Dịch thuật: Thành Cát Tư Hàn (Hãn) thống nhất Mông Cổ

THÀNH CÁT TƯ HÀN (HÃN) THỐNG NHẤT MÔNG CỔ

          Năm 1162 (niên hiệu Đại Định 大定 thứ 2 đời Kim Thế Tông 金世宗, niên hiệu Thiệu Hưng 绍兴 thứ 32 đời Cao Tông 高宗 triều Nam Tống), trên cao nguyên Mông Cổ, vợ của tù trưởng bộ tộc Mông Cổ Dã Tốc Cai 也速该sinh được một người con trai. Hôm đó, Dã Tốc Cai dẫn bộ hạ tập kích người Tháp Tháp Nhi 塔塔儿, giành được thắng lợi. Để kỉ niệm thắng lợi này, Dã Tốc Cai đặt tên cho đứa con vừa mới sinh là Thiết Mộc Chân 铁木真, ý nghĩa là “tinh cang” 精钢.
          Do bởi bộ tộc Mông Cổ và bộ tộc Tháp Tháp Nhi thường đánh lẫn nhau, cho nên thời trẻ và thời thanh niên của Thiết Mộc Chân luôn ở trong giai đoạn quá độ chiến tranh. Năm Thiết Mộc Chân 9 tuổi, phụ thân của ông bị người Tháp Tháp Nhi hạ độc chết.
          Sau khi Dã Tốc Cai qua đời, thuộc bộ và các võ sĩ của ông nhìn thấy thế lực của bộ tộc Mông Cổ ngày càng suy yếu, nên họ lần lượt rời đi. Qua mấy năm, chủ nô lệ của bộ Thái Xích Ô 泰赤乌 ngày trước lo sợ Thiết Mộc Chân sau khi trưởng thành sẽ báo thù, bèn đột nhiên dùng biện pháp tập kích bắt Thiết Mộc Chân, cho đeo gông để thị chúng. Về sau, Thiết Mộc Chân thừa lúc người của bộ Thái Xích Ô cử hành yến hội, đã dùng gông đánh ngã tên canh giữ, được sự giúp đỡ của cha con nô lệ Toả Nhi Hãn Phu Thích 锁儿罕夫剌, Thiết Mộc Chân đã đào thoát về quê nhà. Chẳng bao lâu, lại gặp phải sự tập kích của người Miệt Nhi Khất 蔑儿乞, trong lúc vội vã tháo chạy, ngay cả vợ con ông cũng không kịp dẫn theo, khiến vợ con trở thành tù binh của người Miệt Nhi Khất.
          Sự thất bại và hoạn nạn đã rèn luyện ý chí của Thiết Mộc Chân, ông nén đau thương đem áo cừu hắc điêu lúc cưới của vợ dâng cho Thoát Oát Lí Lặc Hàn 脱斡里勒汗 của bộ Khắc Liệt 克烈, gọi ông ta là nghĩa phụ. Lại cùng với thủ lĩnh bộ Trát Đáp Khoát Nhi 札答阔儿là Trát Mộc Hợp 札木合kết làm huynh đệ, để có được sự ủng hộ. Họ liên hợp xuất binh đánh bại người Miệt Nhi Khất, đoạt lại người vợ của Thiết Mộc Chân. Thắng lợi lần đó đã khiến cho Thiết Mộc Chân bắt đầu khôi phục nguyên khí, thuộc bộ cũng các dũng sĩ ngày trước lần lượt đầu bôn  trở lại với Thiết Mộc Chân. Năm 1189 (niên hiệu Đại Định thứ 29 đời Kim Thế Tông), một số chủ nô lệ lập Thiết Mộc Chân làm Hàn (Hãn) (1) (xưng hiệu người thống trị tối cao của dân tộc thiểu số phương bắc thời cổ)
          Thắng lợi của Thiết Mộc Chân khiến Trát Mộc Hợp không vui. Đương lúc em trai của Trát Mộc Hợp do vì chiếm đoạt bầy ngựa của Thiết Mộc Chân bị bộ tộc Mông Cổ giết chết, Trát Mộc Hợp mượn cớ phát động 3 vạn người của 13 bộ sở thuộc tấn công Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân cũng đem 3 vạn sĩ binh của mình chia làm 3 cánh nghinh chiến Trát Mộc Hợp, hai bên triển khai một trận đại chiến tại Đáp Lan Ba Lặc Chủ Dịch 答兰巴勒主惕bên bờ sông Khắc Lỗ Luân 克鲁伦 . Đây là trận “thập tam dực chi chiến” 十三翼之战 nổi tiếng trong lịch sử Mông Cổ. Kết quả, Thiết Mộc Chân bị đánh đại bại. Nhưng, do bởi Trát Mộc Hợp sát hại tù binh một cách tàn khốc, đã làm cho bộ hạ của ông bất mãn. Họ mạnh dạn thoát li Trát Mộc Hợp, đầu bôn đến Thiết Mộc Chân, Thiết Mộc Chân chuyển hoạ thành phúc, lực lượng của ông lớn mạnh.
          Chẳng bao lâu, thủ lĩnh Miệt Cổ Chân 蔑古真của bộ Tháp Tháp Nhi phản kháng triều Kim, hoàng đế triều Kim mệnh lệnh đại tướng Hoàn Nhan Tương 完颜襄 đem binh đánh Tháp Tháp Nhi. Thiết Mộc Chân tiếp nhận phong chức của triều Kim tham gia trận chiến này. Kết quả, Thiết Mộc Chân không chỉ báo được thù, mà còn bắt được nhiều bộ dân và gia súc của Tháp Tháp Nhi, từ đó, lực lượng của ông càng thêm hùng hậu.
          Năm 1201 (năm Thái Hoà 泰和 nguyên niên đời Kim Chương Tông 金章宗), Thiết Mộc Chân đánh bại Trát Mộc Hợp, năm sau, tiêu diệt toàn bộ người Tháp Tháp Nhi tàn dư. Như vậy, Thiết Mộc Chân đã thống nhất đông bộ Mông Cổ.
          Nhưng phía tây vẫn còn nhiều bộ lạc, trong đó cách rất gần là bộ Khắc Liệt 克烈 lớn mạnh. Vương Hàn (Hãn) 王汗 của bộ Khắc Liệt là Thoát Oát Lí Lặc 脱斡里勒 vào mùa xuân năm 1202 đột nhiên phát động cuộc tập kích Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân trong nhất thời mất phòng thủ, đành dẫn 19 người vội vã tháo chạy. Sau khi rút lui, họ đóng trại bên bờ Ban Chu Nê Hà 班朱泥河 (ý nghĩa là ao đầm). Nơi đây không có bóng người, không có lương thực, họ phải uống nước đục để đỡ khát, bắn ngựa rừng để ăn. Thời gian này là những ngày gian khổ nhất trong quá trình Thiết Mộc Chân thống nhất Mông Cổ. Cho nên, sau khi ông ta hoàn thành đại nghiệp thống nhất, đã phong công thần cho những người đã “đồng ẩm Ban Chu Nê Hà”.
          Về sau Thiết Mộc Chân lui đến phía đông hồ Bối Gia Nhĩ 贝加尔, một mặt ông hướng đến vương Hàn (Hãn) cầu hoà, một mặt lợi dụng thơi cơ tạm nghỉ, thu tập lại đội quân. Đến mùa thu năm đó, thực lực quân sự của ông được khôi phục, bèn ngầm phái binh bao vây nơi đóng của của vương Hàn (Hãn), đột nhiên phát khởi tấn công. Sau 3 ngày 3 đêm kịch chiến, Thiết Mộc Chân chiếm lĩnh Kim Trướng 金帐của vương Hàn (Hãn). Vương Hàn (Hãn) khi chạy đến bên bờ Ngạc Nhĩ Hồn 鄂尔浑 bị người Nãi Man 乃蛮 giết chết.
          Sau khi tiêu diệt bộ Khắc Liệt, mùa hè năm 1204 (niên hiệu Thái Hoà năm thứ 4 đời Kim Chương Tông), Thiết Mộc Chân đích thân dẫn đại quân xuất chinh Nãi Man, giết chết thủ lĩnh Tháp Dương Hàn (Hãn) 塔阳汗 của bộ Nãi Man. Từ đó, uy danh của Thiết Mộc Chân chấn động cả cao nguyên Mông Cổ, các bộ lạc khác cũng không dám cùng ông tranh phong. Người Miệt Nhi Khất nghe hơi gió đã khiếp đảm, thủ lĩnh của họ chạy đến một nơi rất xa; bộ Uông Cổ 汪古 chủ động đến quy phụ, Trát Mộc Hợp chạy trốn khắp nơi , bị bộ hạ của ông trói đưa về cho Thiết Mộc Chân, cuối cùng bị Thiết Mộc Chân xử tử. Như vậy, Thiết Mộc Chân đã hoàn thành đại nghiệp thống nhất toàn Mông Cổ.
          Năm 1206 (niên hiệu Thái Hoà thứ 6 đời Kim Chương Tông), Thiết Mộc Chân 44 tuổi được các chủ nô lệ của toàn Mông Cổ tiến cử làm Thành Cát Tư Hàn (Hãn) 成吉思汗. “Thành Cát Tư Hàn (Hãn)” theo tiếng Mông Cổ có nghĩa là “cường đại” 强大. Thành Cát Tư Hàn (Hãn) trở thành Đại Hàn (Hãn) 大汗 của toàn Mông Cổ, đánh dấu lịch sử Mông Cổ tiến vào một giai đoạn mới: kết thúc cục diện các bộ lạc nhiều năm tàn sát lẫn nhau; phía đông từ thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ 呼伦贝尔, phía tây đến khu vực rộng lớn của núi A Nhĩ Thái 阿尔泰. Các bộ lạc sử dụng ngôn ngữ khác nhau và có trình độ văn hoá khác nhau, đã dần hình thành nên tộc Mông Cổ cần cù chăm chỉ.
          Sau khi Thành Cát Tư Hàn (Hãn) thống nhất toàn Mông Cổ, đã kiến lập một chính quyền Mông Cổ đầu tiên – nước Mông Cổ.

Chú của người dịch
1- Về chữ :
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典có ghi các âm đọc: “hãn”, “hàn”, “can”.
- Với âm “hàn” bính âm han (thanh 2):
          “Đường vận”: hồ an thiết.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận”: hà can thiết. Tịnh âm (hàn)
          Khắc Hàn, tù trưởng chi xưng. Độc nhược 克韓 (khắc hàn).
          Hựu Bàn Hàn, Hán huyện danh. Độc Bàn Hàn.
          “唐韻”: 胡安切.
     集韻”, “韻會”, “正韻”: 河干切. 並音寒.
     可汗, 酋長之稱. 讀若克韓.
     又番汗, 漢縣名. 音盤寒.
          “Đường vận” phiên thiết là hồ an.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” phiên thiết là “hà can”. Đều có âm đọc là (hàn).
          可汗 “Khắc hàn là từ gọi tù trưởng. Đọc như 克韓 “khắc hàn”.”
          Lại có Bàn Hàn, tên một huyện đời Hán. Đọc là “Bàn Hàn”.
          (“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 553)

Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có âm “hãn” và “hàn”. Với âm “hàn” ghi rằng:
          Một âm là hàn, vua rợ Đột quyết gọi là khả hàn 可汗.
          (Ở chữ trang 73 thì có âm đọc là khắc hàn, ở đây lại là khả hàn. Chắc có lẽ tác giả nhầm – ND)
          (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015, trang 299)

          Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan, chữ cũng có 2 âm đọc: “hãn” và  “hàn”. Với âm “hàn” ghi rằng:
          Vua Hung Nô được gọi là Khả Hàn 可汗 (cũng quen đọc là Hãn)
          Ở chữ ghi rằng:
          Tên gọi vua Tây Vực (Khả Hãn 可汗, đọc như Khắc Hàn)
          (Nhà xuất bản TP Hồ chí Minh, 2002, trang 736, trang 195)
          Như vậy chữ với nghĩa là tù trưởng đọc là “Hàn”, ta quen đọc là “Hãn”. 可汗 đọc là “Khắc Hàn”, ta quen đọc là “Khả Hãn”.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 11/4/2019

Nguồn
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post