Dịch thuật: Bí ẩn việc hoàng đế Vạn Lịch mấy mươi năm không lâm triều

BÍ ẨN VIỆC HOÀNG ĐẾ VẠN LỊCH MẤY MƯƠI NĂM
KHÔNG LÂM TRIỀU

          Năm 1584, tức năm Vạn Lịch 万历thứ 12, hoàng đế Vạn Lịch 万历nhà Minh cuối cùng thoát khỏi sự uy hiếp của Trương Cư Chính 张居正và Phùng Bảo 冯保 trên đài chính trị, xoá đi những ám ảnh trước đó lưu lại trong tâm trí ông, từ đó trở đi ông cảm thấy bản thân ông là một vị hoàng đế danh đúng với thực, đích thân nắm quyền một cách chính đại quang minh, thi triển quyền lực của mình.
          Theo lẽ thường, hoàng đế Vạn Lịch từng có những hoài bão to lớn phải tiếp tục kiên trì sự cải cách của Trương Cư Chính, để thành quả của 10 năm tiếp tục phát dương, thúc đẩy kinh tế triều Minh phát triển, kiến nghiệp lập công. Nhưng từ khi ông đích thân nắm chính quyền, tình hình đó lại phát sinh nghịch chuyển, ông phế trừ sự cải cách của Trương Cư Chính. Hơn nữa, phàm là chế độ quy chương có tác dụng chế ước đối với hoàng thượng, đối với chính thể, cũng đều bãi bỏ hết, nhũng quan nhũng phí từng bị cách trừ được khôi phục lại. Ngoài ra, hoàng đế Vạn Lịch còn đích thân mưu tính vạch ra chế độ dùng trong sinh hoạt cho mình, để nuôi dưỡng sự tôn quý của bậc đế vương.
          Sau khi thân chính, hoàng đế Vạn Lịch chìm đắm vào trong tửu sắc càng nghiêm trọng hơn trước. Theo truyền thuyết, hậu cung đã có cả ngàn mĩ nữ, nhưng ông vẫn cảm thấy chưa đủ, bảo thái giám, đại thần tìm mĩ nữ từ trong dân gian để cung cấp cho ông hưởng lạc. Từ đó, ngày đêm tửu sắc thành tật, thêm  vào đó, sau rượu sẽ say, sau say sẽ nộ, nộ tất đánh người. Cung nữ, nội thị nào đối với ông hơi có chút không vừa lòng, liền sai người trách đánh, nếu nặng thường bị đánh chết. Vạn Lịch hãy còn học hút thuốc, chơi hoa chơi chim, trong cung thường tiến hành đánh bạc. Theo số tuổi trưởng thành của ông, tính tham lam cũng ngày càng tăng theo.
          Vui chơi mất hết cả chí khí, đó là một định lí. Cuộc sống của Vạn Lịch bắt đầu đoạ lạc cực độ, lúc nhỏ dưới sự dạy dỗ học tập nghiêm khắc của mẫu hậu, hùng tâm tráng chí, đã không còn. Ông vô cùng chán ghét mỗi ngày phải xử lí chính vụ, phê cải tấu chương, thế là thường đem tấu sớ lưu lại không xử lí, cũng chính là cái mà gọi là “lưu trung” 留中, qua một thời gian dài như thế, cũng coi như xong. Sau này lại đình chỉ nhật giảng kinh diên (1) và việc lên triều sớm. Các đại thần qua thời gian dài không có cách nào diện tấu hoàng thượng, bèn dâng sớ khẩn cầu Vạn Lịch, cho dù mỗi tháng có thể lâm triều ba bốn lần cũng được. Nhưng Vạn Lịch cảm thấy buồn cười, cho rằng thiên hạ là thiên hạ của mình, bản thân mình không cảm thấy sốt ruột, người khác hà cớ gì lại sốt ruột. Đương thời có một viên kinh quan nhậm chức đã hơn 1 năm là Lạc Vu Nhân雒于仁 thấy hoàng thượng lười nhác như thế, trong lòng ông không yên, thế là viết bài sớ Tửu sắc tài khí tứ châm 酒色财气四箴 dâng lên, nêu ra những cái xấu của Vạn Lịch như ngày đêm uống rượu, tham tài háo sắc, hi vọng hoàng thượng hối lỗi tỉnh ngộ. Vạn Lịch nhìn thấy tờ sớ, nổi cơn thịnh nộ, không trị Lạc Vu Nhân tội chết thì không thể, về sau qua sự khuyên giải của các đại thần, Vạn Lịch mới lệnh cho ông trở về nhà làm dân. Từ đó về sau, Vạn Lịch càng không ngó ngàng gì đến triều chính, mãi đến năm Vạn Lịch thứ 43 (năm 1615) phát sinh “đĩnh kích án” 梃击案, Vạn Lịch mới triệu kiến qua quần thần một lần, khiến cả triều văn võ may mắn thấy được thiên nhan. Lúc bấy giờ, Vạn Lịch đã 25 năm không lâm triều, đây cũng có thể gọi là một kì tích trong các đời hoàng đế của xã hội phong kiến Trung Quốc.

Chú của người dịch
1- Kinh diên 经筵: từ thời Hán Đường trở đi, triều đình đặc biệt thiết lập Ngự tiền giảng tịch 御前讲席chuyên giảng kinh luận sử. Thời Tống gọi là “kinh diên”, nó bắt đầu được chế độ hoá.

2- Đĩnh kích án 梃击案: tức vụ án “đĩnh kích” phát sinh vào năm Vạn Lịch 万历thứ 43 (năm 1615), đây là sự kiện chính trị liên quan đến việc thái tử Chu Thường Lạc 朱常洛 bị thích sát. Đương thời, hoàng hậu của hoàng đế Vạn Lịch không có con, Vương Cung Phi 王恭妃sinh Chu Thường Lạc朱常洛, Trịnh Quý Phi 郑贵妃 sinh Chu Thường Tuân 朱常洵. Lúc đầu nhân Trịnh Quý Phi đắc sủng, Vạn Lịch muốn làm ngược với tổ huấn “lập tự vi trưởng” 立嗣为长, định sách lập Chu Thường Tuân làm thái tử, gặp phải sự phản đối của các đại thần và đảng Đông Lâm 东林, bất đắc dĩ phải lập Chu Thường Lạc làm thái tử.
          Về sau có một người tên là Trương Sai 张差, tay cầm gậy, xông vào chỗ ở của thái tử - Từ Khánh cung 慈庆宫, đánh trọng thương thái giám. Trương Sai bị bắt, lúc thẩm vấn khai là do thái giám Bàng Bảo 庞保 - thủ hạ của Trịnh Quý Phi và thái giám Lưu Thành 刘成dẫn tiến. Người đương thời nghi là Trịnh Quý Phi muốn giết thái tử, nhưng hoàng đế không muốn tra cứu, cuối cùng gán Trương Sai tội danh gian đồ điên loạn cho xử lăng trì, trong cung bí mật giết chết 2 thái giám Bàng Bảo và Lưu Thành.
          Chủ mưu phía sau vụ án “đĩnh kích”, có phải là Trịnh Quý Phi hay không vẫn chưa có thể luận định, cũng có người nghi là thái tử tự diễn ra khổ nhục kế, mục đích mượn cớ đó hãm hại Trịnh Quý Phi. Chân tướng vụ án đĩnh kích như thế nào, e là không có ai hiểu được. Đĩnh kích án là một trong “tam đại nghi án” cuối đời Minh, gồm: Đĩnh kích án梃击案, Hồng hoàn án 红丸案, và Di cung án 移宫案.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 09/4/2019

Nguyên tác Trung văn
MINH VẠN LỊCH ĐẾ SỔ THẬP NIÊN BẤT THƯỚNG TRIỀU CHI MÊ
明万历帝数十年不上朝之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013 
Previous Post Next Post