Dịch thuật: Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây (192) ("Truyện Kiều")


ĐÀO NGUYÊN LẠC LỐI ĐÂU MÀ ĐẾN ĐÂY (192)
          Đào nguyên 桃源 : Ví với một nơi lí tưởng, sống an lạc hạnh phúc, cách tuyệt với xã hội hiện thực.
          Điển xuất từ bài Đào hoa nguyên kí 桃花源記 của Đào Tiềm 陶潛.
          Vào niên hiệu Thái Nguyên 太元 triều Tấn, có người ở Vũ Lăng 武陵 làm nghề đánh cá, ngày nọ men theo giòng nước chèo thuyền đi, quên cả lộ trình xa gần. Bỗng bắt gặp một rừng hoa đào mọc hai bên bờ dài khoảng mấy trăm bước, bên trong không có loài cây nào khác, cỏ xanh tươi tốt, hoa rụng rực rỡ. Ngư phủ cảm thấy kì lạ lại tiếp tục tiến vào, muốn biết tận cùng của rừng đào. Nơi tận cùng lại là nơi nguồn nước, gặp một ngọn núi, núi có một cửa động hẹp, trong động dường như có ánh sáng. Thế là ngư phủ xuống thuyền từ cửa động bước vào. Mới đầu thì hẹp, chỉ lọt được một người, đi thêm mấy chục bước, đột nhiên rộng lớn ra, một vùng đất bằng phẳng, nhà cửa chỉnh tề, ruộng đất phì nhiêu, ao hồ tốt đẹp, có cả rừng dâu rừng trúc. Trong ruộng đường nhỏ ngang dọc tương thông, khắp nơi nghe được tiếng gà gáy tiếng chó sủa. Trong ruộng người qua kẻ lại làm việc chăm chỉ, nam nữ ăn mặc cũng giống với người bên ngoài. Người già và trẻ con đều an nhàn thư thái. Trông thấy ngư phủ, người trong làng vô cùng kinh ngạc, hỏi từ nơi nào đến. Ngư phủ kể lại tường tận Thế là họ mời về nhà, làm gà bày rượu mở tiệc khoản đãi. Mọi người trong làng nghe nói cũng đều đến hỏi thăm tin tức. Họ nói rằng tổ tiên của họ vì tránh loạn thời Tần đã đưa vợ con cùng người làng đến nơi này, từ đó không ra nữa, cách tuyệt với thế giới bên ngoài. Hỏi ngư phủ lúc này là triều đại nào, họ chẳng biết qua triều Hán, càng khỏi phải nói đến hai triều Nguỵ Tấn. Ngư phủ kể lại tường tận những gì mình biết. Nghe xong mọi người đều cảm thán, họ mời ngư phủ về riêng nhà mình để khoản đãi. Ngư phủ lưu lại mấy ngày, sau đó cáo từ ra về, người trong làng dặn không nên nói với ai về nơi này. Ngư phủ tìm thuyền rồi thuận theo giòng nước trở ra, đi qua nơi nào đều đánh dấu. Sau khi về quận thành, ngư phủ đến chỗ của Thái thú kể lại sự việc. Thái thú lập tức sai người cùng ngư phủ đi tìm những dấu đã đánh, nhưng cuối cùng lạc mất phương hướng, tìm không thấy lối vào nguồn đào.  (HCH)

Rước mừng, đón hỏi, dò la
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây
(“Truyện Kiều” 191 - 192)
Đào nguyên: Bài Đào nguyên ký của Đào Tiềm kể chuyện một người đánh cá lạc vào một nơi trồng toàn đào, ở đấy người ta sống rất sung sướng. Sau này chữ đào nguyên hay nguồn đào thường dùng để chỉ nơi tiên ở.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tấn Vũ Lăng nhân bộ ngư vi nghiệp, duyên khê hành vong lộ, hốt kiến đào lâm, phương thảo tiên mĩ, lạc anh tân phân.
          晋武陵人捕魚為, 緣溪行忘路, 忽見桃林芳草鮮美, 落英繽紛
          (Người Vũ Lăng ở đời Tấn làm nghề đánh cá theo khe đi lạc đường, thoắt thấy rừng đào, cỏ thơm tươi tốt, hoa rụng tơi bời)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét:  Theo “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 191 và 192 này là:
CHÀO  mừng, ĐON hỏi, dò la
NGUỒN ĐÀO  lạc lối đâu mà đến đây
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 28/01/2020
Previous Post Next Post