Dịch thuật: Tôn giáo đời Chu

TÔN GIÁO ĐỜI CHU

          Thế giới quỷ thần của người Chu so với đời Ân chúng ta biết tương đối rõ hơn một chút. Trong đó ngoài tổ tiên của các nhà ra, còn có thần nhật nguyệt tinh tú. Các vị thần này chủ quản tuyết sương mưa gió hợp thời hoặc không hợp thời; có thần núi thần sông, các vị thần này là nguyên nhân của thuỷ tai hạn tai và lệ dịch; nhưng quan trọng nhất, vị thần mà mọi người sinh tồn đều dựa vào vẫn là Thổ thần 土神 và Cốc thần 谷神. Thổ thần có quan hệ đến đất đai tốt xấu, Cốc thần có quan hệ với ngũ cốc được mùa mất mùa. Thổ thần gọi là Xã , hoặc Hậu thổ 后土; Cốc thần gọi là Tắc , hoặc Hậu Tắc 后稷. Nơi thờ cúng Xã Tắc 社稷cũng gọi là Xã Tắc 社稷. Tắc chỉ là một loại lúa, dùng để gọi tên Cốc thần, gọi tên là “Điền tổ” 田祖, ở đây dường như tiết lộ một sự thực lịch sử mà bị quên lãng; giống lúa hoang lúc ban đầu được mọi người trồng là tắc.
          Giống như trong xã hội phong kiến trên có Thiên vương 天王, chủ tể bách thần có Thượng Đế 上帝. Thượng đế là vị thần rất quan tâm đến đạo đức của con người, thưởng thiện phạt ác. Nhưng Thượng đế cũng giống như Thiên vương, địa vị tuy tôn quý, nhưng thực quyền lại có hạn. Trong cuộc sống thường
ngày, giữa Thượng đế  và người rất ít phát sinh quan hệ, mọi người cũng không cần vì Thượng đế mà hao tốn. Điển lễ tế tự Thượng đế gọi là Giao tự 郊祀. Cử hành Giao tự lễ chỉ có Chu vương 周王 và Lỗ quân 鲁君. Lai lịch của Thượng đế không biết người Chu đã từng nghĩ đến chưa, chứ còn như thần kì 神祇 của các bộ phận trong giới tự nhiên, trong tín ngưỡng của người Chu, hơn một nữa nguyên thuỷ có thể tra cứu. Phần lớn xuất thân từ nhân quỷ; hơn nữa, cũng giống như phong quân, địa vị của những vị thần này là do Thượng đế phong cho. Ví dụ như Thần sông Phần , theo truyền thuyết là con của cổ đế Kim Thiên thị 金天氏, khi sinh ra làm quan trị thuỷ, có công khơi thông sông Phần và sông Thao , nhân đó mà được phong. Và như sao Sâm và sao Thương mãi mãi không gặp nhau, lịch sử của hai vị thần này là: cổ đế Cao Tân thị 高辛氏 có hai người con phẩm hạnh không ra gì. Họ chết đi, trú ở một rừng hoang cứ suốt ngày đánh nhau. Thượng đế thấy không ổn, bèn đưa người con lớn đến Thương Khâu 商丘  làm thần sao Thương, đưa người con nhỏ đến Đại Hạ 大夏, làm thần sao Sâm. Bối cảnh lịch sử của đoạn thần thoại này là người Thương đã lấy sao Thương làm sao tiêu chuẩn định thời tiết, cho nên có tên là Thương tinh 商星 (sao Thương). Trước khi có lịch, người xưa nhìn sự chuyển động của hằng tinh để định thời tiết sớm muộn, đó gọi là “quan tượng thụ thời” 观象授时. Hằng tinh được chọn làm tiêu chuẩn gọi là “thần” .
          Vị thần Xã Tắc 社稷 của người Chu là người phát minh ra nông nghiệp, đồng thời lại là tổ tiên của bản triều. Nhưng rốt cuộc Tắc thần 稷神có phải là sự sáng tạo của người Chu?  Hoặc Chu thất chẳng qua khi dọn lại đời xưa đã có Tắc thần, rồi lấy làm tổ tiên?  hiện nay vẫn chưa biết. Còn Xã thần 社神xác thực là trước đời Chu đã có. Xã của người Ân người Chu gọi là Bạc Xã 亳社. Chí ít là tại đô thành nước Lỗ đồng thời đã có Bạc Xã亳社 và Chu Xã 周社. Kiến trúc của triều đình ở vào khoảng giữa của hai Xã. Đại khái lúc ban sơ dân chúng nước Lỗ bị thống trị, đại bộ phận là di dân của người Ân, những kẻ thống trị lo lắng sự phản ứng của họ, đành để họ bảo lưu tôn giáo vốn có của họ, mà lập riêng Xã mới cho mình, gọi là Chu Xã. Mãi cho đến đầu thế kỉ thứ 5 trước công nguyên, đại phu nước Lỗ hãy còn câu chuyện “minh quốc quân” 盟国君 tại Chu Xã, “minh ‘quốc nhân’ 国人’” tại Bạc Xã. Lai lịch của Xã thần hiện không thể biết. Tại địa điểm tế tự, theo lệ trồng một cây lớn, theo truyền thuyết, Xã đời Hạ trồng cây tùng , đời Ân trồng cây bách , đời Chu trồng cây lật .
          Từ thiên tử xuống đến sĩ đều có tông miếu. Miếu của thiên tử và phong quân chia làm 2 loại: Thái miếu 太庙 hợp tế chúng tổ và chuyên miếu 专庙 phân tế một tổ. Trừ Thái tổ 太祖 ra, chuyên miếu mỗi một tổ, sau khi trải qua một số đời, “thân tận” 亲尽  (bà con quá xa) sẽ bị huỷ, nếu không như thế,  trong đô thành sẽ có nỗi lo “miếu mãn” 庙满. Tông miếu, Xã, Tắc là 3 đại thánh địa của một đô hội. Hàng năm ngoài lâm thời tế tự ra còn định kì cúng tế. Cúng tế tông miếu là nhiều lần nhất. Các Thần kì khác chỉ khi có nhu cầu mới được dâng lễ vật. Nhưng các miếu ấy không phải lo, cơ hội như thế có rất nhiều. Tuy thuỷ tai, hạn tai, dịch lệ và mưa gió không đúng thời tiết, tương đối bất thường, tuy chúng thần, mỗi thần đều có lĩnh vực riêng, nhưng bất kì quỷ thần nào, bất kì lúc nào cũng đều có thể giáng hoạ nạn cho bất kì người nào, nhất là tật bệnh. Người ta sẽ không tiếc dâng những con hi sinh 牺牲 (con vật dâng cúng) và ngọc bạch, nguyên nhân tật bệnh đều suy ra từ quỷ thần. Sự vui mừng của họ hơn cả được thuốc thang, các vu chúc 巫祝 (1) chính là thầy thuốc. Người Chu thờ phụng thần dường như không phiền phức như người Ân, nhưng cũng chân thành như người Ân. Trước khi tế tự, chủ tế phải cách rời gia đình đến bên cạnh miếu thanh tịnh trai giới mấy ngày; lúc tế một ông tổ nào đó phải tìm đối tượng cụ thể giả trang như thật để cúng, đó gọi là “thi” . Những con hi sinh tế tông miếu và Xã Tắc, tuy cũng chiếu theo cách làm của đời sau, chỉ cho quỷ thần ngửi mùi, còn “tế nhục” 祭肉 (thịt tế) thì chia phần cho những người dự tế, nhưng trong những điển tế khác cũng có khi đem nguyên cả con trâu, dê, heo hoặc chó thiêu hoá, chôn xuống đất hoặc cho chìm xuống nước để quỷ thần hưởng dụng. Vải và ngọc thiêu đốt cho tất cả quỷ thần cũng đều là vật thật không phải là làm từ giấy. Ngọc dâng cho quỷ thần không thể bày ra là được, mà phải đập vỡ ra, hoặc ném xuống sông. Nhưng quỷ thần cũng giống như đứa trẻ, đại loại có thể dùng câu nói như sau để thí dụ:
          Nhĩ chi hứa ngã, ngã kì dĩ bích dữ khuê quy sĩ nhĩ mệnh; bất hứa ngã, ngã nãi bình bích dữ khuê.
          尔之许我, 我以其璧与珪归俟尔命; 不许我, 我乃屏璧与
          (Nếu thần hứa với ta, ta sẽ lấy ngọc bích ngọc khuê dâng lên để đợi mệnh của thần; nếu không hứa với ta, ta sẽ không dâng ngọc bích ngọc khuê)
          (Đây là lời của Chu Công nói với tổ tiên)
          Tế điển thịnh đại là một loại tế hùng vĩ, trong tông miếu với hàng trụ đỏ chạm khắc, bày ra những đỉnh những di đỉnh được truyền làm quốc bảo, các quan với phủ phất đẹp đẽ nhẹ nhàng đi lại, đội múa nhịp nhàng với những lông chim, nhạc tấu lên những khúc biểu hiện tinh thần dân tộc, diễn những lễ nghi phức tạp mà nếu không phải là chuyên gia thì không thể ghi nhớ.
          (Phụ chú: triều Chu bắt đầu tị huý tên của tổ tiên, nhân đó mà vương hầu có thuỵ, sĩ đại phu có biệt tự)
          Trong số các thần, vị thần tiếp cận nhất với chúng nhân là Xã. Mùa Xuân hàng năm có một lần “tái hội” 赛会 (2) Xã tế.
          Lúc bấy giờ, nhạc trống ca vũ, người hát, rượu thịt cùng các cô gái xinh đẹp ở vùng quê đã khiến mọi người trong cả nước vui đến phát cuồng. Tại nước Tề, có lẽ do bởi dân đông, sản vật phong phú, sự ước thúc của lễ giáo tương đối dễ dãi, Xã tế đặc biệt khiến mọi người say mê, ngay cả Lỗ quân không dễ gì ra khỏi đô thành cũng có lúc không kềm chế được muốn đi xem. Mỗi khi trước khi đánh trận, toàn quân phải tế Xã, tế xong, đem thịt tế và rượu phân phát cho binh sĩ, gọi đó là “thụ thận” 受脤. “Hấn cổ” 衅鼓 (3) cử hành vào lúc này. Với yến tiệc để quân uy thêm mạnh đó, say rượu trước khi liều mình ra trận đó, âm thanh huyên náo vang trời đó, là bắt đầu cho việc cả nước khẩn trương. Quân đội chiến thắng trở về cũng đến trước Xã để làm lễ hiến phu 献俘 (4) , có khi đem những tù binh cao quý giết tại hiện trường để làm tế phẩm. Ngoài ra khi gặp phải thuỷ tai, hoả tai và nhật thực,thì đánh trống trước Xã để cấp cứu, đồng thời dùng tệ hoặc hiến sinh 献牲; sau thuỷ tai hoả tai, cũng cần tế Xã để trừ hung khí. Gặp phải việc tụng ngục mà hai bên không có chứng cứ để có thể xác định, cũng có thể bảo họ đến Xã dâng lễ để thề, đợi kì tích của tương lai ..... (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Vu chúc 巫祝: Thời cổ gọi những người phụng sự quỷ thần là “vu” , gọi những người chủ trì lễ tế là “chúc” , sau dùng chung “vu chúc” để chỉ người nắm giữ việc chiêm bốc và tế tự.
2- Tái hội赛会: một loại dân tục và hoạt động văn hoá tôn giáo cổ xưa, biểu đạt nguyện vọng lương thiện của nhân dân lao động, cầu phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng.
3- Hấn cổ 衅鼓: một loại tế lễ thời cổ. Thời cổ phàm những khí vật quan trọng như chuông, trống sau khi đúc xong, phải giết trâu, dê, heo, lấy máu của chúng bôi lên những khí vật mới đó biểu thị tế, gọi đó là “hấn” .
4- Hiến phu 献俘: một loại quân lễ. Sau khi thắng trận trở về đem những tù binh bắt được dâng lên tông miếu, để bày tỏ chiến công.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 23/11/2019

Nguyên tác
TÔN GIÁO
宗教
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post