Dịch thuật: Danh xưng "thương nhân" có phải đến từ triều Thương

DANH XƯNG “THƯƠNG NHÂN” CÓ PHẢI ĐẾN TỪ TRIỀU THƯƠNG

          Xã hội hiện đại là xã hội thương nghiệp, trên thị trường, chủ thể sản xuất đem thương phẩm ra để trao đổi. Người chuyên hoạt động thương nghiệp được gọi là “thương nhân” 商人, “thương nghiệp” 商业 cũng trở thành từ thay cho ngành nghề. Thế thì từ “thương nhân” xuất xứ từ đâu, có liên quan gì đến triều Thương không?
          Đáp án khẳng định là có. Đời Thương do bởi sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, sự mở rộng phân công xã hội, đã xuất hiện nhân viên chuyên lấy việc trao đổi thương nghiệp để mưu sinh, họ được gọi là “thương nhân” 商人. Câu “Thương ba dực dực, tứ phương chi cực” 商葩翼翼, 四方无极hình dung tình hình phát triển rực rỡ của thương nghiệp đương thời. Đời Thương xuất hiện nhiều thương nhân dắt xe bò và đi thuyền, buôn bán theo đường dài, đến hậu kì, nơi đô ấp xuất hiện tiểu thương chuyên theo việc giao dịch các loại, Khương Tử Nha 姜子牙từng lấy nghề mổ bò để mưu sinh, còn bán cơm tại Mạnh Tân 孟津. Kẻ thống trị đời Thương động viên khích lệ kinh thương, còn tu bổ đường xá để làm lợi cho thiên hạ trong việc lưu thông hàng hoá.
          Có thể thấy, nghề “thương nhân” xuất hiện ở hậu kì đời Thương. Sau khi Vũ Vương 武王diệt Trụ , triều Thương diệt vong, một số di dân triều Thương không có nguồn sống, bèn lấy việc kinh doanh mua bán để mưu sinh. Bộ phận những người này đi khắp hang cùng ngõ hẻm rao hàng. Người ta nghe tiếng rao của họ, biết “thương nhân” đến. Theo ghi chép, đầu thời Tây Chu, Chu Thành Vương 周成王còn nhỏ, hai người chú là Quản Thúc 管叔và Thái Thúc 蔡叔cùng với người con của Trụ Vương là Vũ Canh 武庚liên binh tạo phản. Sau khi Chu Công dẹp được loạn, đã xây Lạc Dương 洛阳thành một cứ điểm quân sự quan trọng, gọi là “Thành Chu” 成周.
Thành Chu kí thành, thiên Ân ngoan dân.
成周既成迁殷顽民
(Thành Chu đã xây xong, dời ngoan dân (1) của triều Ân đến đó)
          Hoá ra những người già người trẻ, dân của triều Thương bị đưa đến Thành Chu để giám sát, những người này mất đi quyền lợi chính trị, lại không có đất đai, đành phải thông qua việc buôn bán vật phẩm để mưu sinh, đó là nguồn gốc của từ “thương nhân”.
          Từ trong mậu dịch thương nghiệp, người đời sau phát hiện ra lợi nhuận, nhiều người Chu cũng tham gia vào việc mua bán hàng hoá. Thế là, ý nghĩa của từ “Thương nhân” đã mở rộng, trở thành danh xưng chỉ một nghề, mãi cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn dùng.

Chú của người dịch
1- Ngoan dân 顽民: ở đây chỉ những người trong số dân của triều Ân còn sót lại kiên quyết không phục sự thống trị của triều Chu.

                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn 18/01/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post