Dịch thuật: Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai (392) ("Truyện Kiều")


RẼ MÂY TRÔNG TỎ LỐI VÀO THIÊN THAI (392)
          Thiên Thai: theo thần thoại là nơi tiên ở, chỉ cõi tiên. Thiên Thai xuất xứ từ câu chuyện “Lưu Nguyễn ngộ tiên”.
          Vào niên hiệu Vĩnh Bình 永平 thứ 5 thời Đông Hán (năm 62), Lưu Thần 刘晨 và Nguyễn Triệu 阮肇 người huyện Thiểm (1) cùng vào núi Thiên Thai 天台hái thuốc, lạc mất đường về. Trải qua 13 ngày, lương thực hết, đói sắp chết. Bỗng nhìn ra xa phía trên núi có một cây đào, kết trái to lớn. Nhưng núi cao vách dốc không có đường lên, bèn níu dây leo mà leo lên. Mỗi người hái ăn mấy trái, qua được cơn đói, sức khoẻ cũng đỡ lại. Hai người xuống núi, cầm chén múc nước định rửa tay. Nhìn thấy có cơm mè từ trong núi trôi ra, lại thấy có một chiếc chén đựng nắm cơm mè, cả hai bảo nhau rằng: “Có người cách đây không xa”. Thế là bèn men theo con suối nhỏ mà đi về phía trước khoảng hai ba dặm, qua khỏi núi có một con suối lớn, hai bên suối có hai tiên nữ xinh đẹp. Tiên nữ thấy hai người cầm chén liền cười nói rằng:
          - Lưu Nguyễn hai chàngđã nhặt được chén bị trôi theo dòng nước.
          Lưu Thần Nguyễn Triệu không quen biết, liền nói ra họ tên của mình, hai cô có vẻ như đã quen biết từ trước, nói rằng:
          - Sao hai chàng lại đến muộn vậy?
          Nhân đó liền mời về nhà. Nhà lợp ngói bằng đồng, vách bên nam và vách bên đông mỗi bên đặt một chiếc giường lớn, đều buông rèm lụa, góc màn có buộc chiếc chuông nhỏ, bên trên vàng bạc đan xen nhau. Mỗi đầu giường có 10 thị tì, tiên nữ bảo rằng:
          - Lưu Nguyên hai chàng, vượt qua núi non hiểm trở, trước đó tuy được món ngon nhưng hãy còn kém. Mau dọn thức ăn ra.
          Cơm mè, thịt dê núi khô, thịt trâu được dọn ra. Ăn xong uống rượu, có một bầy tiên nữ đến, mỗi người bưng năm ba quả đào, cười nói rằng:
          - Chúc mừng chàng rể đã đến.
          Rượu vui múa hát, Lưu Nguyễn vừa vui vừa sợ. Đến chiều tối, bảo mỗi người đến chỗ nghỉ, hai tiên nữ cũng đến kết làm phu thê, Qua 10 ngày sau, Lưu Thần Nguyến Triệu muốn về lại nhà, tiên nữ bảo rằng:
          - Hai chàng đã đến đây, phúc xưa còn đó, sao lại muốn quay về?
          Bèn giữ lại nửa năm, khí hậu cây cỏ đang lúc vào xuân, trăm loài chim đua hót, càng khiến hai người nhớ đến quê nhà, van cầu được quay về. Tiên nữ bảo rằng:
          - Tội làm liên luỵ đến chàng, biết làm thế nào đây?
          Bèn bảo thị nữ ba bốn chục người, tập hợp tấu nhạc đưa tiến Lưu Nguyễn, đồng thời chỉ đường về. Khi đã về tới, bà con không biết đi nơi nào, nhà cửa cũng đổi khác không thể nhận ra. Hỏi thăm đứa cháu đã là đời thứ 7 nói rằng, nghe kể rằng ông tổ ngày xưa vào núi hái thuốc, đã lạc quên mất đường về.
          Lúc Lưu Nguyễn ở trong núi nửa năm thì dưới núi đã qua qua mấy trăm năm, đã là đời thứ 7.
Năm Thái Nguyên 太元thứ 8 đời Tấn (năm 388), hai người bỗng nhiên trở lại núi, nhưng không biết đi đâu.
1- Về chữ , trong một số tư liệu có bính âm shàn bên cạnh. Trong “Khang Hi tự điển”, chữ có 2 âm đọc:
          Yǎn: phiên thiết là DĨ NHIỄM 以冉
          Shàn: phiên thiết là THÌ NHIỄM 時染
          Như vậy, ở đây đọc là THIỂM.

Xắn tay, mở khoá động đào
Rẽ mây, trông tỏ lối vào Thiên Thai
(“Truyện Kiều” 391 – 392)
Thiên Thai: Một hòn núi tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Có sự tích nói đời Hán có Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên Thai hái thuốc và gặp tiên, nên Thiên Thai dùng để chỉ cảnh tiên.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Hậu Hán thư: Đoan ngọ nhật, Lưu Thần Nguyễn Triệu nhập Thiên thai HÁI dược ngộ Tiên tử.
          後漢書: 端午日, 劉晨阮肇入天台藥遇仙子
          (Sách Hậu Hán: Ngày Đoan ngọ, chàng Lưu Thần cùng chàng Nguyễn Triệu vào động Thiên thai, hái thuốc gặp tiên)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, 2 câu này là:
Xắn NGANG mở MẶT động đào
Rẽ mây trông RÕ lối vào Thiên thai
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 18/3/2020


Previous Post Next Post