Dịch thuật: Thời đại thiếu niên: Độc tôn Nho thuật (Tư Mã Thiên)

THỜI ĐẠI THIẾU NIÊN 
ĐỘC TÔN NHO THUẬT

          Sau một năm gia đình Tư Mã Thiên 司马迁 dời nhà đến Mậu Lăng 茂陵, trong triều phát sinh một sự kiện lớn mà mọi người đều quan tâm: tổ mẫu của Vũ Đế 武帝 là Đậu Thái Hậu 窦太后qua đời. Trong triều trên dưới nhiều người mẫn cảm dự đoán, về tư tưởng chỉ đạo thi chính trị quốc của Vũ Đế có lẽ sẽ  có sự điều chỉnh trọng đại.
          Quả nhiên, chẳng bao lâu Vũ Đế trẻ tuổi lại có hùng tâm hăng hái đã ra một quyết định kinh người: bãi miễn Hứa Xương 许昌, Trang Thanh Địch 庄青翟đang nắm giữ trọng quyền trong triều, nhậm mệnh Điền Phẫn 田鼢, chủ trương lấy tư tưởng Nho gia để thi chính trị quốc làm Thừa tướng.
          Tiếp đó, Hán Vũ Đế ban bố mệnh lệnh, yêu cầu quan lại địa phương các cấp, tìm tòi và tiến cử nhân tài “Hiền lương phương chính” 贤良方正 (1).
          Năm đó, các nơi trong cả nước tuyển được cả trăm kẻ sĩ Hiền lương phương chính, Vũ Đế thiết lập cơ cấu khảo sát, tiến hành thi thử đối với họ. Đề thi là: Đạo trị quốc xưa nay là gì? Đại Hán phải làm thế nào để trị lí giang san? Chẳng bao lâu sau, thuyết “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” 罢黜百家独尊儒术của Nho học đại gia là Đổng Trọng Thư 董仲舒được Vũ Đế thu nạp. Đổng Trọng Thư trở thành nhất đại tông sư danh chấn cả trong triều ngoài nội.
          Một số biện pháp của Vũ Đế đã khích lệ to lớn những người đi học trong thiên hạ, trở thành động lực cầu học của họ. Những nhà giàu có ở Mậu Lăng, lũ lượt bỏ tiền mời danh sư cho con em, hi vọng tương lai sẽ tiến vào hàng ngũ quan trường. Thế là, vùng Mậu Lăng lại hấp dẫn các Nho sĩ bụng đầy học vấn và các cao thủ văn chương. Họ khai nghiệp dạy học nơi đó, khiến phong trào học tập nơi đó toả sáng rực rỡ, con em các nhà đều ra sức học, cạnh tranh vô cùng kịch liệt.
          Tư Mã Đàm 司马谈nhìn thấy rất rõ, trẻ con muốn sau này có được sự nghiệp, không thể không thể tranh thủ được triều đình nhậm dụng, mà muốn được triều đình nhậm dụng tất phải học Nho học. Mặc dù Tư Mã Đàm trong lòng không đánh giá cao Nho học, nhưng cảm thấy để con theo học sách Thượng thư 尚书 với thầy Khổng An Quốc 孔安国, bái Đổng Trọng Thư 董仲舒 làm thầy để học sách Xuân Thu 春秋, quả thực là một sự lựa chọn sáng suốt.
          Tư Mã Thiên dựa vào sự thông minh và chăm chỉ, trong việc học có tiến bộ rất lớn, luôn được hai vị thầy khen ngợi. Trải qua sự chỉ bảo của phụ thân, phạm vi đọc sách của Tư Mã Thiên không ngừng được mở rộng, từ kinh điển Nho gia, đến bách gia chư tử, thiên văn lịch toán, địa lí phong vật, nông tang kinh tế ..... hứng thú mong cầu tri trức của Tư Mã Thiên ngày càng nồng đậm, tầm nhìn tri thức cũng càng được mở rộng.
Thập niên hàn song vô nhân vấn
Nhất cử thành danh thiên hạ tri
十年寒窗无人问
一举成名天下知
(Mười năm đèn sách bên của sổ không ai hỏi đến
Một khi thành danh thì cả thiên hạ biết)
Câu này dùng để hình dung sự vất vả khổ nhọc của người đi học thời cổ và sự vinh diệu sau khi lấy được công danh, là rất xác đáng. Vào thời đại của Tư Mã Thiên, chế độ khoa cử vẫn chưa xuất hiện, triều Hán tuyển chọn đại thần, vẫn bảo lưu truyền thống từ thời Xuân Thu Chiến Quốc – người đi học có học thức phong phú, lại có kiến giải độc đáo, chỉ cần hoàng thượng thưởng thức thì có thể gia quan tấn lộc ngay lập tức, được chức quan cao, nắm giữ đại sự quốc gia.
          Tư Mã Đàm không ngừng đốc thúc con nỗ lực, nhưng nội tâm có tư tưởng phức tạp. Con thông minh hiếu học, tiến bộ rất nhanh, nếu để con chỉ chuyên học thuyết của Nho gia, thích ứng với tư tưởng chỉ đạo tuyển chọn nhân tài của hoàng thượng hiện nay, thì đường làm quan của con so với mình sẽ thuận lợi hiển đạt hơn, đối với việc này ông luôn tràn đầy lòng tin. Nhưng, nội tâm ông không muốn bỏ lí tưởng của gia tộc.
          Là hậu nhân của sử quan, thân là Thái sử lệnh đương triều, Tư Mã Đàm hi vọng con có thể trở nên ưu tú đối với sự nghiệp hậu khởi của gia tộc. Tư Mã Đàm cho rằng làm tốt việc ghi chép lịch sử và công việc trước tác là đại sự nghiệp có ý nghĩa đối với đạt quan quý nhân, cho dù không quyền không thế, cuộc sống có đạm bạc cũng là một sự lựa chọn hăng hái, không thể chối từ.
          Với những sự tình phức tạp nói trên, Tư Mã Đàm không chỉ coi trọng việc để con học tập kinh điển Nho gia, mà còn để con đọc bách gia chư tử. Cha con lúc bình thường nói chuyện với nhau, Tư Mã Đàm vẫn chú ý cung cấp cho con tri thức lịch sử, để con hiểu tình hình công việc của mình và giá trị vốn có của sử quan.
          Tóm lại, Tư Mã Đàm cho rằng, không thể để con chỉ hướng đến con đường “nhập thế” nhập triều làm quan của học giả Nho gia. Ông chú trọng hướng dẫn Tư Mã Thiên mở rộng tầm nhìn, làm phong phú tri thức, tiếp xúc các môn học vấn.
          Chủ trương của Đổng Trọng Thư được Hán Vũ Đế thu nạp, triều đình khởi dụng một loạt những người có tài năng, đã gây nên sự chấn động rất lớn trong xã hội. Những tình huống này khiến chàng thiếu niên Tư Mã Thiên cũng cảm thấy được, thời đại mà Tư Mã Mã Thiên đang sống đang trong sự biến hoá. Đất nước nhanh chóng đi trên con đường giàu mạnh, một người dựa vào sự khổ học để cầu học vấn và tài năng, sẽ có được cơ hội triều đình trọng dụng. Đối với sự tưởng tượng “Lí ngư dược Long Môn” 鲤鱼跃龙门 đã cho Tư Mã Thiên sự liên tưởng và hoài bão mới trong mối liên hệ tương quan với vận mệnh của mình. Tư Mã Thiên hi vọng bản thân có thể vượt lên, trở thành người may mắn vượt qua được Long Môn, từ người đọc sách biến thành một đại trượng phu làm nên đại sự nghiệp.
          Tư Mã Thiên khắc khổ học Nho gia và sách vở các phái khác, đối với tri thức về phương diện thiên văn lịch toán, địa lí, kinh tế cũng cảm thấy rất hứng thú. Mặc dù đối với tương lai bản thân mình sẽ làm gì vẫn chưa nhận thức rõ, nhưng quá trình cầu học Tư Mã Thiên tràn đầy niềm vui, khiến tư Mã Thiên đắm chìm trong niềm vui ấy.  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Hiền lương phương chính 贤良方正:
          “Hiền lương” 贤良 là tài năng; “phương chính” 方正là chính trực. “Hiền lương phương chính” là một trong những khoa mục tuyển chọn nhân tài đời Hán, bắt đầu từ năm thứ 2 đời Hán Văn Đế 汉文帝 (năm 178 trước công nguyên)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 03/9/2019

Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post