Dịch thuật: Ông tơ ghét bỏ chi nhau (549) ("Truyện Kiều")


ÔNG TƠ GHÉT BỎ CHI NHAU (549)
          Ông tơ: xuất từ điển “nguyệt hạ lão nhân” 月下老人 (ông lão dưới trăng). Trong Tục huyền quái lục 续玄怪录của Lí Phúc Ngôn 李复言đời Đường có thuật câu chuyện:
          Vi Cố 韦固 người Đỗ Lăng 杜陵, lúc nhỏ đã mồ côi. Một hôm đến trọ ở quán phía nam Tông Thành 宋城, gặp một dị nhân đang ngồi trên bậc thềm tựa vào cái túi mà kiểm sách dưới ánh trăng. Vi Cố hỏi, người nọ đáp rằng:
          - Đó là sách chép việc hôn nhân trong thiên hạ.
          Vi Cố lại hỏi trong túi đựng vật gì? Người nọ đáp:
          - Những sợi dây đỏ, dây đỏ này dùng để buộc chân đôi vợ chồng lại, sống gắn kết với nhau. Tuy là cừu thù, hoặc sang hèn cách biệt, hoặc cách xa tận chân trời, người Ngô kẻ Sở, khi đã buộc nhất định không thể tránh được.
          (“Thành ngữ đại từ điển”. Bắc Kinh: Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ti, 2004)
          Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, ông lão dưới trăng (tức “nguyệt hạ lão nhân” 月下老人) dùng dây đỏ này buộc chân đôi nam nữ khiến họ trở thành vợ chồng, nên thành ngữ “nguyệt hạ lão nhân” dùng để ví người làm mai mối trong hôn nhân. Cũng từ câu chuyện trên có thành ngữ “xích thằng hệ túc” 赤绳系足 (dây đỏ buộc chân), hoặc “xích thằng”, “dây đỏ”, “dây tơ hồng” “chỉ hồng” ... ý nói việc hôn nhân do nguyệt lão mai mối. Cũng dùng để chỉ duyên chồng vợ.

Ông tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi
(“Truyện Kiều” 549 – 550)
Ông tơ thật nhẽ đa đoan
Xe tơ, sao khéo vơ quàng vơ xiên?
(“Truyện Kiều” 2599 – 2600)
Ông tơ: Theo mê tín có ông tơ hồng giữ lại tơ hồng buộc chân những người có số tiền định sẽ thành vợ chồng lại với nhau.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Nguyệt hạ lão nhân chưởng hôn tịch
          月下老人掌婚籍
          (Ông Lão ở dưới trăng giữ sổ giá thú)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Với hai câu 2599 và 2600, bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích là:
Ông tơ THỰC nhẽ đa đoan
Xe DÂY sao khéo vơ CÀN, vơ xiên?
 Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm là:
Ông tơ thật nhẽ đa đoan
Xe tơ CHỬA khéo: vơ CÀN vơ xiên!
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 24/4/2020
Previous Post Next Post