Dịch thuật: Có khi gốc tử đã vừa người ôm (1046) ("Truyện Kiều")


CÓ KHI GỐC TỬ ĐÃ VỪA NGƯỜI ÔM (1046)
          Gốc tử: tức gốc cây tử. Điển xuất từ Kinh Thi.
          Chương 3, bài Tiểu bàn 小弁, phần Tiểu nhã 小雅 trong Kinh Thi có câu:
Duy tang dữ tử
Tất cung kính chỉ
維桑與梓
必恭敬止
(Nhìn thấy cây dâu và cây tử do cha mẹ trồng
Tất phải tỏ lòng cung kính)
          Về sau trong văn học thường dùng “tang tử” để chỉ quê nhà.

Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
(“Truyện Kiều” 1045 – 1046)
Gốc tử: Cây thị, thứ cây do cha mẹ trồng. Kinh Thi: “Duy tang dữ tử, Tất cung kính chỉ” nghĩa là “Kìa cây dâu và cây thị. Thì phải cung kính nó”. Đây chỉ những cây do cha mẹ trồng. X. Tử phần: Td. Có khi gốc tử đã vừa người ôm (1046); Cây tử (thị) như vậy là đã lớn lắm, tức cha mẹ già lắm.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Phần tử thị cố hương – Tả truyện: Tử mộc dĩ cung hĩ.
          枌梓是故鄉左傳梓木已拱矣
          (Cây phần cây tử là chốn cố hương – Sách Tả truyện: Gốc cây tử đã vừa một ôm vậy)

Xét: Hai câu 1045 và 1046 trong “Truyện Kiều”, ý nói Thuý Kiều xa quê nhà đã lâu.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 21/6/2020
Previous Post Next Post