Dịch thuật: Tôn giáo đời Chu (tiếp theo)

TÔN GIÁO ĐỜI CHU
(tiếp theo)

          Trừ những quỷ thần mà đã nói ở trên ra, ngẫu nhiên còn có những tinh linh xa lạ, hoặc anh hùng trong thần thoại, hoặc quỷ cũ quỷ mới bị bỏ rơi, hoặc yêu mị có lai lịch bất minh giáng phụ vào thân thể của vu hích 巫觋 (“vu” là người nữ, “hích” là người nam). Vu hích được thần linh yêu tha thiết, họ cùng với lời của thần linh giáng phụ, nhân đó mọi người nếu muốn cầu thần linh, trước tiên phải cầu cúng họ. Vương, Hầu, Đại phu đều cung phụng vu thần. Chu Lệ Vương 周厉王 bị người xua đuổi có câu chuyện sai “Vệ vu giám báng” 卫巫监谤 (1), Ẩn Công 隐公, vị Lỗ quân đầu tiên là một “nịnh vu” 佞巫. Trước khi lên ngôi, ông từng là tù binh của nước Trịnh, bị giam tại nhà Doãn thị 尹氏. Nhà này có Chung vu 钟巫nổi tiếng linh nghiệm, ông thông đồng cùng Doãn thị đi cầu đảo riêng. Về sau, người Trịnh trả ông trở về, ông bèn dẫn Chung vu đến nước Lỗ. Ông bị người anh em của ông ám sát lúc ông ra bên ngoài trai giới chuẩn bị tế Chung vu.
          Vu hích là tiếng nói của một số quỷ thần, cho nên có thể trực tiếp biết được ý chỉ  của một số quỷ thần và cát hung tương lai. Nhưng người khác muốn biết ý chỉ của quỷ thần hoặc cát hung tương lai, trừ hỏi vu hích ra, chỉ có thể gián tiếp dựa vào phương pháp chiêm trắc. Phương pháp chiêm trắc đời Chu, trừ theo cách bói mai rùa (quy bốc 龟卜) từ đời Thương Chu ra, (bói xương thú  tức thú cốt bốc 兽骨卜) ở thời Chu dường như không thông hành), còn có bói thệ (“thệ”   - bói cỏ thi) do người Chu phát minh. Muốn rõ cách bói thệ, trước tiên phải nói rõ một bộ sách mà khi bói thệ dùng, tức Chu Dịch 周易. Bộ sách này bao hàm 64 phù hiệu và sự giải thích về chúng. Những phù hiệu này gọi là “quái” . Mỗi quái có 6 tầng tức 6 hào . Mỗi một tầng là một nét ngang, hoặc nét ngang mà ở giữa bị đứt đoạn thành 2. Nét ngang có thể gọi là “cơ” (lẻ), nét đứt làm 2 có thể gọi là ngẫu (chẵn). Các quái có tên riêng, ví dụ 6 hào đều là cơ tên gọi là “càn” ; 6 hào đều là ngẫu tên gọi là “khôn” ; trong 6 hào, hào thứ 2, hào thứ 5 (tính từ dưới lên) đều là ngẫu tên gọi là “li” . Sự giải thích mỗi quái chia làm 2 loại, giải thích toàn quái gọi là “quái từ”卦辞, giải thích các hào gọi là “hào từ” 爻辞. .....
          Sự thần thông của vu hích chỉ hạn chế trong phạm vi thế lực của thần linh mà họ giáng phụ vào, họ hoàn toàn không nắm giữ việc tế tự thường điển của tông miếu Xã Tắc. Cho dù được vương hầu cung phụng, họ cũng không phải là chức quan như bình thường.
          Chức quan bình thường quản lí triều đình vương hầu và giao thiệp với quỷ thần có Chúc , Tông , Bốc , Sử . Nhiệm vụ chủ yếu của Chúc thay mặt người tế đáp lời lại với quỷ thần, nhân đó Chúc đặc biệt phải biết tính tình lịch sử của quỷ thần. Tông thì quản lí trình tự tế lễ ở tông miếu, bố trí đàn tế, tuyển chọn tế phẩm. Bốc nắm giữ việc bói thệ, nhưng có một số nước ngoài Bốc ra còn đặt Vu quan. Chức vụ chủ yếu của Sử là nắm giữ văn thư, ghi chép đại sự, quan sát thiên tượng, nhưng cũng kiêm việc bói thệ và tế tự. Thủ trưởng 4 chức quan này tại vương triều lần lượt là Thái chúc 太祝, Thái tông 太宗, Bốc chính 卜正, Thái sử 太史; tại liệt quốc đại để cũng như thế; chỉ có nước Sở tên gọi vị bốc trưởng là Bốc doãn 卜尹, lại có Tả sử 左史 Hữu sử 右史mà dường như không có Thái sử. Địa vị trưởng quan của Chúc, Tông, Bốc sử không thấy ghi chép, nhưng chúng ta từ 2 câu chuyện dưới đây có thể suy đoán.
          - Sở Bình Vương 楚平王 (từ năm 528 đến năm 517 trước công nguyên), lúc mới lên ngôi từng xem trọng kẻ địch mà ông tôn kính, gọi đến cho giữ chức quan theo ý muốn. Bởi vì tiên nhân của ông ta từng nắm giữ việc bốc nên đã để ông ta làm Bốc doãn. Có thể thấy địa vị của vị bốc trưởng rất cao.
          - Vệ Hiến Công 卫献公 (từ năm 567 đến năm 559 trước công nguyên) xuất bôn về nước, muốn ban ấp cho tụng thần. Tụng thần có Thái sử Liếu Trang 柳庄, sợ việc ban thưởng riêng tư gây thất nhân tâm nên ra sức can ngăn. Hiến Công nghe theo, cho rằng ông ta là bề tôi Xã Tắc, đợi khi ông ta mất, cuối cùng mới ban cho điền ấp, đồng thời viết rõ ước ngôn “thế thế vạn (vạn thế) tử tôn vô biến” 世世万 (万世) 子孙毋变 đặt vào trong quan tài của ông. Có thể thấy Thái sử được điền ấp, thì Tông trưởng, Chúc trưởng cũng như vậy.
          Còn như quan Chúc, Tông, Bốc, Sử cấp thấp thì đều có thực điền, có lúc nhiều đến ngang với thực điền của vương thất hoặc thế thất đoạt được. Nhưng các Đại phu có thế lực, rất ít người xuất thân từ Chúc, Tông, Bốc, Sử, hoặc đồng thời bổ nhậm mấy chức quan đó.
          Đại sự quốc gia thời kì này, không ngoài chiến tranh và tế tự. Trước khi đánh trận, theo lệ phải “thụ mệnh vu (tông) miếu, thụ thận vu Xã” 受命于宗庙受脤于社. Theo lệ phải bói thệ. Cho nên, không có đại sự quốc gia lần nào mà không có chuyên gia của 4 loại nói trên tham dự. Họ lại là người được kế thừa sự nghiệp của cha ông, người kế thừa ngày càng tích luỹ nhiều, càng phong phú hơn. Nhân đó đa phần họ dều biết rõ ngôn hành của tổ tiên. Sử quan nhân vì chức vụ là ghi chép điển tịch, nhất là hiểu rõ chuyện cũ và những bài học về chuyện cũ cung cấp cho mọi người, họ trở thành cẩm nang cho vương hầu thường thường tìm hiểu. Đầu đời Chu có vị Sử Dật 史佚, viết qua bộ sách, người đời sau gọi là “Sử Dật chi chí” 史佚之志. Đại khái là ghi chép về lịch sử kèm thêm luận đoán. Thời Xuân Thu người có tri thức thường dẫn sách này, đáng tiếc là về sau đã thất truyền, nhưng đến nay hãy còn bảo tồn một số câu trong đó, như:
          Động mạc như kính, cư mạc như kiệm (2), đức mạc như nhượng, sự mạc như tư.
          动莫如敬, 居莫如俭 (2), 德莫如让, 事莫如咨
          (Hành vi cử chỉ chẳng gì bằng cung kính, trị gia cư gia chẳng gì bằng tiết kiệm, đạo đức phẩm hạnh chẳng gì bằng khiêm nhường, làm việc chẳng gì bằng trưng cầu ý kiến của người khác)
                                                                        (hết)

Chú của người dịch
1- Vệ vu giám báng卫巫监谤: là chính sách chuyên lợi mà Chu Lệ Vương 周厉王 thực hành, chính sách này đã gây ra sự bất mãn của người dân trong nước. Chu Lệ Vương đã dùng Vệ vu  để giám sát hành động của dân, cấm chỉ người trong nước bàn luận chính sự của đất nước, ai vi phạm sẽ bị giết. Dưới sự thống trị khủng bố này, người dân chỉ biết “đạo lộ dĩ mục” 道路以目 (trên đường chỉ dùng mắt để ra hiệu), dám giận nhưng không dám nói. Lệ Vương đắc ý khoe rằng:
Ngô năng nhị báng hĩ.
吾能弭谤矣
(Ta đã có thể cấm chỉ sự huỷ báng)
          Nhưng Thiệu Công Hổ 召公虎 đã cảnh tỉnh Vương rằng:
Dân bất kham mệnh hĩ ..... Phòng dân chi khẩu, thậm vu phòng xuyên.
民不堪命矣. ..... 防民之口, 甚于防川
(Dân không thể nào chịu đựng nổi rồi ..... Bịt miệng dân càng nguy hại hơn việc chặn dòng nước chảy)
Lệ Vương căn bản không nghe, ngược lại càng tăng cường “giám báng”, cuối cùng vào năm 841 trước công nguyên, dân trong nước đã bạo động, tấn công vương thất, Lệ Vương phải bôn đào.  
2- Ở đây trong nguyên tác in nhầm là chữ (hiểm).

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 24/11/2019

Nguyên tác
TÔN GIÁO
宗教
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post