Dịch thuật: Trong giỏ của Ngư Lam Quán Âm đựng huyền cơ gì

TRONG GIỎ CỦA NGƯ LAM QUÁN ÂM ĐỰNG HUYỀN CƠ GÌ

          Câu chuyện Quán Âm Bồ Tát hoá thân mĩ nữ làm vợ Mã Lang nhân vì tính truyền kì nồng đậm, đã được các văn nhân nhã sĩ dùng làm đề tài sáng tạo, vật đựng trong giỏ chẳng phải là từ bi và trí tuệ tặng cho chúng sinh sao?
Nguyên mẫu câu chuyện – Toả Cốt Bồ Tát Mã Lang Phụ
          Truyền thuyết kể rằng, khoảng đầu thế kỉ thứ 9, thời Đường Hiến Tông 唐献宗 tại vị, vùng đông bộ Thiểm Tây 陕西 mọi người sinh sống bằng nghề săn bắn, đồng thời cũng chưa tin theo Phật giáo.Có một cô gái trẻ dung mạo xinh đẹp đến nơi này, rao lời rằng:
          - Ta đã đến tuổi để kết hôn, ai có thể trong một đêm thuộc “Phổ môn phẩm” 普门品, ta sẽ bằng lòng lấy người đó.
          Sáng sơm hôm sau, có 22 người được thông qua khảo thí, cô gái không thể nào cùng một lúc lấy nhiều người như thế, bèn nói rằng:
          - Ai trong một ngày mà thuộc “Kim cang kinh” 金刚经, ta sẽ lấy người đó.
          Sang ngày thứ 3, có 13 người được thông qua, cô gái lại yêu cầu họ trong 3 ngày thuộc cả bộ “Pháp hoa kinh” 法华经. Lần này chỉ có Mã Lang 马郎 được thông qua. Thế là Mã Lang đón cô gái về nhà vui mừng chuẩn bị hôn lễ. Nào ngờ trước lúc hoàn thành hôn lễ, cô gái đột nhiên qua đời, thi thể nhanh chóng bốc mùi, Mã Lang vội đem mai táng.
          Mấy ngày sau, có một vị hoà thượng mặc áo bào màu tía đến nơi này, đòi Mã Lang dẫn đi xem phần mộ cô gái. Lúc hoà thượng khai quật mộ, phát hiện huyết nhục của thi thể đã rửa nát hoàn toàn, chỉ còn lại xương do một sợi dây bằng vàng xâu lại. Lão hoà thượng nói với mọi người chung quanh rằng:
- Cô gái này là thánh nhân thị hiện, mục đích đến nơi này là để giải thoát mọi người thoát li khỏi luân hồi ác nghiệp.
          Nói xong, hoà thượng dùng nước rửa sạch thi thể, buộc vào gậy rồi bay lên không trung đi mất. Từ đó, nhiều cư dân đã tin theo Phật giáo. Còn xương mà do sợi dây bằng vàng xâu lại chính là dấu hiệu của thánh nhân, nhân đó mọi người xưng là “Toả Cốt Bồ Tát” 锁骨菩萨.
         Nguyên mẫu trong câu chuyện, chỉ có chỉ có Mã Lang Phụ 马郎妇, chưa xuất hiện Quán Âm, cũng chưa nói đến giỏ cá, ngay cả địa điểm minh xác của câu chuyện cũng không nói rõ, nhưng thường được mọi người truyền tụng, như thi nhân nổi tiếng Hoàng Đình Kiên 黄庭坚đời Tống có câu:
Toả cốt Kim Sa than.
锁骨金沙滩
          Đến Ngư lam bảo quyển 鱼篮宝卷, Ngư Lam Quán Âm 鱼篮观音mới có hình tượng rõ ràng.
Ngư lam bảo quyển – Cô gái bán cá trên Kim Sa Than
          Bối cảnh của câu chuyện đến từ khu vực duyên hải Giang Tô 江苏đời Tống, thôn Kim Sa Than 金沙滩 sinh sống bằng nghề săn bắn, đánh cá, giết mổ gia súc. Người dân ở đây vô cùng hung ác, cường đạo, giết người, trộm cắp, mọi việc xấu đều làm đã kích nộ Ngọc Hoàng Đại Đế. Ngọc Hoàng Đại Đế đã lệnh cho Đông hải long vương nhấn chìm cả thôn trang, muốn thôn dân xuống thuỷ ngục, vĩnh viễn không được siêu sinh.
          Đương thời Quán Âm là giáo chủ Nam Hải, sau khi biết tin đã khởi lòng thương xót, thỉnh cầu Ngọc Hoàng Đại Đế để sau mấy tháng nữa rồi hãy trừng phạt họ, đồng thời tự nguyện xuống trần đến Kim Sa Than độ hoá. Quán Âm biến thành một cô gái xinh đẹp tay xách giỏ cá đến Kim Sa Than bán cá. Sự việc đó chấn động cả thôn, trong đó một ác bá họ Mã , người này vô cùng giàu có, cảm thấy bị quyến rũ bởi cô gái bán cá, nên quyết định muốn tìm cách cưới cô gái đó.
          Mã Lang 马郎 tìm cách tiếp xúc cô gái, hỏi thăm thân thế. Cô gái nói nguyên nhân đến nay cô vẫn chưa lập gia định là, phát nguyện sẽ lấy một người có thể đọc thuộc Pháp Hoa Kinh 法华经, đồng thời  ăn chay làm việc thiện. Nghe cô gái nói rõ, Mã Lang rất vui mừng, hỏi rằng:
          - Làm gì có thể tìm được bộ kinh đó. Kinh đó sao mà quan trọng vậy?
          Cô gái đáp rằng:
          - Bộ kinh này là báu vật vô giá, có được kinh, nhân thiên đều hoan hỉ, rời xa nỗi khổ địa ngục.
          Còn như làm sao có thể tìm được bộ kinh? Cô gái chỉ vào trong giỏ cá. Hoá ra cô gái đem “Pháp Hoa kinh” cất trong giỏ cá.
          Đàn ông con trai trong thôn biết chuyện, cũng quyết định như Mã Lang, ra sức đọc thuộc kinh điển, học tập Phật pháp, để tranh thủ kết hôn cùng cô gái xinh đẹp. Qua một tháng sau, người trong vẫn đang học thuộc kinh Phật, nhưng kế hoạch cứu độ Kim Sa Than tất phải nhanh tiến hành, nhân đó, cô gái quyết định chọn Mã Lang là người tính tình xấu nhất để thực hiện lời hứa. Cô gái thổi một làn hơi đến Mã Lang, Mã Lang trong phút chốc thần khí trong sáng, không chút do dự đọc thuộc toàn bộ “Pháp Hoa kinh”. Mã Lang được chọn, vô cùng vui mừng chuẩn bị hôn lễ. Không ngờ ngày thành hôn cô gái đột nhiên sinh bệnh. Lúc này, cô gái mới thổ lộ thân phận chân thực của mình là Quán Âm với Mã Lang:
          - Ta đã làm trái ý chỉ của Ngọc Hoàng Đại Đế là muốn nhấn chìm Kim Sa Than, cho nên phải đợi tại phàm trần 3 năm.
          Trước khi mất, cô gái khuyên người trong thôn nên tiếp tục trì tụng bộ kinh này, đồng thời tiếp tục ăn chay, làm việc thiện. Sau đó cô gái qua đời.
          Mã Lang mất cô gái, cực kì đau thương, sau khi an táng cô gái xong, Mã Lang tìm một hoạ sĩ vẽ bức tranh cô gái bán cá, để phụng thờ trong nhà, từ đó, sửa chữa lỗi lầm của mình. Ba năm qua đi, do bởi Mã Lang nhiệt thành truyền bá Phật pháp, cả thôn biến thành một nơi lương thiện. Ngày nọ, Mã Lang nhớ đến cô gái bán cá, nghĩ rằng: Kì hạn 3 năm sắp đến rồi, nàng ấy có thăng thiên không? Ý nghĩ của anh ta làm kinh động đến Quán Âm, giục Quán Âm một lần nữa xuống trần.
          Lần này Quán Âm hoá thành một tăng nhân đến Kim Sa Than tìm cô em họ đã nhiều năm lưu lạc, dung mạo cô em họ đó nghe kể qua rất giống cô gái bán cá. Mã Lang sau khi nghe tin, lại một lần nữa vô cùng đau thương, nói với tăng nhân là cô ấy đã mất. Tăng nhân muốn đi xem thi thể, để xác nhận có phải là cô em họ không. Lại nói, nếu đúng là Quán Âm, thì thân thể kim sắc không hư hại. Ngay lập tức đến phần mộ khai quật mộ để xem, quả thực thân thể cô gái kim sắc, càng không thể tưởng tượng được đó là cô gái bán cá đó đột nhiên sống lại, tay cầm giỏ cá thăng thiên. Mọi người vô cùng kinh ngạc, vị tăng nhân cũng từ từ bay lên không, đứng bên cạnh cô gái và nắm lấy tay cô gái, sau đó cả hai dung hợp làm một thành Quán Âm ngồi ngay ngắn trên mây khai thị mọi người. Quán Âm nói với mọi người sở dĩ hai lần xuống trần là để cứu độ cư dân Kim Sa Than. Nghe qua mấy lời đó, mọi người trong lòng hối hận, đồng thời phát nguyện tuân theo lời dạy của Quán Âm.
          Trong số báu vật truyền gia của Mã Lang, có một khúc gỗ đàn hương. Mã Lang mời người đến căn cứ theo bức hoạ trước đó mà tạc thành tượng, đồng thời khắc thêm giỏ cá, đó chính là nguồn gốc Ngư Lam Quán Âm.
          Câu chuyện Ngư Lam Quán Âm đã khiến bao đời người Trung Quốc cảm động. Nghe qua câu chuyện, chúng ta biết được trong giỏ đó bán thứ gì? Đó là Quán Âm vận dụng mọi phương tiện thiện xảo để giúp mọi người hướng thiện.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 17/10/2019
                                    Ngày 19 tháng 9 Kỉ Niệm Quán Âm Bồ Tát xuất gia

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post