Dịch thuật: Trong lịch sử có chế độ "Ngọ Môn trảm thủ" không ...

TRONG LỊCH SỬ CÓ CHẾ ĐỘ “NGỌ MÔN TRẢM THỦ” KHÔNG
“NGỌ MÔN” LÀ NƠI NÀO

          Trong các phim cổ trang, đại thần đắc tội với hoàng đế, hoàng đế một khi đã giận, liền hạ lệnh “thôi xuất Ngọ Môn trảm thủ” 推出午门斩首 (lôi ra Ngọ Môn chém đầu). Thế thì Ngọ Môn 午门rốt cuộc chỉ nơi nào? Trong lịch sử Trung Quốc có thực tồn tại chế độ đó không?
          Ngọ Môn trong lịch trình biến đổi và phát triển cung điện của các đời ở Trung Quốc đều tồn tại. Trong Tử Cấm Thành 紫禁城, Ngọ Môn là chính môn, nằm trên trục tuyến nam bắc, nhân vì ở giữa, hướng về phía dương, vị trí Tí Ngọ, cho nên có tên là Ngọ Môn. Phía trước Ngọ Môn có Đoan Môn 端门, Thiên An Môn 天安门, Đại Thanh Môn 大清门; phía sau có Thái Hoà Môn 太和门 (đời Minh gọi là Phụng Thiên Môn 奉天门, sau đổi gọi là Hoàng Cực Môn 皇极门, đời Thanh đổi gọi như hiện nay).
          Ngọ Môn là nơi hoàng đế cử hành các nghi thức, như ban phát chiếu lệnh. Vào lúc Lập Xuân, hoàng đế ban “xuân bính” 春饼, ngày Đoan Ngọ ban “lương cao” 凉糕, ngày Trùng Dương ban “hoa cao” 花糕  (1) cũng đều cử hành nghi thức tại nơi này. Hằng năm vào ngày mồng 1 tháng Chạp, tại Ngọ Môn cử hành điển lễ “ban sóc” 颁朔 tức ban bố lịch cho năm sau. Gặp lúc chiến tranh, đại quân khải hoàn, cũng tại Ngọ Môn cử hành “hiến phu lễ” 献俘礼 đem tù binh bắt được kính hiến hoàng đế. Đời Minh, hoàng đế xử phạt “đình trượng” 廷杖 (đánh bằng gậy) các đại thần cũng tại nơi Ngọ Môn này.
          Thời cổ, hoàng đế xử quyết các bề tôi không phải cử hành tại Ngọ Môn, nhìn chung là áp giải đến Sài Thị 柴市 hoặc Thái Thị 菜市 để tiến hành, như “Mậu Tuất lục quân tử” 戊戌六君子 (2) nổi tiếng bị sát hại tại Thái Thị Khẩu菜市口. Thế thì tại sao tồn tại cách nói “thôi xuất Ngọ Môn trảm thủ”? Điều này có liên quan đến “đình trượng” nói ở trên. Đời Minh, nếu đại thần xúc phạm đến sự tôn nghiêm của hoàng gia, bèn gán cho tội “nghịch lân” 逆鳞 (3), bị trói đưa ra phía bên đông trước Ngọ Môn tiến hành xử phạt “đình trượng”. Lúc ban đầu chỉ là đánh tượng trưng, về sau phát triển đánh đến chết người. Như năm Chính Đức
thứ 14, hoàng đế Chu Hậu Chiếu 朱厚照 muốn tuyển mĩ nữ ở Giang Nam 江南, quần thần dâng sớ can ngăn, hoàng đế phát nộ. Các đại thần như Thư Phân 舒芬, Hoàng Củng 黄巩... 130 người bị đình trượng, có đến 11 người bị đánh chết. Hoàng đế Gia Tĩnh 嘉靖 muốn truy phong thân phụ còn sống là Hưng Hiến Vương 兴献王làm Đế, gặp phải sự phản kháng của quần thần. Quần thần cả trăm người khóc lóc can gián tại Tả Thuận Môn 左顺门. Hoàng đế hạ lệnh thi hành đình trượng trừng phạt. Tại hiện trường chết 17 người, cho nên dân gian mới lưu truyền câu “thôi xuất Ngọ Môn trảm thủ”. Trên thực tế, Ngọ Môn là cổng vào Tử Cấm Thành, tuyệt nhiên không dễ dàng gì để thành pháp trường.

Chú của người dịch
1- Xuân bính春饼, lương cao 凉糕 , hoa cao 花糕 là tên các loại bánh.
2- Mậu Tuất lục quân tử 戊戌六君子: chỉ 6 người bị sát hại trong sự kiện “Mậu Tuất biến pháp” 戊戌变法.
          Mậu Tuất biến pháp còn gọi là Bách nhật duy tân, Mậu Tuất duy tân, Duy tân biến pháp, là phong trào cải cách chính trị vào năm Quang Tự 光绪 thứ 24 (1898) (11/6 – 21/9/1898). Chủ trương biến pháp lần đó do Quang Tự đích thân lãnh đạo, nội dung chủ yếu là: Học tập phương Tây, đề xướng văn hoá khoa học; cải cách chế độ chính trị, giáo dục; phát triển nông công thương… Phong trào đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của phái thủ cựu mà đứng đầu là Từ Hy Thái Hậu 慈禧太后. Tháng 9 năm đó, Từ Hy phát động chính biến, Quang Tự bị bắt giam, Khang Hữu Vi 康有为, Lương Khải Siêu 粱启超 lần lượt bỏ trốn sang Pháp và Nhật. Đàm Tự Đồng 谭嗣同, và 5 người khác là Lâm Húc 林旭, Dương Nhuệ 杨锐, Dương Thâm Tú 杨深秀, Lưu Quang Đệ 刘光第, Khang Quảng Nhân 康广仁 bị sát hại (6 người này được gọi là Mậu Tuất lục quân tử).
          Biến pháp chỉ trải qua 103 ngày, cuối cùng bị thất bại. Vì thế Mậu Tuất biến pháp cũng còn gọi là Bách nhật duy tân.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
                     http://baike.baidu.com/view/15917.htm
3- Nghịch lân 逆鳞: truyền thuyết cho rằng, dưới cổ của rồng có một nhúm vảy ngược lớn bằng bàn tay sắc trắng, tục gọi là “nghịch lân”.
          Trong Hàn Phi Tử - Thuế nan đệ thập nhị 韩非子 - 说难第十二 có ghi:
          Phù long chi vi trùng dã, nhu khả hiệp nhi kị dã; nhiên kì hầu hạ hữu nghịch lân kính xích, nhược nhân hữu anh chi giả, tắc tất sát nhân. Nhân chủ diệc hữu nghịch lân, thuế giả năng vô anh nhân chủ chi nghịch lân, tắc kỉ hĩ.
          夫龙之为虫也, 柔可狎而骑也; 然其喉下有逆鳞径尺, 若人有婴之者, 则必杀人. 人主亦有逆鳞, 说者能无婴人主之逆鳞, 则几矣.
          (Rồng là loại trùng, nhu thuận có thể đùa cưỡi; nhưng dưới cổ họng của nó có vảy ngược dài khoảng 1 xích, nếu ai đụng vào vảy ngược đó tất sẽ bị sát hại. Vị quân chủ cũng có vảy ngược, người du thuyết mà không đụng đến vảy ngược của vị quân chủ thì đó là người giỏi du thuyết vậy.)
          (Hàn Phi Tử hiệu chú 韩非子校注: Trương Giác 张觉 hiệu chú. Trường Sa - Nhạc Lộc thư xã, 2006.)
          Về sau dùng “đụng nghịch lân” (đụng vào vảy ngược của rồng) ý nói xúc nộ hoàng đế.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 21/4/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post