Dịch thuật: Quan hoá Nho học - Đổng Trọng Thư

QUAN HÓA NHO HỌC – ĐỔNG TRỌNG THƯ

         Đổng Trọng Thư 董仲舒 (năm 179 – năm 104 trước công nguyên), tư tưởng gia thời Tây Hán, lấy học thuyết Nho gia làm cơ sở, dẫn nhập lí luận âm dương ngũ hành, hình thành hệ thống tư tưởng mới. Lí luận “quân quyền thần thụ” 君权神授 và “tam cương ngũ thường” 三纲五常 của ông được Hán Vũ Đế 汉武帝 tiếp nhận, từ đó Nho học trở thành triết học quan phương, mở đầu cho sự thống trị tư tưởng dài hơn hai ngàn năm ở Trung Quốc.

TAM SÁCH THIÊN HẠ TRI
          Đổng Trọng Thư董仲舒 xuất thân ở Quảng Xuyên 广川 (nay là phía đông Tảo Cường 枣强  Hà Bắc 河北), thời niên thiếu đã bắt đầu nghiên cứu bộ Xuân Thu 春秋, theo truyền thuyết “tam niên bất khuy viên” 三年不窥园 (ba năm không nhìn ra vườn). Sau khi Cảnh Đế qua đời, Hán Vũ Đế tức vị, hạ chiếu tuyển chọn “hiền lương văn học chi sĩ” 贤良文学之士 trong phạm vi cả nước. Các nơi nghe hơi gió mà động, cùng tiến cử hơn 100 người, tập trung tại kinh thành, do hoàng đế đích thân sách vấn, trong đó có Đổng Trọng Thư.
          Trong quá trình “sách vấn” 策问, Hán Vũ Đế hỏi liền 3 sách, Đổng Trọng Thư đã trả lời đầy đủ. Vấn đề hạt nhân mà họ bàn là mối quan hệ giữa “thiên” với “nhân”, sử xưng là “thiên nhân tam sách” 天人三策. Trong “thiên nhân tam sách”, Đổng Trọng Thư trình bày tư tưởng “thiên nhân cảm ứng” 天人感应 và “quân quyền thần thụ” 君权神授 của mình, rất được Hán Vũ Đế ưa thích. Về sau Đổng Trọng Thư đề xuất kiến nghị “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” 罢黜百家, 独尊儒术Không chỉ được Hán Vũ Đế tiếp nhận mà còn tích cực thực hành rộng rãi, trở thành tư tưởng chính thống trong xã hội phong kiến Trung Quốc.
          Nhưng Hán Vũ Đế chưa trọng dụng Đổng Trọng Thư. Sau đối sách, trong Hán thư 汉书 chỉ ghi đơn giản như sau:
          Đối kí tất, thiên tử dĩ Trọng Thư vi Giang Đô tướng, sự Dị Vương.
          对既毕, 天子以仲舒为江都相, 事易王
          (Sách vấn sau khi kết thúc, thiên tử nhậm mệnh Trọng Thư làm Giang Đô tướng, theo phò tá Dị Vương)
          Có một lần, Cao miếu 高庙 ở quận Liêu Đông 辽东 và Cao Viên điện 高园殿 ở Trường Lăng 长陵 đều phát sinh hoả tai, Đổng Trọng Thư lấy cớ đó viết Tai dị luận 灾异论, mượn thiên nhân cảm ứng, bàn về sự được mất của chính trị, bản thảo chưa xong, gặp lúc Chủ Phụ Yển 主父偃đến thăm, xuất phát từ lòng đố kị ghen ghét đã lấy trộm bản thảo dâng lên Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế triệu kiến quần thần, đệ tử của Đổng Trọng Thư là Lữ Bộ Thư 吕步舒 không biết đó là văn chương của thầy mình, cho là “đại ngu” 大愚. Đổng Trọng Thư nhân đó bị bắt, phán xử tội tử hình. Sau Hán Vũ Đế xuống chiếu lệnh đại xá. Từ đó Đổng Trọng Thư không dám nghị luận về dị tai nữa.
          Về sau Đổng Trọng Thư làm Quốc tướng cho Giao Tây Vương 胶西王. Giao Tây Vương là anh của Hán Vũ Đế, tính kiêu cuồng, nhiều lần mưu hại quan viên của triều đình phái đến. Đổng Trọng Thư lo sợ thời gian dài sẽ có vấn đề, nên thác bệnh từ chức. Về lại quê nhà, ông chuyên tâm nghiên cứu học thuật, viết bộ Xuân Thu phồn lộ 春秋繁露 mang tính đại biểu. Năm 104 trước công nguyên, Đổng Trọng Thư tuổi cao thọ chung tại quê nhà ..... (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 24/4/2020

Nguyên tác Trung văn
QUAN HOÁ NHO HỌC – ĐỔNG TRỌNG THƯ
官化儒学 - 董仲舒
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019
Previous Post Next Post