Dịch thuật: Sinh rằng: Gió mát trăng trong (455) ("Truyện Kiều")

SINH RẰNG: GIÓ MÁT TRĂNG TRONG (455)

          Gió mát trăng trong: tức “phong thanh nguyệt bạch” 風清月白, cũng có thể nói “gió mát trăng thanh” Trong bài Hậu Xích Bích phú 後赤壁賦 của Tô Thức 蘇軾 có câu:

Hữu khách vô tửu, hữu tửu vô hào; nguyệt bạch phong thanh, như thử lương dạ hà?

          有客無酒, 有酒無肴; 月白風清, 如此良夜何?

(Có khách không có rượu, có rượu không có thức ăn ngon; trăng thanh gió mát, cảnh đêm đẹp như thế, biết làm sao bây giờ?)

Sinh rằng: gió mát trăng trong

Bấy lâu nay, một chút lòng chưa cam

(“Truyện Kiều” 455 – 456)

Lần thâu gió mát trăng thanh

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi

(“Truyện Kiều” 2165 – 2166)

Gió mát trăng trong 455 và Gió mát trăng thanh 2165: Chỉ cảnh đêm trăng sáng mát mẻ.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

           Đông Pha hậu Xích bích phú: Nguyệt bạch phong thanh như thử lương dạ hà?

          蘇東坡後赤壁賦: 月白風清, 如此良夜何

          (Phú Xích bích của ông Đông Pha: Gió mát trăng trong đêm tốt ấy làm gì?)

Xét: Theo ý riêng, với câu 455, Nguyễn Du có lẽ cũng liên tưởng đến thành ngữ “nguyệt bạch phong thanh” này.

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2165 và 2166 là:

Lần thâu gió mát ĐÊM thanh

Bỗng đâu có khách biên đình ĐẾN chơi

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 31/3/2020

Previous Post Next Post