Dịch thuật: Thưa rằng: Thanh khí xưa nay (193) ("Truyện Kiều")


THƯA RẰNG: THANH KHÍ XƯA NAY (193)
          “Thanh khí” tức “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
          Ở phần văn ngôn của quẻ Càn trong “Kinh Dịch” có câu:
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
同聲相應, 同氣相求
(Âm thanh giống nhau thì có thể cộng minh; khí vị cùng loại thì có thể dung hợp)
          Ý nói sự vật cùng loại hỗ tương cảm ứng. Người cùng chí thú, cùng ý kiến đương nhiên có thể kết hợp với nhau. 

Thưa rằng: Thanh khí xưa nay
Mới cùng nhau lúc ban ngày, đã quên?
(“Truyện Kiều” 193 – 194)
Lạ gì thanh khí lẽ hằng
Một dây một buộc, ai giằng cho ra?
(“Truyện Kiều” 1287 – 1288)
Trong cơ thanh khí tương tầm
Ở đây hoặc có giai âm chăng là?
(“Truyện Kiều” 2883 – 2884)
Thanh khí: Chỉ người có đồng tình đồng điệu, do câu Kinh Dịch: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nghĩa là những vật cùng một loại tiếng thì ứng nhau, ví như con gà này gáy thì con gà khác gáy theo, những vật cùng một loại khí thì đi tìm nhau, ví như đá nam châm hút sắt.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Dịch Kiền văn ngôn: đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
          易乾文言: 同聲相應, 同氣相求
          (Bài Văn ngôn quẻ Kiền kinh Dịch: cùng tiếng thì ứng với nhau, cùng hơi cùng tìm đến nhau)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Theo “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 1287 này là:
Lạ gì thanh khí NHẼ hằng
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 30/01/2020
Previous Post Next Post