DU BÁ NHA, CHUNG TỬ KÌ
Tương
truyền, Du Bá Nha 俞伯牙(1) phụng
mệnh Tấn quân đi sứ nước Sở. Hôm đó rằm tháng 8, thuyền đến Giang Khẩu 江口 Hán
Dương 汉阳gặp phải sóng to gió lớn bèn dừng thuyền dưới chân một
ngọn núi nhỏ. Đêm đến, sóng gió dần lặng yên, mây trôi trăng hiện, cảnh sắc mê
người. Nhìn vầng trăng trên không, cầm hứng chợt nổi lên, Du Bá Nha bèn lấy đàn
mang theo bên người chăm chú đàn. Đang say sưa đàn, bỗng nhìn thấy có người đứng
yên bên bờ. Du Bá Nha giật mình, tay dùng sức khiến đàn đứt một dây. Du Ba Nha
đang suy đoán người nọ là ai liền nghe người nọ lớn tiếng nói rằng:
- Thưa tiên sinh, ngài chớ nghi ngờ, tôi chỉ
là người đốn củi, trên đường về nhà muộn, đi đến nơi đây nghe được tiếng đàn của
ngài, cảm thấy rất tuyệt nên đã dừng lại lắng nghe.
Du Bá Nha
theo ánh trăng nhìn kĩ, bên cạnh người đó có một gánh củi, quả đúng là tiều
phu. Du Bá Nha nghĩ rằng, vị tiều phu đó sao mà hiểu được tiếng đàn của mình vậy?
thế là liền hỏi:
- Ông đã hiểu được tiếng đàn, thế thì xin hỏi,
tôi đàn khúc gì?
Nghe lời
hỏi của Du Bá Nha, người nọ cười đáp rằng:
- Thưa tiên sinh, khúc đàn lúc nãy là khúc phổ
mà Khổng Tử 孔子 khen tặng đệ
tử Nhan Hồi 颜回, chỉ đáng tiếc là khi ngài đàn đến câu
thư 4 thì dây đàn đứt.
Tiều
phu đáp không sai tí nào, Du Bá Nha không ngăn được sự vui mừng, liền mời lên
thuyền trò chuyện. Tiều phu nhìn thấy cây đàn của Du Bá Nha, liền nói:
- Đây là Dao cầm 瑶琴, tương truyền do Phục Hi 伏羲 chế tạo ra.
Tiếp
đó, ông đã nói rõ lai lịch của Dao cầm. Nghe mấy lời của tiều phu, Du Bá Nha
trong lòng không ngừng khâm phục. Sau đó Du Bá Nha lại đàn mấy khúc cho tiều
phu nghe, xin ông nói rõ ẩn ý trong đó. Âm thanh khi Du Bá Nha diễn tấu hùng
tráng, tiều phu nói rằng:
- Tiếng đàn này biểu đạt khí thế hùng vĩ của
núi cao.
Khi tiếng
đàn biến đổi trong trẻo trôi chảy, tiều phu nói rằng:
- Tiếng đàn lần này biếu đạt dòng nước chảy vô
tận.
Du Bá
Nha nghe qua không ngăn được vui mừng và kinh sợ, bản thân dùng tiếng đàn biểu
đạt tâm ý, trước giờ không có ai có thể nghe hiểu, thế mà người trước mặt lại
hiểu rất rõ. Không ngờ, tại nơi vùng núi hoang vắng này lại gặp được tri âm mà
lâu nay tìm không thấy. Thế là Du Bá Nha hỏi danh tánh, tiều phu tên là Chung Tử
Kì 钟子期 (2). Hai người cùng uống rượu, trò chuyện càng lúc càng
thấy hợp, hận là gặp nhau đã muộn, cả hai kết bái làm huynh đệ, hẹn Trung thu
năm tới sẽ đến nơi đây gặp lại.
Chung Tử
Kì gạt nước mắt từ biệt. Trung thu năm sau, như lời hẹn Du Bá Nha đến Giang Khẩu
Hán Dương, nhưng đợi mãi đợi mãi, sao không thấy Chung Tử Kì đến, thế là Du Bá
Nha bèn đàn lên một khúc như gọi tri âm, nhưng qua một lúc lâu, vẫn không thấy.
Ngày hôm sau, Du Bá Nha hỏi thăm một cụ già về tung tích của Chung Tử Kì, ông
lão bảo rằng, Chung tử Kì bất hạnh đã qua đời. Trước khi mất, có để lại di
ngôn, bảo đắp mộ bên sông, đợi đến rằm tháng 8 nghe tiếng đàn của Du Bá Nha
Nghe
qua mấy lời của ông lão, Du Bá Nha vô cùng đau đớn, đến trước phần mộ của Chung
Tử Kì đàn lên khúc “Cao sơn lưu thuỷ” 高山流水 u buồn. Đàn xong, Du Bá Nha khảy đứt dây đàn, than dài
một tiếng, rồi đem cây đàn mà mình yêu quý đập nát trên tảng đá, bi thương nói
rằng:
- Tri âm duy nhất của tôi không còn trên đời,
thì đàn cho ai nghe đây?
Tình hữu
nghị của hai vị “tri âm” đã cảm động đến người đời sau. Người ta đã xây một “cổ
cầm đài” 古琴台 nơi
hai người đã gặp nhau.
Chú của người
dịch
1- Du Bá Nha 俞伯牙 (năm 387 – năm
299 trước công nguyên). Thị là Bá 伯, danh là Nha 牙, đời sau ngoa truyền thị là Du 俞, danh là Thuỵ 瑞,
tự là Bá Nha 伯牙, người Dĩnh Đô 郢都nước
Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc (nay là Kinh Châu 荆州 tỉnh Hồ Bắc 湖北). Tuy là người nước Sở nhưng lại nhậm chức Thượng đại
phu ở nước Tấn, rất tinh thông đàn cầm. Bá Nha đánh đàn gặp được tri âm chính
là câu chuyện phát sinh khi ông trên đường trở về quê nhà thăm người thân.
2- Chung Tử Kì钟子期 (năm 413 – năm
354 trước công nguyên), thị là Chung 钟, danh là Huy 徽, tự Tử Kì子期, người Lạc Dương 洛阳 nước
Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc (nay là thôn Tập Hiền 集贤 khu Thái Điện 蔡甸 thành
phố Vũ Hán 武汉 tỉnh
Hồ Bắc湖北). Tương truyền Chung Tử Kì là tiều phu đội nón lá,
khoác áo tơi, vai mang đòn gánh, tay cầm rìu. Theo ghi chép trong lịch sử, khi
Bá Nha về nước thăm người thân, đánh đàn bên bờ Giang Hán 江汉, đúng lúc Chung Tử Kì gặp được, cảm thán rằng:
Nguy nguy hồ nhược cao sơn
Dương dương hồ nhược giang hà
巍巍乎若高山
洋洋乎若江河
Cao cao như núi lớn
Mênh mông như sông sâu
Nhân vì
hợp nhau, hai người trở thành đôi bạn thân. Sau khi Chung Tử Kì qua đời, Bá Nha
cho rằng trên đời chẳng còn tri âm nên suốt đời không đàn nữa.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/3/2020
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật