Dịch thuật: Dám nhờ cốt nhục tử sinh (1099) ("Truyện Kiều")


DÁM NHỜ CỐT NHỤC TỬ SINH (1099)
          “Cốt nhục tử sinh” 骨肉死生: làm cho xương có thịt trở lại, làm cho người chết sống lại. Hình dung ân huệ cực lớn.
          Trong Tả truyện – Tương Công nhị thập nhị niên 左传 - 襄公二十二年 có câu:
          Ngô kiến Thân Thúc phu tử, sở vị sinh tử nhi nhục cốt dã. Tri ngã giả, như phu tử tắc khả. Bất nhiên, thỉnh chỉ.
           吾见申叔夫子, 所谓生子而肉骨也. 知我者, 如夫子则可. 不然, 请止
          (Ta tiến kiến Thân Thúc, người này chính là người mà có thể gọi là làm cho người chết sống lại, làm cho xương trắng có thịt trở lại. Nếu như có người nào hiểu được ta giống như người này thì có thể lưu giữ lại, còn nếu không thì thôi.)
          Và trong Tả truyện – Chiêu Công nhị thập ngũ niên左传 - 昭公二十五年có câu:
          Bình Tử viết: Cẩu sử ý như đắc sự quân, sở vị sinh tử nhi nhục cốt dã.
          平子曰: 苟使意如得事君, 所谓生子而肉骨也
          (Bình Tử nói rằng: Nếu như để tôi có thể thay đổi thái độ phụng sự quốc quân, thì đó chính là điều mà gọi là làm cho người chết sống lại, làm cho xương trắng có thịt trở lại.)

Dám nhờ cốt nhục tử sinh
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau
(“Truyện Kiều” 1099 – 1100)
Cốt nhục tử sinh: Cấu tạo này dùng toàn chữ Hán nhưng lại xây dựng theo mã tục ngữ, cả bốn chữ tách khỏi nhau, nhục và sinh là vị ngữ, nghĩa của nó là: làm sao cho cái xương có được thịt, cái chết trở thành sự sống (như Ăn vóc học hay, cây nhà lá vườn)
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tả truyện: Chân sở vị nhục bạch cốt nhi sinh tử nhân.
          左傳: 真所謂肉白骨而生死人
          (Sách Tả truyện: Thực gọi là mọc thịt cho xương trắng làm cho người chết sống lại)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 24/4/2020
Previous Post Next Post