Dịch thuật: Tiết vừa con én đưa thoi (39) ("Truyện Kiều")


TIẾT VỪA CON ÉN ĐƯA THOI (39)
          Trong thơ văn cổ, để nói thời gian qua nhanh, người xưa thường dùng hình ảnh chiếc thoi đang dệt để ví.
          Trong Tăng quảng hiền văn 增廣賢文 có chép câu:
Quang âm tự tiễn, nhật nguyệt như thoa
光音似箭, 日月如梭
(Thời gian như tên bắn, ngày tháng tựa thoi đưa)
          Và trong Tam hiệp ngũ nghĩa 三侠五义 hồi thứ 71 của Thạch Ngọc Côn 石玉昆  đời Thanh có câu:
Thời quang nhẫm nhiễm, tuế nguyệt như thoa
时光荏苒, 岁月如梭
(Thời gian dần trôi, năm tháng như thoi đưa)

Tiết vừa con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
(“Truyện Kiều”, 39 – 40)
Con én đưa thoi: Chữ Hán “tuế nguyệt như thoa” nghĩa là năm tháng như thoi. Chữ con én là chỉ mùa xuân.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Nhật nguyệt như thoa
          日月如梭
          (Ngày tháng như đưa thoi)
          Hựu Đường thi: Hoàng oanh chức liễu loạn phao thoa.
          又唐詩: 黃鶯織柳亂拋梭
          (Lại thơ Đường: con oanh dệt lá liễu như đưa thoi díu dít)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Với câu 39 và 40 trong “Truyện Kiều”, “con én” chỉ mùa xuân, “con én đưa thoi” ý nói thời gian qua nhanh, mùa xuân 90 ngày mà giờ đã hơn 60 ngày rồi.
             Bản “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, nxb Văn hoá thông tin, Hà nội - 2000, câu 39 là:
NGÀY XUÂN con én đưa thoi. 
          Câu 39, bản của Bùi Khánh Diễn và “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm đều là:
NGÀY XUÂN con én đưa thoi.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 05/01/2020
Previous Post Next Post