dịch quả nhân chi bích.
          秦王以十五城请易寡人之璧
          (Tần Vương lấy 15 thành xin đổi lấy viên ngọc bích của quả nhân)
          Lúc bấy giờ, “quả nhân” không phải chỉ dành riêng cho nam dùng, trong Thi kinh từng có chép, phu nhân Vệ Trang Công 卫庄公 là Trang Khương 庄姜 từng tự xưng qua “quả nhân”, từ đó có thể thấy, người xưa thường dùng “quả nhân” để khiếm tốn nói rằng bản thân mình vô đức vô năng. Nhưng đến triều Đường, hiện tượng này đã giảm rõ, dần biến thành chỉ có hoàng đế mới có thể tự xưng “quả nhân”.
          Về tình hình hoàng đế tự xưng “trẫm” cũng gần giống với “quả nhân”. Đầu tiên, mọi người đều có thể dùng “trẫm” để tự xưng, “trẫm” và “ngã” trong Hán ngữ hiện đại tương tự. Đồng thời, người sử dụng xưng vị này không phân đẳng cấp. Lúc bấy giờ, “trẫm” hoàn toàn không có hàm nghĩa đặc thù, chỉ làm đại từ nhân xưng sử dụng cho ngôi thứ nhất. Nhưng đến khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 xưng đế, “trẫm” chỉ có một mình hoàng đế tự xưng, hơn nữa minh văn quy định, người nào vi phạm sẽ bị phạt nặng. Kì thực, “trẫm” lúc ban đầu mang ý nghĩa chỉ thân thể, Doanh Chính tự cho mình công đức hơn cả Tam Hoàng Ngũ Đế để tự xưng Thuỷ Hoàng Đế, đồng thời cho rằng, từ này có ý nghĩa là “dự triệu” 预兆 “trẫm triệu” 朕兆, cho nên chuyên dùng cho bản thân để tôn hoàng quyền.
          Còn cách dùng từ “cô” hoàn toàn là tập quán xưng vị từ triều Tần trở về trước. Nhân vì lúc chưa có hoàng đế cai quản thiên hạ, chư hầu phân loạn, vương với chư hâu quốc vương cùng tồn tại, nhân đó “cô” hàm nghĩa “cô tự” 孤自và “cô độc” 孤独, các chư hầu thường dùng chữ này để từ trào khi tinh thần sa sút, chán nản. Nhưng đến cuối đời Hán, “cô” lại có nghĩa hùng bá. Quần hùng độc chiếm một phương, mỗi người tự xưng “cô”. Từ đó “cô” diễn biến thành đại danh từ của vương giả, trong đó bao hàm ý nghĩa người ở địa vị cao, không ai thân cận.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 13/6/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post