Dịch thuật: Trận chiến Quan Độ

TRẬN CHIẾN QUAN ĐỘ

          Viên Thiệu 袁绍, tự Bản Sơ 本初, Hán tộc, người Nhữ Dương 汝阳 Nhữ Nam 汝南. Viên Thiệu xuất thân trong một gia đình nối đời làm quan, từ tằng tổ phụ trở đi, có nhiều người ở địa vị cao, nhân đó, gia tộc của ông cũng được gọi là gia tộc “tứ thế tam công” 四世三公. Năm 199, Viên Thiệu đánh bại Công Tôn Toản 公孙瓒, thế lực đạt đến đỉnh cao. Trong trận chiến Quan Độ 官渡, Viên thiệu bị Tào Tháo 曹操 đánh bại, hai năm sau, vì u uất mà qua đời.

          Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo 曹操chiếm cứ khu vực phía nam Hoàng hà 黄河, dưới tay có mấy vạn binh mã. Còn khu vực phía bắc Hoàng hà thì dưới sự khống chế của Viên Thiệu 袁绍, nhưng Viên Thiệu lại có đến mấy chục vạn binh mã. Tỉ lệ khác biệt rất lớn đó, khiến Tào Tháo ở vào thế yếu. Tào Tháo đưa Hán Hiến Đế 汉献帝 đến chỗ của ông, thường mượn danh nghĩa Hán Hiến Đế mà hiệu lệnh thiên hạ. Viên Thiệu muốn xưng đế, không nghi ngờ gì, Tào Tháo là chướng ngại lớn nhất trước mặt, cho nên Viên Thiệu muốn phát binh tảo trừ chướng ngại.
          Năm 200, Đại tướng dưới tay Viên Thiệu là Nhan Lương 颜良 đem mười mấy vạn binh đi đánh Tào Tháo. Trước tiên chiếm lấy Lê Dương 黎阳, sau khi vượt qua Hoàng hà bao vây Bạch Mã 白马. Binh mã của Tào Tháo ít, đương nhiên không thể đánh với Nhan Lương. Mưu sĩ Tuân Du 荀攸đưa ra chủ ý, bảo Tào Tháo trước tiên phái một đội nhân mã đến bến Diên Tân 延津 giả trang như là muốn qua sông, nhất định Nhan Lương sẽ đem bính đến ngăn chặn. Đợi quân chủ lực của Viên Thiệu vừa chuyển dời, liền đem binh bất ngờ tập kích Bạch Mã, nhất định sẽ lấy được Bạch Mã. Tào Tháo nghe theo kiến nghị đó, tất cả quả nhiên đúng như Tuân Du dự tính, Nhan Lương đại bại.
          Viên Thiệu nghe sự việc đó, trong lòng rất không phục. Giám quân Tự Thụ 沮授 khuyên Viên Thiệu lưu quân chủ lực lại phía nam Diên Tân, phân một bộ phận binh lực xuất kích. Nhưng Viên Thiệu trong lòng như lửa đốt, không nghe theo khuyến cáo của Tự Thụ, hạ lệnh toàn quân vượt sông truy kích quân Tào, đồng thời phái Đại tướng Văn Xú 文丑 thống lĩnh năm sáu ngàn kị binh đánh tiên phong. Lúc bấy giờ, Tào Tháo từ Bạch Mã thoái lui về Quan Độ 官渡, nghe nói quân Viên Thiệu đuổi theo, liền cho 600 tên kị binh mai phục tại dốc phía nam Diên Tân, bảo binh sĩ tháo yên ngựa, để cho ngựa chạy rông dưới chân núi, đem vũ khí giáp trụ vất đầy trên đất. Đội quân của văn Xú đi qua nhìn thấy trên đất vũ khí vất đầy liền xuống ngựa nhặt. Lúc này, đội quân của Tào Tháo xông ra, khiến đội quân của Văn Xú trở tay không kịp, Văn Xú cũng bị bại dưới tay Tào Tháo.
          Viên Thiệu liên tiếp bị bại hai trận vẫn không chịu nhận thua, Tào Tháo dẫn nhân mã của mình lui đến Quan Độ. Viên Thiệu nghĩa ra cách xạ kích từ đài cao, bèn cho đắp thổ đài cao cao, từ chỗ cao nhắm đến đội quân Tào Tháo mà bắn tên. Tào Tháo liền dùng “tích lịch xa” 霹雳车 (xe bắn đá) đối phó. Công cụ này bắn đá phá huỷ đài cao. Viên Thiệu lại đào địa đạo, Tào Tháo liền dùng hào nước cắt đứt địa đạo. Quân hai bên đối kháng như thế đến mấy tháng.
          Đội quân của Tào Tháo lúc này rơi vào tình thế bị vây khốn, lương thực không thể duy trì được lâu. Mưu sĩ của Viên Thiệu là Hứa Du 许攸bảo nên nhân cơ hội này tấn công quân Tào, Viên Thiệu không nghe, lại còn mắng Hứa Du một trận. Hứa Du bèn đầu bôn bên Tào Tháo.
          Tào Tháo thấy Hứa Du đến, trong lòng vô cùng vui mừng. Hứa Du đưa ra biện pháp, có thể khiến Viên Thiệu không đánh mà cũng tự tan rã. Tào Tháo y lời, phái một đội nhân mã, giương cờ hiệu của Viên quân chạy đến Ô Sào 乌巢, gặp trạm canh thì nói là Viên Thiệu phái quân tăng viện. Tại Ô Sào, có kho lương thảo cho hơn một vạn quân của Viên Thiệu. Người phụ trách canh giữ là Thuần Vu Quỳnh 淳于琼 phòng bị không nghiêm ngặt, Hứa Du liền bảo Tào Tháo nhắm vào chỗ yếu này.
          Quân Tào trên đường đi không gặp phải cản trở nào, đến Ô Sào liền phóng hoả đốt cháy kho lương thảo của Viên Thiệu. Nhân lúc đội quân của Viên Thiệu hoảng loạn, Tào Tháo đánh cho một trận tơi tả.
Tướng sĩ của Viên Thiệu tại Quan Độ nghe tin Ô Sào phát hoả đêu kinh hoảng. Hai tướng thủ hạ của Viên Thiệu là Đại tướng Trương Cáp 张郃, Cao Lãm 高览 dẫn binh đầu hàng. Quân Tào thừa thế tấn công mãnh liệt. Quân Viên Thiệu đào thoát tứ xứ. Viên Thiệu và con là Viên Đàm 袁谭, ngay cả giáp trụ cũng chưa kịp cởi dẫn hơn 800 kị bình còn sót lại chạy về phía bắc.
          Trải qua trận chiến này, quân chủ lực của Viên Thiệu  đã bị tiêu diệt. Qua hai năm sau, Viên Thiệu bệnh và qua đời. Tào Tháo lại mất thêm 7 năm mới tảo trừ hết thế lực tàn dư của Viên Thiệu, thống nhất phương bắc.

Phụ lục
          Kiến An 建安năm thứ 5, Viên Thiệu thống lĩnh 10 vạn đại quân chuẩn bị đánh Tào Tháo. Mưu sĩ bên cạnh Viên Thiệu là Điền Phong 田丰 khuyến cáo rằng:
          - Hiện tại Tào Tháo vừa mới công phá Từ Châu 徐州, thực lực đang mạnh, quả thực không thể xem nhẹ. Chi bằng chúng ta án binh bất động, tích chứa lực lượng, đợi sau này có thời cơ sẽ đánh lại.
          Viên Thiệu không nghe, đồng thời bắt Điền Phong giam vào ngục. Trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu thảm bại. Ngục lại nói với Điền Phong rằng:
          - Viên Thiệu đại bại trở về là do bởi không nghe theo kiến nghị của ông. Sau khi trở về, Viên Thiệu nhất định dùng lại ông.
          Điền Phong lại nói rằng:
          - Nếu đánh thắng trận, có thể tôi còn có hi vọng sống sót. Nay bị bại trận, tôi làm sao mong có thể được sống sót.
          Quả nhiên, sau khi Viên Thiệu trở về đã giết chết Điền Phong.


 Tích lịch xa 

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 30/3/2020

Nguyên tác Trung văn
QUAN ĐỘ CHI CHIẾN
官渡之战
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 3)
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Previous Post Next Post