Dịch thuật: Thứ dân đời Chu (tiếp theo)

THỨ DÂN ĐỜI CHU
(tiếp theo)

          Thất nguyệt 七月 là bài thơ mà quý nhân dùng làm nhạc chương, đương nhiên hợp với khẩu vị của quý nhân. Nông phu trong bài thơ sao lại biết đủ để an phận sống một cuộc sống trâu ngựa. Nhưng nông phu và thứ dân khác cũng có lúc không an phận, nếu như quý nhân không để ý tới nỗi thống khổ của họ. Vị vương thứ 15 của triều Chu là Lệ Vương 厉王, do bởi bạo ngược chất chứa lâu ngày bị dân chúng đuổi ra khỏi quốc đô, mất đi vương vị. Các phong quân cùng vận mệnh như Lệ Vương, thậm chí còn bất hạnh hơn ông ta không ngừng thấy có ở những ghi chép. Ví dụ như: năm 634 trước công nguyên, khi hai nước Tấn và Sở giao tranh, Vệ quân 卫君nhân vì đắc tội với Tấn quốc muốn chuyển sang thân Sở. Nhưng nước Vệ cách nước Tấn tương đối gần, thân với Sở sẽ khiến người Tấn tức giận thảo phạt. Lúc đó, người trước tiên gặp phải tai ương chính là nhân dân, cho dù họ may mắn tránh khỏi chết vì chiến tranh, tránh khỏi bị bắt làm tù binh, nhưng khi họ về lại nhà sẽ phát hiện mùa màng bị kẻ địch cắt hết, cây cối bị chặt, nhà cửa bị phá huỷ, thậm chí giếng nước cũng bị lấp. Nhân đó chính sách thân Sở của Vệ quân xung đột với lợi ích căn bản của nhân dân nước Vệ. Người dân nghe được tin, bèn náo loạn cả lên, đuổi Vệ quân ra khỏi nước. Cũng giống với sự kiện đó, năm 553 trước công nguyên, công tử Nhiếp nước Thái nhân vì muốn quay lưng với Sở để thân Tấn đã bị dân chúng giết chết. Nước Thái gần nước Sở. Trải qua bài học của những sự kiện đó, cho nên năm 577 trước công nguyên, Trần Hầu 陈侯 đương lúc ngoại hoạn khẩn cấp đành cho mời người trong nước đến trưng cầu ý kiến để quyết định chính sách ngoại giao.
Phong quân trực tiếp tàn ngược nhân dân, mất đi địa vị và tính mệnh, thì những trường hợp này càng nhiều. Năm 609 trước công nguyên, Cử quân 莒君nhân vì “đa hành vô lễ vu quốc” 多行无礼于国, bị thái tử của ông thống lĩnh dân chúng giết chết. Năm 561 trước công nguyên, Nguỵ Bá 魏伯của kì nội 畿内 (vùng đất do kinh thành quản lí), nhân vì hiện tại không biết sự bạo hành đến mức người dân không thể sống được, đã bị dân chúng đuổi đi. Năm 559 trước công nguyên, một Cử quân khác nhân vì thích đùa với kiếm, mỗi khi đúc xong một thanh kiếm bèn đem dân ra thử, lại nhân vì muốn bội phản nước Tề, đã bị một vị đại phu thống lĩnh dân chúng đuổi đi. Năm 550 trước công nguyên, Khánh thị 庆氏 (tộc họ Khánh) của nước Trần dựa vào thủ đô làm loạn, Trần Hầu dẫn binh đến bao vây, Khánh thị đốc thúc dân chúng tu sửa thành. Lúc bấy giờ, thành được đắp bằng đất, khi đắp dùng ván ép lại. Viên đốc công nhìn thấy 2 miếng ván bị ngã liền giết chết người lao dịch bên cạnh. Thế là người bị lao dịch bạo động giết chết tộc trưởng Thông của Khánh thị. Năm 484 trước công nguyên, một đại phu họ Trần , nhân được Trần Hầu gã con gái cho, đã thay Trần Hầu trưng thu thuế người trong nước; trưng thu quá nhiều, dùng không hết, ông ta đem số dư đúc cho mình một “đại khí”, loại như chung đỉnh. Về sau người trong nước biết được, bèn đuổi ông ta đi. Đi đến nửa đường, ông ta khát nước, có một người trong tộc cùng đi lập tức đen rượu gạo, lương khô và thịt khô dâng lên, ông ta vô cùng vui mừng, hỏi vì sao có? Người nọ đáp rằng: Khi đại khí đúc xong đã dự phòng việc này rồi.
          Trên đây là thuật lại những dân biến sau thời Lệ Vương, phát sinh vào thế kỉ thứ 6 trước công nguyên và gần đó. Những vụ bạo động thấy ở ghi chép này hoàn toàn là thành công, ảnh hưởng đến địa vị và sinh mệnh của quý nhân, những vụ thất bại mà không thấy ghi chép e là cũng có nhiều. Lúc đó dân chúng đã dần ngóc đầu dậy, nhiều khanh đại phu thông minh đã nhận thức được sự quan trọng của dân chúng, ra sức thi ân để họ giúp mình, làm mạnh tông tộc của mình mà làm suy yếu công thất, thậm chí có được quân vị. Ví dụ như khi Tống Chiêu Công 宋昭公 hôn dung vô đạo (từ năm 619 đến năm 611 trước công nguyên), em trai của ông là công tử Bảo đối với dân chúng lại đặc biệt có lễ nghĩa. Một lần nọ nước Tống bị mất mùa đói kém, công tử Bảo đã đem thóc của mình cho dân đói vay. Trong nước người từ 70 tuổi trở lên đều được tặng cho thức ăn, có khi là thức ăn trân quý. Công tử Bảo tướng mạo rất đẹp, ngay cả đích tổ mẫu là Tương phu nhân 襄夫人cũng hết mực yêu thương, ra sức giúp ông việc bố thí. Về sau Tương phu nhân mưu hại Chiêu Công, công tử Bảo bèn được lập lên làm Tống quân kế vị. Và như Cảnh Công 景公 (từ năm 547 đến năm 490 trước công nguyên) của nước Tề, khi người hầu của công thất, 2/3 lao lực là cho công thất, chỉ có 1/3 là cho việc ăn mặc của họ, họ Trần đã dùng ân huệ thu mua lòng người, đồ đong lường của nước Tề lấy 4 thăng làm 1 đậu , 4 đậu làm 1 khu , 4 khu làm 1 phủ , 10 phủ làm 1 chung . Trần gia đã đặc chế ra đồ đong lường mới, từ thăng đến phủ đều tiến lấy 5, nhưng vẫn lấy 10 phủ làm 1 chung, khi cho nhân dân mượn thóc, dùng đồ đong lường mới, nhưng khi trả thì dùng đồ đong lường cũ. Trần gia chuyên bán gỗ, trên núi và ở chợ giá như nhau; chuyên bán cá, muối, mắm, ở biển và ở chợ giá cũng như nhau. Như vậy, dân chúng cảm thấy Trần gia đáng yêu hơn công thất. Về sau họ Trần không hề tốn sức lực mà vẫn đoạt lấy được nước Tề. Ngoài ra như Quý thị 季氏 của Lỗ , Hãn thị 罕氏của Trịnh đều dùng cách như thế để lấy được chính quyền.
          Như trên đã nói, dân chúng mà tham gia phản biến và bị các nhà lợi dụng đương nhiên bao gồm các loại thứ dân, trong số đó đại bộ phận là nông nhân, kì dư có số ít thương nhân và công nhân. Sự khác biệt quan trọng giữa thứ nhân và nô lệ là thứ nhân có tài sản tư hữu, có thể tự do di chuyển. Nhưng nông nhân trên thực tế rất ít di chuyển, trừ khi gặp phải năm mất mùa đói kém, tuy tại thế kỉ thứ 6 trước công nguyên, trong kí ức của người dân đã có cổ lễ “dân bất thiên, nông bất di” 民不迁, 农不移 (dân không được dời chuyển, nông phu không được biến động). Điều này dường như không phải là hạn chế tuyệt đối, lễ rốt cuộc có sự khác biệt với pháp cấm. (hết)

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 22/8/2019

Nguyên tác
THỨ DÂN
庶民
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post