Dịch thuật: Bí ẩn Tử Cấm Thành

BÍ ẨN TỬ CẤM THÀNH

         Tử Cấm Thành 紫禁城, trong tên gọi đã hiện rõ một khí độ phi phàm, phòng thủ nghiêm mật, ung dung đại khí, nghe qua tất biết là một nơi mà bách tính lê dân phải tránh thật xa. Nơi mà có thể gọi là thành ở trong thành chính là trung tâm chính trị của vương triều hoàng gia thời kì Minh Thanh, là trọng địa quyết sách của chính phủ trung ương. Tử Cấm Thành được xây dựng vào từ năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 4 đến năm thứ 8 của triều Minh, diện tích kiến trúc ước khoảng 15 vạn m2, chung quanh được bao bọc bởi các cung tường cao 10m và hộ thành hà rộng 52m, bên trong từng là nơi ở của 24 vị đế vương.
          Cung điện hoàng gia ngày trước được ngự lâm quân phòng thủ nghiêm mật này, vào năm 1925 chính thức trở thành Viện bảo tàng Cố Cung 故宫, từ đó bách tính bình dân mới có thể được tận mắt thấy phong thái “đại nội”, không ngừng được phát quật và truy tìm những bí ẩn trong đó.
          Thế thì, danh xưng Tử Cấm Thành bắt nguồn từ đâu?
          Từ thời cổ, người Trung Quốc đã rất sùng thượng thiên văn, trong ý thức của họ, Thiên Hoàng Đại Đế là chủ tể của thiên thượng, Ở Dịch kinh 易经, sách được hình thành đầu tiên trong văn hoá Trung Quốc, xem “thiên” là quan trọng nhất, là vị thần thần thánh nhất, hoàng đế cổ đại tự xem mình là “chân long thiên tử” 真龙天子; nơi sinh hoạt và làm việc của hoàng đế đương nhiên cũng lấy theo việc quy hoạch tinh toà trên trời và mệnh danh.
          Theo phương thức sắp xếp tinh tú mà Dịch học nói đến, phương đông trên bầu trời lấy thanh long 青龙làm đại biểu, phương tây lấy bạch hổ 白虎làm đại biểu, phương nam lấy chu tước 朱雀 làm đại biểu, phương bắc lấy huyền vũ 玄武 làm đại biểu, 4 vị thần mỗi vị cai quản một phương; vị trí trung ương là Bắc cực tinh 北极星, cũng gọi là Tử Vi viên 紫微垣. Trong truyền thuyết, Thiên Hoàng Đại Đế theo lí là vị trí trung ương trên bầu trời, Thiên Hoàng Đại Đế cư trú ở trung tâm trong Tử Vi cung của Tử Vi viên. Tương ứng với Thiên Hoàng, đô thành mà hoàng đế được xem là “thiên tử” cư trú cũng trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của quốc gia, hoàng cung từ thời Hán cũng bắt đầu nhân “Tử Vi cung” 紫微宫mà có tên “Tử cung” 紫宫; cũng do bởi yếu địa của hoàng gia là cấm địa, dân thường không được tự do ra vào, cho nên lại có cách nói là “Cấm Thành” . Đến thời Đường, quần thể kiến trúc hoàng gia bắt đầu đem chữ “tử” trong “tử cung” 紫宫 dùng liền với chữ “cấm” trong “cấm địa” 禁地, nhân đó mà có tên “Tử Cấm Thành” 紫禁城.
          Tử Cấm Thành kim bích huy hoàng, điện các thâm trầm, không chỉ xác lập danh xưng kiến trúc tổng thể có tư liệu có thể khảo chứng, mà trong đó danh xưng mỗi kiến trúc chủ yếu cũng đều có sự nghiên cứu kĩ lưỡng. Ví dụ như, theo cách nói của Dịch học, “càn” có ý nghĩa tượng trưng cho trời, cho dương, cho rồng, cho vua, cho nên cung điện mà hoàng đế cư trú gọi là “Càn Thanh cung” 乾清宫, ngụ ý hoàng thiên trong sáng bao la; còn “khôn” có ý nghĩa tượng trưng cho đất, cho âm, cho nữ, cho nên nơi hoàng hậu cư trú gọi là “Khôn Ninh cung” 坤宁宫, ngụ ý đại địa bình tĩnh an ninh.
          Ngoài ra, để làm nổi bật điềm phúc thuỵ cát tường trong Tử Cấm Thành, hơn 70 toà cung điện trong thành, mỗi toà đều tường đỏ ngói vàng, mái cong, phú lệ đường hoàng. Về sự vận dụng màu sắc, màu đỏ tượng trưng cho hỉ khánh, cát tường, màu vàng là màu của thổ trong “ngũ hành”, có “thổ” mới có lương thực, cho nên với Trung Quốc lấy nông nghiệp làm chính, màu vàng trở thành màu chuyên dụng của đế vương phong kiến, ngụ ý là trung tâm và tôn quý.
          Trong Tử Cấm Thành những thứ quý hiếm nhiều không kể xiết, phòng ốc lớn nhỏ trong đó cũng nhiều khó mà thống kê cho hết, theo truyền thuyết có đến 9999 gian, ở đây lớn đến cả kết cấu và cách thức của chỉnh thể kiến trúc, nhỏ chỉ như một gian điện cụ thể, thậm chí cách tạo hình, điêu khắc hình thái các loại động vật như rồng, phụng, sư tử ... trên mái ngói đều tích luỹ lắng đọng nét văn hoá nồng đậm, có thể nói là tinh hoa tư tưởng của Dịch học, thái cực, âm dương, ngũ hành, thiên can, địa chi. Cũng chính nội dung văn hoá bác đại tinh thông đó mới khiến cho Tử Cấm Thành hoằng vĩ hoa lệ này trở nên có sức thần bí, có ma lực phi phàm đối với thế giới.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 23/4/2019

Nguyên tác Trung văn
TỬ CẤM THÀNH CHI MÊ
 紫禁城之谜
Tác giả: Địch Xuân Hồng 翟春红
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post