Dịch thuật: Một vùng như thể cây quỳnh cành dao (144) ("Truyện Kiều")


MỘT VÙNG NHƯ THỂ CÂY QUỲNH CÀNH DAO (144)
        Vương Diễn王衍 (256 – 311) tự Di Phủ 夷甫, người huyện Lâm Nghi 临沂quận Lang Da 琅邪 (nay là phía bắc Lâm Nghi 临沂 Sơn Đông 山东), trọng thần cuối thời Tây Tấn. Ông là con của Bắc Bình tướng quân Vương Nghệ 王乂và là em họ quan Tư đồ Vương Nhung 王戎. Vương Diễn dáng người tuấn tú, phong thái văn nhã, rất thích học thuyết Lão Trang, nổi tiếng đương thời.
Trong Thế thuyết tân ngữ 世说新语 có nói đến Vương Diễn 王衍:
          Vương Nhung vân: “Thái uý thần tư cao triệt, như dao lâm quỳnh thụ, tự nhiên thị phong trần ngoại vật.”
          王戎云: “太尉神姿高彻, 如瑶林琼树, 自然是风尘外物.
          (Vương Nhung nói rằng: “Phong độ nghi thái của Thái uý (Vương Diễn) cao nhã thanh triệt, giống như rừng dao cây ngọc, tự nhiên là nhân vật ngoài trần thế.”)
          (Lưu Nghĩa Khánh 刘义庆: “Thế thuyết tân ngữ” 世说新语, Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002)

Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao
(“Truyện Kiều” 143 –  144)
Cây quỳnh cành dao: cây bằng ngọc quỳnh cành bằng ngọc dao, là hai thứ ngọc hiếm có, chỉ người con gái có vẻ đẹp như tiên.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, khi chú “cây quỳnh cành dao” ghi rằng:
          Vương Nhung vân: “Vương Di Phủ thần tư cao triệt, như dao lâm quỳnh thụ, tự thị phong trần ngoại vật.”
王戎云: “王夷甫尉神姿高彻, 如瑶林琼树, 自是风尘外物.
          (Ngươi Vương Nhung nói: “Tinh thần dáng dấp Vương Di Phủ  thanh cao thông suốt như rừng cây dao cây quỳnh, thực là bực ngoài cõi phong trần vậy.”)
          (Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Điển “dao lâm quỳnh thụ” là nói về Vương Diễn. Trong truyện Kiều từ câu 133 đến câu 144 nói về Kim Trọng. Như vậy cây quỳnh cành dao ở đây chỉ Kim Trọng hợp lí hơn.
 Theo “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 143 này là:
GIAI NHÂN lần bước dặm xanh
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 15/01/2020
Previous Post Next Post