CÂU “ẨN CUNG ĐỒ HÌNH GIẢ THÂT THẬP DƯ VẠN
NHÂN”
GIẢI THÍCH CÓ SỰ SAI LẦM
Khi phê
bình Tần là bạo chính, nhiều người đều dẫn dụng câu trong Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 秦始皇本纪: “Ẩn cung đồ hình giả thất thập dư vạn nhân, nãi phân
tác A Bàng cung hoặc tác Li sơn” 隐宫徒刑者七十余万人, 乃分作阿房宫或作骊山. Các chuyên gia nói rằng:
Bạn thấy đó, xây dựng cung A Bàng và lăng ở
Li sơn, dùng 70 vạn người bị cung hình và những tội phạm khác, đó chẳng phải là
bạo chính nghiêm hình tuấn pháp sao?
Có người
còn làm như là có thật việc đó mà suy đoán rằng, người bị cung hình chiếm một nửa,
có đến 35 vạn người, mà một phần mười cũng đạt đến 7 vạn người, quả là tàn khốc
cực độ.
Nhưng,
cách giải thích ấy là sai lầm, vấn đề ở 2 từ “ẩn cung” 隐宫 và “đồ hình” 徒刑.
Đầu
tiên chúng ta xem xét từ “ẩn cung” 隐宫. Đem “ẩn cung” giải
thích người bị qua cung hình là bắt đầu từ Sử
kí chính nghĩa 史记正义 của
Trương Thủ Tiết 张守节 đời
Đường:
Người bị cung hình xong, phải dưỡng 100 ngày
ở một căn phòng tối, căn phòng đó gọi là ẩn cung, cũng gọi là “tàm thất” 蚕室, bởi căn phòng nuôi tằm phải tối và thông gió. Cho
nên, ẩn cung là chỉ người bị qua cung hình.
Nhưng
cách giải thích này đối với những bài văn khác lại là cách giải thích không
thông. Trong Mông Điềm liệt truyện 蒙恬列传 có ghi:
Triệu Cao 赵高 là thân thuộc
ở chi xa trong vương tộc nước Triệu. Triệu Cao có mấy anh em, đều sinh ra ở ẩn
cung.
Nếu nói
“ẩn cung” là người bị qua cung hình thì làm sao sinh ra Triệu Cao, hơn nữa
không chỉ sinh một người?
Sai lầm
này của Trương Thủ Tiết không hoàn toàn là trách nhiệm của ông ta, đầu mối có
thể truy ngược lên Sử kí tập giải 史记集解 của Từ Quảng 徐广 đời Hán, về sau còn có người họ Lưu 刘 từ sai lầm của Sử
kí tập giải mà giải thích. Từ Quảng trong Sử kí tập giải giải thích từ “ẩn cung” rằng: “vi hoạn giả” 为宦者. “Vi hoạn giả” có nghĩa là gì? Từ Quảng không giải
thích. “Hoạn giả” 宦者 người đời sau lí giải là thái giám. Thái giám thì làm
sao có thể sinh ra mấy anh em Triệu Cao? Thế là đời sau đã có người họ Lưu, ra
sức giải thông việc thái giám sinh con. Ông ta giải thích rằng:
Phụ thân của Triệu Cao phạm tội bị cung hình,
vợ của ông bị làm quan nô, người này không biết bổn phận của mình đã cùng với
người đàn ông khác dã hợp sinh ra Triệu Cao, lại còn sinh ra mấy anh em Triệu
Cao, sau khi sinh xong lại đem mấy người con đó cung hình, đó chính là sinh ra ở
ẩn cung. Ẩn cung có nghĩa là hoạn quan, hoạn quan chính là người bị thiến, cho
nên ẩn cung chính là chỉ người bị qua cung hình.
Họ Lưu
không để lại tên, cũng không rõ năm sinh, dù sao cũng là người sau Từ Quảng đời Hán, trước Trương Thủ Tiết đời Đường,
có thể suy đoán là người cuối thời Đông Hán đến thời Đường. Nhưng cho dù như thế
nào, người họ Lưu này luôn cho “mấy anh em của Triệu Cao đều sinh ra ở ẩn
cung”, câu này đã làm rối quá khứ. Người đời sau cũng không suy xét mà cứ nói
theo, dù sao cách giải thích đó có thể mắng Tần Thuỷ Hoàng, có thể chứng minh đế
quốc Tần là bạo chính, như thế là đủ rồi.
Nhưng nếu
chúng ta xem xét kĩ, cách giải thích của họ Lưu có vấn đề rất lớn. Tác dụng của
cung hình, lúc đầu là để trừng phạt đôi nam nữ có quan hệ tính giao bất chính,
về sau phạm vi ứng dụng dần mở rộng, mục đích của nó, một là để anh ta không thể
làm loạn quan hệ nam nữ, hai là để anh ta tuyệt hậu. Đối với phụ thân của Triệu
Cao, cả hai mục đích đều không đạt được. Mẫu thân của Triệu Cao làm nô ở một
nhà quyền quý mà lại không ngừng dã hợp với người khác, sinh ra người con này,
rồi lại sinh tiếp người con khác, nhà quan gia nọ có văn minh tiến bộ cũng
không thể chấp nhận một nô lệ như thế. Một mục đích khác là tuyệt hậu. Phụ thân
của Triệu Cao không chỉ không tuyệt hậu, mà còn sinh ra nhiều người con, lại
còn mang họ Triệu, há chẳng phạm thượng sao? Anh muốn khiêu khích hoàng đế à?
Khiến anh tuyệt hậu, anh lại để cho hoàng đế thấy rằng “ông tuyệt không nỗi tôi
đâu”.
Đáng buồn
cười hơn, đó là theo cách giải thích của họ Lưu, sau khi Triệu Cao bị cung hình,
Triệu Cao không bị tuyệt hậu mà còn sinh con cái, một người con gái của Triệu
Cao lại được gả cho Hàm Dương lệnh Diêm Lạc 阎乐,
tương đương với thị trưởng thủ đô hoặc vệ thú khu tư lệnh. Hàm Dương lệnh Diêm
Lạc này, dù không kĩ lưỡng cũng không thể cưới con gái do thái giám mấy đời, quấy
loạn mấy đời sinh ra....
Cách giải
thích hoang đường như thế, căn nguyên xuất phát từ sự hiểu lầm 3 chữ “vi hoạn
giả” 为宦者 trong
Sử kí tập giải của Từ Quảng.
Căn cứ
vào ghi chép trên “Trương Gia Sơn Hán mộ trúc giản” 张家山汉墓竹简 phát hiện được,
vào thời Hán “hoạn” 宦chỉ chức vụ nội đình trong cung, “hoạn nhân” 宦人chính là người nhậm chức trong cung, như thị vệ thân cận
quân vương. “Hoạn tịch” 宦籍 chính là sổ đăng kí dùng để ghi chép người ra vào cung
môn..... (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 18/10/2019
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật