Dịch thuật: Tần Thuỷ Hoàng tuần hành lần thứ năm



TẦN THUỶ HOÀNG TUẦN HÀNH LẦN THỨ NĂM

          Trong những năm cuối cùng của cuộc đời, Tần Thuỷ Hoàng luôn bận vào việc đánh Hung Nô phía bắc, xây dựng trường thành, di dân vùng ven, kiến tạo lăng mộ, “phần thư khanh nho” 焚书坑儒 (đốt sách chôn nho), những việc đó dường như đã hao phí hết tinh lực của cuộc đời ông, lại thêm bản thân vào lúc vãn niên, mâu thuẫn xã hội nhanh chóng gay gắt, quả thực ông không còn muốn tiếp tục tuần thú thiên hạ. Năm Thuỷ Hoàng 始皇thứ 36 (năm 211 trước công nguyên), một loạt những hiện tượng tự nhiên và nhân sự thần bí hoá đã khiến cho vị thiên tử lúc vãn niên một lần nữa phải lên xa giá tuần thú phía đông nam.
          Năm đó, thiên tượng “huỳnh hoặc (tức sao hoả) thủ tâm” 荧惑守心  (sao hoả ở khoảng giữa sao tâm) cùng truỵ tinh 坠星 (tức vẫn thạch) sa xuống Đông quận, 东郡 chiêm bốc “đông nam hữu thiên tử khí” 东南有天子气 (phía đông nam có khí thiên tử) cùng với truyền ngôn “kim niên tổ long tử” 今年祖龙死 (năm nay tổ long chết) “nhân dữ chi vi oán, gia dữ chi vi cừu” 人与之为怨, 家与之为仇  (người người đối với ông đều oán, nhà nhà đối với ông như cừu thù) đủ để khiến cho bạo quân Thuỷ Hoàng không lạnh mà run. Quan thái bốc cầu đảo thần, “quái đắc du tỉ cát” 卦得游徙吉 (được quẻ du ngoạn, di dời, tốt), Thuỷ Hoàng bèn theo mệnh, một mặt “thiên Bắc Hà Du trung tam vạn gia” 迁北河榆中三万家 (dời ba vạn nhà đến Bắc Hà 北河, Du Trung 榆中 định cư) để ứng với chữ “tỉ” , một mặt lên kế hoạch xuất tuần đông nam để ứng với chữ “du” . Trên thực tế, nơi mà khiến cho Thuỷ Hoàng không yên tâm nhất vẫn chính là phía đông nam, triều Tần cho đến cuối đời vẫn chưa khồng chế tốt khu vực này.
          Lần xuất tuần cuối cùng là vào tháng 10 năm thứ 37 (năm 210 trước công nguyên). Theo xuất tuần chủ yếu có Tả thừa tướng Lí Tư 李斯, Trung xa phủ lệnh Triệu Cao 赵高, thiếu tử Hồ Hợi 胡亥. Đoàn người từ Hàm Dương 咸阳xuất phát, ra Vũ quan 武关 (nay là phía đông nam Thương Nam 商南 Thiểm Tây 陕西), theo lưu vực Đan thuỷ 丹水, Hán thuỷ 汉水 xuống phía nam đến Vân Mộng 云梦 (nay là nơi giao nhau giữa Hán thuỷ 汉水, Trường giang 长江đến vùng hồ bạc của  hồ Động Đình 洞庭), tế vọng Ngu Thuấn 虞舜 tại núi Cửu Nghi 九嶷 (nay là phía nam Ninh Viễn 宁远 Hồ Nam 湖南). Sau đó thuận theo đường sông xuống phía đông, qua Đan Dương 丹阳 (nay là phía đông huyện Đương Đồ 当涂 An Huy 安徽), đến Tiền Đường 钱塘 (nay là Hàng Châu 杭州Chiết Giang 浙江), đến Chiết giang . Nguyên vốn định từ đây đi thuyền lên Cối Kê 会稽 (nay là phía nam thành phố Thiệu Hưng 绍兴 Chiết Giang 浙江), cuối cùng do vì sóng nước hung hiểm, đổi sang Hiệp Trung 狭中 (nay là phụ cận Phú Dương 富阳 Chiết Giang浙江), vượt sông lên núi Cối Kê, bái tế Đại Vũ 大禹, khắc đá để ca tụng đức nhà Tần, tức “Cối Kê khắc thạch” 会稽刻石nổi tiếng.
          Trừ việc truy thuật công lao tập quyền thống nhất “bình nhất vũ nội” 平一圩宇内 (thống nhất cõi bờ), “kiêm thính vạn sự” 兼听万事 (lắng nghe muôn việc) của Thuỷ Hoàng, từ một mặt khác nó phản ánh sự động loạn xã hội cùng phong tục “dâm dật” của triều Tần.
          Suốt dọc đường, Thuỷ Hoàng tìm “thiên tử chi khí” 天子之气, “vương giả chi thế” 王者之势, đồng thời tiêu giải hết “đông nam thiên tử khí” 东南天子气, thông lệnh chỉnh đốn phong tục tập quán. Sau khi từ Cối Kê trở về, từ Giang Thặng 江乘 (phía bắc Giang Thị 江市  trấn Giang Tô 江苏), vượt sông, ngồi thuyền lên phía bắc đến Lang Da 琅琊. Thuỷ Hoàng thăm lại quê cũ, không phải không là muốn tìm tiên dược bất lão một lần nữa. Với lòng ham muốn cầu tiên dược Thuỷ Hoàng đã tin những lời hoang đường của Từ Phúc 徐福, đích thân “dĩ liên nỗ hậu đại ngư xuất xạ chi” 以连弩候大鱼出射之dùng nỏ liên hoàn chờ cá lớn xuất hiện để bắn), từ Lang Da đến núi Vinh Thành 荣成, cho đến Chi Phù 芝罘, “kiến cự ngư, xạ sát nhất ngư” 见巨鱼, 射杀一鱼 (thấy cá lớn giết một con) mới chịu thôi. Thế rồi theo đường đến Lâm Tri 临淄 (nay là phía đông bắc thành phố Tri Bác 淄博 Sơn Đông 山东), đến Bình Nguyên 平原 (nay là phía nam Bình Nguyên 平原 Sơn Đông山东). Khi xa giá đến bến Bình Nguyên, khí trời đang cực nóng, Thuỷ Hoàng bệnh chết ở Sa Khâu 沙丘.
          Việc xuất tuần của Thuỷ Hoàng kế thừa chế độ tuần thú của các đời, “thân tuần thiên hạ, chu lãm viễn phương” 亲巡天下, 周览远方 (đích thân tuần thú thiên hạ, xem xét phương xa), tế thiên tế địa, ca tụng công đức, diệu võ dương oai, nhiếp phục tứ phương, đốc sát chính trị, chỉnh đốn phong tục, có lợi cho việc xác lập quyền uy, củng cố sự thống nhất, tăng cường biên phòng. Nhưng xuất tuần không một chút tiết chế quả thực tệ nạn rất nhiều. Ham thích việc lớn ham muốn công danh, hưng binh động chúng, hao phí tài vật, bái tế quỷ thần, cầu tiên tìm thuốc, truy tìm vương khí, thực tế đã làm cho nhân dân lao khổ, tổn hao tài vật, hại quốc bại gia, tổn nhân diệt kỉ, bài học giáo huấn đó rất là sâu sắc. (hết)

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 10/7/2019

Nguyên tác Trung văn
ĐỆ NGŨ THỨ TUẦN HÀNH
第五次巡行
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 -
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006


Previous Post Next Post