攻人之恶, 思其堪受
攻人之恶, 毋太严, 要思其堪受; 教人之善, 毋过高, 当使其可从.
(菜根谭 - 齐家育人)
CÔNG
NHÂN CHI ÁC, TƯ KÌ KHAM THỤ
Công nhân chi ác, vô thái nghiêm, yếu
tư kì kham thụ; Giáo nhân chi thiện, vô quá cao, đương sử kì khả tùng.
(Thái căn đàm – Tề gia dục nhân)
PHÊ BÌNH LỖI CỦA NGƯỜI,
NÊN NGHĨ ĐẾN VIỆC HỌ CÓ THỂ TIẾP THỤ
Khi phê
bình lỗi của một người nào đó, không nên quá khắc nghiệt, cần phải nghĩ đến việc
họ có thể tiếp thụ được hay không. Dạy cho một người nào đó làm điều thiện,
cũng không nên yêu cầu quá cao, phải nghĩ đến việc họ có thể làm được hay không,
để họ cảm thấy phù hợp với năng lực mà làm theo.
Giải thích
và phân tích
Thời
Xuân Thu, Sở Trang Vương 楚庄王đánh thắng trận trở
về, mở tiệc thiết đãi quần thần. Quân thần chơi trò “sai quyền hành lệnh” 猜拳行令 (1), mời rượu cạn li, rất là náo nhiệt. Trong bữa tiệc, Sở
Trang Vương cao hứng lệnh cho phi tử sủng ái nhất của mình tham gia mời rượu
trong bữa tiệc.
Đột
nhiên, một trận cuồng phong thổi qua, tất cả nến trong khách sảnh đều bị thổi tắt,
cả gian phòng chìm vào trong bóng tối. Lúc bấy giờ, sủng phi đang luân phiên mời
rượu, bỗng từ trong bóng tối, một bàn tay kéo lấy tay áo của sủng phi. Đối với
hành vi vô lễ đột ngột phát sinh này, sủng phi không dám la lớn, nhất thời
thoát thân không được, trong lúc khẩn cấp, sủng phi thuận tay kéo đứt dây mũ của
người nọ. Đối phương thả tay ra, sủng phi thừa cơ thoát được, liền chạy đến bên
Sở Trang Vương, đồng thời lén kể hết tình hình bị người ta trêu ghẹo, còn nói với
Trang Vương là dây mũ của đối phương bị kéo đứt, chỉ cần thắp nến lên, kiểm tra
dây mũ thì sẽ tra ra được là người nào.
Sở
Trang Vương nghe sủng phi khóc lóc kể lể, không hề giận dữ, trầm tư một lúc rồi
nhân lúc nến chưa thắp lên, trong bóng tối cất tiếng nói to:
- Hôm nay yến tiệc, các vị bất tất phải câu nệ
lễ tiết, cứ mặc sức mà vui uống. Để hết lòng cùng vui, mọi người hãy kéo đứt
dây mũ của mình, dây mũ của ai không đứt thì người ấy không được uống rượu
ngon!
Quần thần
nào biết dụng ý của Trang Vương, để Trang Vương vui lòng, ai nấy đều kéo đứt
dây mũ của mình. Khi nên được thắp lên, mũ của những người trong bữa tiệc đều bị
đứt dây, căn bản tìm không ra người mà đã trêu ghẹo sủng phi. Như vậy, cục diện
gút mắc trong bữa tiệc được tháo gỡ trong vô hình, mọi người đều vui say ra về,
trong đó có cả người đã trêu ghẹo sủng phi.
Sau sự
việc đó, Sở Trang Vương đã giải thích với sủng phi đang mang nỗi ấm ức trong
lòng:
- Trong bữa tiệc rượu, có thái độ thất lễ là
thường tình của con người, nếu trước mặt mọi người mà truy tìm xử lí, e sẽ làm
tổn thương tấm lòng của tướng sĩ, khiến họ ra về trong tâm trạng không vui.
Chẳng
bao lâu sau, Sở Trang Vương mượn cớ nước Trịnh hội minh với nước Tấn tại Yên
Lăng 鄢陵, thế là mùa xuân năm sau, dốc binh sĩ trong cả nước
vây đánh nước Trịnh. Chiến đấu vô cùng kịch liệt, trải qua hơn 3 tháng, phát động
mấy lần xung phong. Trong trận chiến đó, có một quân quan phấn dũng tranh đầu,
giao chiến với quân Trịnh giết được rất nhiều quân địch, quân Trịnh nghe được đều
kinh sợ, đành phải đầu hàng. Nước Sở giành được thắng lợi, trong lúc luận công ban thưởng, mới biết vị quân
quan phấn dũng giết địch đó tên là Đường Giảo 唐狡,
chính là người mà đã bị sủng phi kéo đứt dây mũ trong bữa tiệc.
Người
sau khi phạm sai lầm luôn bức thiết mong được sự khoan dung của người khác cho
họ cơ hội để hối lỗi sửa mình. Một khi có được sự khoan dung, họ sẽ nảy sinh
tâm lí cảm ơn mong báo đáp, thông qua biểu hiện sửa sai để có được sự đồng ý chấp
nhận của đối phương. Sở Trang Vương hiểu được việc khoan dung lỗi lầm của người
khác, có được đạo lí nhân tâm, cho nên mới thi hành kế sách hơi hồ đồ, cuối
cùng trong chiến tranh giành được thắng lợi khải hoàn.
Mỗi cá
nhân đều sẽ phạm sai lầm, nhưng đối mặt với sai lầm của mình, trên thực tế
không ai bằng lòng tiếp thụ sự xoi mói phê bình chỉ trích. Nếu chúng ta ngược lại
với xu thế tâm lí này, chọn lựa sự công kích phê bình sâu sắc, để được sự chỉ
trích dạy bảo của người, thế thì hiệu quả mà có được chỉ có thể là con số
không. Cho nên nói phê bình cũng là một môn nghệ thuật, dạy bảo là một môn học
vấn. Muốn phát huy chúng một cách tinh tế sâu sắc, thu được hiệu quả thiết thực,
chỉ có thể dựa theo cách nói của “Thái căn đàm” mà làm, đó là: “Công nhân chi
ác, vô thái nghiêm, yếu tư kì kham thụ. Giáo nhân chi thiện, vô quá cao, đương
sử kì khả tùng.”
Phê
bình cần rõ ràng chuẩn xác, nhưng phương thức có thể uyển chuyển, như vậy mới dễ
cho người tiếp thụ và cũng không đến mức người phê bình phải canh cánh trong
lòng. Còn dạy bảo người khác, cần phải để đối phương như được tắm gội trong gió
xuân, nên ít những luận điệu trống rỗng mà nhiều những lời động viên chân
thành, mới có thể được đối phương tích cực tiếp nhận, từ đó mà đạt được mục
đích dạy bảo. Khi người khác phạm sai lầm, nên kềm chế nói ra những lời mặn nhạt,
cạnh khoé, hãy đặt mình vào địa vị của họ mà suy nghĩ, như vậy không những tăng
cường hiệu quả thiết thực trong việc phê bình dạy bảo, mà phẩm hạnh trí tuệ của
mình cũng được tăng thêm.
Chú của người
dịch
1- Sai quyền 猜拳: “sai quyền” tức
trò chơi đoán số ngón tay lúc uống rượu: hai người đồng thời giơ ngón tay ra và
mỗi người nói một con số, con số của ai khớp với tổng số ngón tay của hai người
giơ ra thì người ấy thắng, người
thua bị phạt uống rượu.
(Theo
“Từ điển Trung Việt” của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 1992)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/01/2019
Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật