TRƯƠNG THƯƠNG
Trương
Thương 张苍 (? – năm 152 trước công
nguyên), Tể tướng thời Văn Đế 文帝, một trong những hiền tướng
triều Tây Hán. Trứ tác có 18 thiên luật thư. Mất vì bệnh.
Trương Thương张苍 người Dương Vũ 阳武 (nay
là phía đông nam Nguyên Dương 原阳 tỉnh Hà Nam
河南). Thời Tần, từng nhậm chức
Ngự sử, chủ quản văn thư bốn phương tấu lên triều đình, sau nhân vì đắc tội nên
bỏ trốn về quê nhà. Khi Lưu Bang đánh đến Dương Vũ, ông đầu bôn Lưu Bang 刘邦, lại nhân vì phạm pháp mà bị
xử tử hình. Lúc lâm hình, Đại tướng Vương Lăng 王陵 – bộ hạ của Lưu Bang thấy
ông ta thân hình cao lớn, da dẻ trắng trẻo, là một vị mĩ nam, cho rằng giết ông
ta thật đáng tiếc, bèn thỉnh cầu Lưu Bang xá tội, để ông theo quân tiến đến Hàm
Dương 咸阳.
Trong chiến tranh Sở Hán, Thường Sơn
Triệu Vương Trương Nhĩ 常山赵王张耳bị Trần
Dư 陈余đánh bại, chạy đến với Lưu
Bang, Lưu Bang uỷ nhiệm Trương Thương giữ chức Thú 守ở Thường Sơn 常山,
theo Hàn Tín 韩信đánh Triệu,
bắt được Trần Dư, bình định nước Triệu, đồng thời được thăng nhậm chức Tướng quốc
nước Đại 代. Chẳng bao lâu, điều đến nhậm
chức Tướng quốc cho Triệu Vương Trương Nhĩ. Trương Nhĩ mất, con là Trương Ngao 张敖 kế tục
vương vị, Trương Thương vẫn nhậm chức Tướng quốc. Chẳng bao lâu, Trương Thương
lại đổi làm Tướng quốc nước Đại, đồng thời nhân tham dự thảo phạt Bình Yên
Vương Tang Đồ 平燕王臧荼 có công, được phong làm Bắc Bình Hầu 北平侯.
Lưu Bang xưng đế, Tiêu Hà 萧何nhậm chức Tướng quốc, nhân vì
Trương Thương từng giữ chức Ngự sử triều Tần, biết rõ thư tịch sách vở trong
thiên hạ, lại giỏi toán thuật, Tiêu Hà bèn nhậm dụng ông là Kế tướng 计相 (1),
để ông ở trong Tướng phủ chủ quản thướng kế 上计 (2) của quận quốc, được xem là đại thần lí tài của
triều đình. Về sau, lại điều ông đến nhậm chức Tướng quốc cho Hoài Nam Vương
Lưu Trường 淮南王刘长, rồi lại
triệu hồi về triều đình nhậm chức Ngự sử đại phu, làm Phó tướng. Năm 176 trước
công nguyên, Thừa tướng Quán Anh 灌婴
bệnh và qua đời, Trương Thương được thăng làm Thừa tướng.
Đương thời, triều Hán kiến lập đã hơn
20 năm, thiên hạ mới ổn định. Nhưng, từ sau khi Tiêu Hà mất, trừ Trần Bình 陈平ra, Thừa tướng đều là võ tướng,
không hiểu lễ nghi, cho nên, nhiều chế độ của triều đình cần tu đính. Trương
Thương lúc nhậm chức Kế tướng, đã tu đính luật lịch, lấy tháng 10 làm đầu, suy
định triều Hán lấy thuỷ đức mà được thiên hạ, nên sùng thượng sắc đen, quy hoạch
không ít chế độ. Sau khi Trương Thương bái làm Tướng, bèn đem những chế độ đó
thực hành. Ông bác lãm quần thư, rất có học vấn, sử xưng là
Vô sở bất quan, vô sở bất thông, vưu kì tinh vu luật lịch.
无所不观,
无所不通, 尤其精于律历
(Không gì là không quan sát, không gì là không thống suốt, đặc
biệt là giỏi về luật lịch)
Trương Thương nhậm chức Tướng hơn 10
năm, có cống hiến rất lớn đối với việc kiện toàn chế độ lễ nghi của triều đình,
là một danh tướng thời Tây Hán.
Trương Thương sau khi ở địa vị cao, đối
với ơn cứu mạng năm nào của Vương Lăng ông không bao giờ quên. Lúc Vương Lăng
còn sống, ông thị phụng Vương Lăng như cha, sau khi Vương Lăng qua đời, ông đối
với phu nhân của Vương Lăng cũng vô cùng hiếu kính.
Năm 165 trước công nguyên, Bác sĩ Công
Tôn Thần 公孙臣 cùng
các Nho sinh ra sức chủ xướng lấy thổ đức mà được thiên hạ, theo đó tu sửa luật
lịch, phục sắc ... Văn Đế rất tin dùng, bèn lãnh đạm Trương Thương. Ba năm sau,
lại nhân một quan viên mà Trương Thương tiến cử tham ô, Văn Đế huấn trách
Trương Thương, Trương Thương cáo bệnh từ chức Tướng.
Lúc Trương Thương về quê nhà, tuổi đã
cao, răng đều đã rụng, thường dùng sữa của con gái làm thức ăn. Tương truyền, ống
sống đến hơn trăm tuổi. Năm 152 trước công nguyên Trương Thương bệnh và qua đời,
được truy thuỵ là Văn Hầu 文侯.
Trứ tác có 18 thiên luật lịch để đời.
Chú của người dịch
1- Kế tướng 计相: từ đời Hán đến đời Đường,
đều có cách gọi “Kế tướng”, nhưng công nhận là cách xưng hô cố định là đến đời
Tống. Triều Tống xưng là “Tam ti sứ” 三司使.
Tam ti sứ quản cống phú bốn phương và tài chính quốc gia, địa vị chỉ sau Tể tướng,
xưng là “Kế tướng”.
2- Thướng kế 上计: tức do vị trưởng quan
hành chính địa phương định kì dâng kế văn thư lên cấp trên, báo cáo tình hình
trị lí của địa phương. Đến cuối năm, Huyện lệnh trưởng đem tình hình về hộ khẩu,
khẩn điền, tiền cốc, hình ngục ... biên chép thành “kế bạ” 计簿 (cũng gọi là “tập bạ” 集簿) trình lên quận quốc. Căn cứ
vào kế bạ của thuộc huyện, quốc tướng của quận thú biên chép lại thành kế bạ của
quận, báo cáo lên triều đình, rồi căn cứ vào kết quả khảo hạch để thăng, giáng,
thưởng, phạt.
Chế độ “thướng kế” kiến lập mang ý
nghĩa trung ương tăng cường sự khống chế đối với tài chính địa phương.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/3/2019
Nguyên tác Trung văn
TRƯƠNG THƯƠNG
张苍
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ
TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm
Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất
bản xã, 1999
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật