Dịch thuật: Loại biệt chủ yếu của các thiên trong "Thi kinh" (kì 2)

LOẠI BIỆT CHỦ YẾU CỦA CÁC THIÊN TRONG "THI KINH"
(kì 2)

3- Hôn luyến thi 婚恋诗
          Hôn luyến thi (thơ về hôn nhân và tình yêu) trong Thi kinh có nội dung phong phú nhiều màu sắc, đại để có thể phân làm 4 loại:
Loại thứ 1: Những thiên hợp với ca tụng hôn lễ, hợp với Chu lễ. Nhân vì hôn lễ gánh vác nhiệm vụ chính trị kết hợp hai họ, cho nên hôn lễ thì long trọng, chúc phúc thì chân thành. Thiệu Nam – Thước sào 召南 - 鹊巢 miêu tả cảnh tượng hoành tráng cả trăm chiếc xe nghinh thân. Chu Nam – Đào yêu 周南 - 桃夭 ngâm xướng đi ngâm xướng lại việc nghi gia nghi thất, biểu hiện kì vọng cực lớn đối với cô gái. Nhân vì hôn nhân gánh vác nhiệm vụ quan trọng là nhanh chóng làm sinh sôi phát triển nhóm người mang tính Cơ , cho nên vô cùng coi trọng việc sinh sản. Chu Nam – Chung tư 周南 - 螽斯 Phù dĩ 芣苢đều nói lên chúc nguyện được nhiều con nhiều cháu. Nhân vì nhiệm vụ chủ yếu của con gái mang tính Cơ sau khi xuất giá là hầu hạ chồng và cha mẹ chồng, cho nên hôn nhân trong Chu lễ đối với nữ yêu cầu phải có “phụ công” 妇功một cách nghiêm túc. Chu nam – Cát đàm 周南 - 葛覃, Tiểu nhã – Tư can 小雅 - 斯干đều có phản ánh. Con gái mang tính Cơ cũng tự biết trách nhiệm trọng đại của mình, cho nên lúc vào hôn lễ luôn biểu hiện tâm lí bất an, như thơ Thiệu nam – Thảo trùng 召南 - 草虫 đặc biệt thể hiện rõ.
          Loại thứ 2: hành vi bại đức của quý tộc, đã gây nên sự phản loạn tiêu cực đối với hôn nhân theo Chu lễ. Anh em thông gian, như việc loạn luân của Tề Tương Công 齐襄公 và nàng Văn Khương 文姜, được thấy ở Tề phong – Nam sơn 齐风 - 南山, Tệ cẩu 敝笱; vợ của con bị cha cướp đoạt, như Vệ Tuyên Công 卫宣公 đoạt lấy con dâu, thấy ở Bội phong – Tân đài 邶风 - 新台; quân thần tụ tập dâm loạn, như Trần Linh Công 陈灵公 cùng Trần đại phu Khổng Ninh 孔宁, Nghi Hàng Phủ 仪行父, đồng thời cùng dâm loạn với nàng Hạ Cơ 夏姬, thấy ở Trần phong – Chu lâm 陈风 - 株林.
          Loại thứ 3: việc nam nữ thanh niên yêu thích nhau đã nảy sinh quan niệm hôn nhân kiểu mới. Trịnh phong – Trăn Vĩ 郑风 - 溱洧, nam nữ có thể chọn lựa không hạn chế phối ngẫu của mình, người con gái trong Thiệu Nam – Phiếu hữu mai 召南 - 搮有梅có thể thẳng thắn theo đuổi người con trai; Trịnh phong – Dã hữu man thảo 郑风 - 野有蔓草 miêu tả nam nữ không hẹn mà gặp, vừa mới gặp đã gắn bó, có thể xem là miêu tả sớm nhất “nhất dạ tình” 一夜情 (tình một đêm); Thiệu Nam – Dã hữu tử quân 召南 - 野有死麕miêu tả nam nữ yêu nhau, mạnh dạn thẳng thắn; trong Trịnh phong – Xuất kì đông môn郑风 - 出其东门 lại miêu tả người con trái đối với hôn nhân trung trinh bất nhị. Quan niệm hôn nhân kiểu mới này, đương nhiên không liên quan gì đến tập tục dân gian cổ xưa, nhưng cũng đã biểu minh, hôn nhân bị chính trị hoá sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, lí đương nhiên quay về cái gốc của nó.
          Loại thứ 4: Khí phụ thi 弃妇诗 (thơ về đề tài ruồng bỏ vợ). Phản ánh ở chế độ hôn nhân đời Chu, địa vị nam nữ bất bình đẳng. “Khí phụ” là đối với gia đình sau khi có những cống hiến to lớn, trong lòng vẫn luôn mang theo tình yêu và sự trung thành đối với chồng mà lại bị chồng ruồng bỏ. Lí do ruồng bỏ không ngoài thích mới ghét cũ. Đáng để đồng tình và suy nghĩ sâu xa đó là cô gái sau khi bị ruồng bỏ vẫn tìm không được nơi để giải bày. Đọc khí phụ thi, như Bội phong – Bách chu 邶风 - 柏舟, Cốc phong 谷风, Vệ phong – Manh 卫风 - , sẽ khiến người đời sau tâm tình vô cùng nặng nề.
4- Yến ẩm thi 宴饮诗
          Yến ẩm thi trong Thi kinh, biểu hiện là một loại truy cầu và ca tụng đối với chính trị hoà bình. Yến ẩm giữa thiên tử với chư hầu, giữa chư hầu với chư hầu. Cảnh tượng náo nhiệt nhiều người tụ tập ăn uống, biểu hiện sự gắn kết mối quan hệ hữu hảo với nhau, đổi lấy sự tín nhiệm và hoà mục với nhau. Bản chất của yến ẩm thi là loại “ mĩ thực chính trị” 美食政治. Yến ẩm thi đương nhiên có sự phô trương lãng phí, xa xỉ hủ hoá, nhưng dùng biện pháp đó có thể biểu đạt hoà mục hữu hảo giữa các nước với nhau, giải quyết được mâu thuẫn và tranh chấp, quả thực là mĩ sự. Mĩ thực chính trị mà Thi kinh sáng lập, mấy ngàn năm sau vẫn luôn thịnh không suy, đến nay càng diễn ra càng mãnh liệt.
          Trong yến ẩm thi sự tán mĩ lễ nghi và sự truy cầu chính trị hoà bình là phối hợp bổ sung cho nhau. Tiểu nhã – Phạt mộc 小雅 - 伐木, Thường đệ 常棣, Lộc minh鹿鸣, Trạm lộ 湛露 ... đều nêu rõ hai chủ đề lớn này. Ngược lại, đối với hành vi đi ngược lại  với lễ nghi, Thi kinh cũng có sự phê bình sâu cay nhất, như Tiểu nhã – Tân chi sơ diên 小雅 - 宾之初筵 .... (còn tiếp)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 29/9/2019

Nguồn
“THI KINH” THI THIÊN ĐÍCH CHỦ YẾU LOẠI BIỆT
诗经诗篇的主要类别
Trong quyển
KINH HỌC THẬP NHỊ GIẢNG
经学十二讲
Chủ biên: Trịnh Kiệt Văn 郑杰文, Phó Vĩnh Quân 傅永军
Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2007
Previous Post Next Post