Dịch thuật: Lai lịch Thiên Trì

LAI LỊCH THIÊN TRÌ

          Ngày xưa, trên thế giới có một con hoả ma 火魔 chuyên ăn lửa, nó đến nơi nào, liền ăn hết lửa nơi đó, khiến nơi không có lửa biến thành một thế giới lạnh căm căm.
          Một năm nọ, hoả ma đến núi Trường Bạch 長白, nó ăn hết lửa của dân trong vùng, bách tính nơi đó không được ăn thức ăn nấu chín; không có lửa, bách tính nơi đó bị rét mà chết. Vì giận thấu xương hoả ma, họ liên kết lại, dùng trái cầu tuyết ném hoả ma, bởi hoả ma sợ nhất là rét. Mọi người bắt được liền trói chặt nó lại, chôn dưới một hố sâu đến mấy trăm trượng ở núi Trường Bạch.
          Mọi người tưởng như thế là hoả ma sẽ chết, tai nạn sẽ được tiêu trừ. Nhưng hoả ma không hề chết, nó ăn lửa ở dưới lòng đất, càng trở nên lợi hại hơn.
          Để báo thù, hàng năm cứ đến ngày nó bị chôn là rằm tháng 7, nó bèn dùng khói xông lên đỉnh núi, đem toàn bộ số lửa mà nó ăn phun ra. Lửa thiêu huỷ cả rừng núi, ruộng đồng, cũng nuốt luôn dã thú, bò dê cùng bách tính. Núi Trường Bạch trụi trọc, mọi sinh mệnh dường như bị tuyệt diệt.
          Những người may mắn sống sót đã rời xa núi Trường Bạch. Để sinh tồn, mọi người tụ tập lại thương lượng tìm đối sách. Có một cô gái 15 tuổi tên Nhật Cát Nạp 日吉納 đã mạnh dạn trình bày với bà con:
          - Vì hương thân phụ lão toàn tộc, và để đoạt lại ngọn núi báu của chúng ta, con sẽ đi thỉnh cầu sự giúp đỡ của thần linh, trừ khử ác ma này.
          Bà con bội phục sự dũng cảm của cô gái, mà cũng lo cho sự an toàn của cô ta. Mọi người chuẩn bị đủ lương khô, chọn ra một con ngựa hay, ôm bó hoa đỗ quyên tươi thắm để tiễn cô gái lên đường.
         Thời gian nhanh như tên bắn, vó ngựa như bay, không biết đã chạy qua bao nhiêu dặm đường, Nhật Cát Nạp đến một đỉnh núi cao, đó là nơi Thần gió cư trú. Cô gái xuống ngựa quỳ bái trước Thần gió, lên tiếng cầu xin:
          - Phong thần bá bá, xin cứu lấy dân tộc chúng con! Mau thổi tắt lửa trên núi Trường Bạch.
          Thần gió đáp ứng lời thỉnh cầu, bèn vào ngày hoả ma phun lửa đã nổi cơn gió lớn. Ai ngờ, cơn gió lớn không những không dập tắt được lửa mà ngược lại khiến cho thế lửa càng hung hãn hơn. Thần gió không chế phục được hoả ma, đành nói với Nhật Cát Nạp:
          - Cô gái à! Ta không có năng lực, con đi thỉnh cầu Thần mưa đi.
          Nhật Cát Nạp không nản lòng, cô ta lại cưỡi ngựa chạy ra biển lớn thỉnh cầu Thần mưa. Cô gái khẩn cầu rằng:
          - Vũ thần bà bà! Xin cứu lấy chúng con. Mau tưới nước dập tắt lửa trên núi Trường Bạch.
          Thần mưa đáp ứng lời thỉnh cầu, bèn năm sau vào ngày hoả ma phun lửa đã cho mưa xuống. Nhưng thế lửa càng mãnh liệt hơn . Khi mưa rơi xuống lửa liền hoá thành khí mù bay đi. Thần mưa cũng đành nói với Nhật Cát Nạp:
          - Cô gái à! Không được rồi, con đi tìm Thần tuyết đi.
          Nhật Cát Nạp lại cưỡi ngựa chạy đến núi Côn Luân 昆崙, cầu xin Thần
tuyết cư trú nơi đó giúp đỡ. Thần tuyết tuy làm hết sức những cũng không giúp được.
          Nhật Cát Nạp vô kế khả thi, đau lòng khóc lên. Cô cưỡi ngựa chạy mà không có mục đích, cũng không biết chạy đến nơi nào. Do bởi nhiều ngày bôn ba lao nhọc, cô nằm ngủ dưới một gốc cây lớn bên hồ.
          Lúc tỉnh dậy, cô phát hiện một con thiên nga trắng đang thong thả bơi trên mặt hồ. Nhật Cát Nạp ngây người vì thấy thiên nga quá đẹp, đột nhiên nàng quỳ xuống khẩn cầu thiên nga:
          - Thiên nga tiểu thư, xin cho tôi mượn đôi cánh, tôi sẽ bay lên trời thỉnh cầu pháp bảo hàng phục ma quỷ củaThiên Đế.
          Thiên nga cảm động trước lòng thành của cô gái, liền đem đôi cánh của mình cho Nhật Cát Nạp mượn. Nhật Cát Nạp bay lên thiên đình gặp Thiên Đế, hướng đến Thiên Đế khẩn cầu:
          - Thiên Đế nhân từ ơi! Xin cứu lấy dân tộc chúng con, hãy hàng phục hoả ma trên núi Trường Bạch.
          Thiên Đế cảm động lòng thành của Nhật Cát Nạp, bèn nói rằng:
          - Ta có thể giúp con, nhưng con có bằng lòng làm vật hi sinh không?
          Nhật Cát Nạp với thái độ kiên quyết nói rằng:
          - Để cứu bà con của con, con nguyện dâng hiến máu tươi của mình, thậm chí cả sinh mạng nữa.
          Thiên Đế ôn hoà nói rằng:
          - Được rồi, ta sẽ cho con một khối băng lạnh nhất, đợi lúc hoả ma mở miệng phun lửa, con chui vào bụng nó, chỉ có làm cho tim của hoả ma đông cứng, mới có thể hàng phục được nó, mới có thể dập tắt được lửa.
          Nhật Cát Nạp từ tạ Thiên Đế, ôm lấy báu vật mà Thiên Đế giao cho, bay về quê nhà.
          Đến ngày rằm tháng 7 năm nọ, núi Trường Bạch cao cao kia lại phun mạnh lửa, hoả ma há miệng, phun ra từng cục lửa lên bầu trời. Nhật Cát Nạp đã chuẩn bị từ lâu, cô ôm báu vật, vượt lên từng không rồi từ trên cao bổ xuống, nhắm đến miệng hoả ma xông vào. Khói mù khiến cô không mở mắt được, ngọn lửa thiêu cháy đầu tóc cô. Cô không suy nghĩ gì, lấy hết sức vùng vẫy trong miệng hoả ma rồi chui đến tận bụng nó. Chỉ nghe thấy một tiếng nổ vang kinh thiên động địa, đỉnh núi sụp xuống. Lửa đã tắt, khói đã tiêu.
          Thần gió đến, thổi tan khói mù đầy trên trời. Thần mưa đến, dùng nước mưa đổ xuống miệng núi. Thần tuyết cũng đến dùng băng tuyết làm lạnh đỉnh núi bị thiêu đỏ.
          Núi xanh lại, cỏ xanh lại, hoa đỏ lên, chim đã hót, hươu đang chạy, hổ đang gầm, núi Trường Bạch đã khôi phục sự sống như ngày trước.
          Nhật Cát Nạp đi đến nơi đâu rồi? Theo truyền thuyết, Thiên Đế thấy nàng dũng cảm, trung thành, xả thân thủ nghĩa, bèn nhận nàng làm con nuôi, triệu nàng về thiên đình.
          Để bày tỏ sự hoài niệm đối với bà con ở núi Trường Bạch, Nhật Cát Nạp rắc xuống núi Trường Bạch một nắm hạt giống, hạt giống mọc lên một loại dược thảo trân quý, bà con đã dùng dược thảo này để khử tai trị bệnh.

Chú của người dịch
Thiên trì Trường Bạch sơn 天池长白山:
Trường Bạch sơn 长白山 (núi Trường Bạch) tại tỉnh Cát Lâm 吉林Trung Quốc, nguyên là một ngọn núi lửa đã tắt. Đỉnh núi chính của Trường Bạch sơn hình thành nên miệng núi lửa, Thiên Trì 天池 chính là hồ do miệng núi lửa tích nước lại mà thành.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 06/3/2019

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI THẦN QUÁI ĐẠI QUAN
中國古代神怪大觀
Tác giả: Tô Châu Ngu 蘇洲虞
Đài Bắc: Ngọc Thụ đồ thư. Năm Dân Quốc thứ 85.
Previous Post Next Post