Dịch thuật: Chu Văn Vương cầu hiền nơi sông Vị

 CHU VĂN VƯƠNG CẦU HIỀN NƠI SÔNG VỊ

          Chu Văn Vương 周文王, tính Cơ , danh Xương . Ông đứng đầu trong số các chư hầu phía tây vào cuối triều Thương ở Trung Quốc, là cháu của Chu Thái Vương 周太王, con của Quý Lịch 季历. Cơ Xương kế vị ngôi vị Tây Bá 西伯 của phụ thân, mọi người gọi ông là Tây Xương Bá 西昌伯. Thời gian Chu Văn Vương tại vị rất dài, khoảng 50 năm. Trong khi tại vị, ông có nhiều cống hiến, coi trọng sự phát triển nông nghiệp, coi trọng hiền tài, lấy lễ đãi kẻ sĩ, đáng gọi là minh quân của một đời.
          Sau khi Bàn Canh qua đời, đời Thương chỉ có 11 vị vương, vị vương cuối cùng là Trụ . Trụ là một bạo quân hoang dâm, ông ta đã xây một cung điện to lớn hoa lệ tại đô thành, thu gom tiền bạc châu báu về cất giữ trong đó, lấy rượu đổ xuống ao, đem thịt treo lên cây, ngày đêm vui chơi hưởng lạc cùng sủng thần và các phi tử. Ông ta lại phát minh ra một hình phạt dùng cho bách tính hoặc chư hầu phản đối mình, đó là bắt người bỏ trên trụ đồng nung đỏ. Sự tàn bạo của ông ta đã làm tăng nhanh sự diệt vong của triều Thương. Bộ lạc Chu bắt đầu hưng vượng lên.
          Thủ lĩnh của bộ lạc Chu Chu Văn Vương là một chính trị gia tài năng. Ông khích lệ mọi người sản xuất phát triển, lại khiêm tốn tiếp nhận những người có tài, khiến những kẻ sĩ hiền năng lần lượt đến với ông. Chu Văn Vương thấy Thương Trụ hôn dung tàn bạo, táng thất dân tâm, liền quyết định thảo phạt triều Thương, nhưng bên cạnh hãy còn thiếu một quân sư có tài về quân sự, nên đã ngầm quan sát tìm hiểu hạng người có tài năng này.
          Ngày nọ, Chu Văn Vương đi săn ở bên sông Vị . Ông nhìn thấy một ông lão ngồi câu bên bờ, dường như không quan tâm đến ai, ngay cả đại đội nhân mã đi ngang qua bên cạnh, ông lão đó dường như cũng không nhìn. Chu Văn Vương sớm nghe nói bên sông Vị có một ông lão quái lạ dùng lưỡi câu thẳng để câu cá, tuy câu không dính, nhưng vẫn ngồi yên nơi đó. Chẳng lẽ người đó chính là ông lão quái lại này sao? Văn Vương liền tiến tới hỏi chuyện.
          Qua những lời trao đổi, biết được ông lão tên Khương Thượng 姜尚, là một người có tài tinh thông binh pháp. Văn Vương vô cùng vui mừng nói rằng:
          - Khi tổ phụ ta tại thế, từng nói qua với ta, sau này sẽ có một người tài năng giúp ta hưng vượng Chu tộc. Ông chính là người đó.
          Khương Thượng cũng nói:
          - Sở dĩ tôi ở bên bờ sông Vị dùng lưỡi câu thẳng câu cá, thực tế là đang đợi cơ hội báo đáp một vị quân vương. Nay cuối cùng đã đến rồi.
          Quả nhiên Khương Thượng là một trợ thủ đắc lực của Chu Văn Vương, ông giúp Văn Vương vừa phát triển sản xuất, vừa huấn luyện binh mã. Thế lực của tộc Chu ngày càng lớn mạnh. Khương Thượng giúp Văn Vương công chiếm 2 thuộc quốc của triều Thương, mấy năm sau đại bộ phận đất đai của triều Thương đều bị tộc Chu chiếm lĩnh.
          Khương Thượng tài năng, nhân vì ông là người mà tổ phụ của Văn Vương trông mong, cho nên được mọi người xưng là “Thái Công Vọng” 太公望, trong dân gian gọi ông là “Khương Thái Công” 姜太公

Phụ lục
          Khương Thượng 姜尚, tự Tử Nha 子牙, hiệu Phi Hùng 飞熊. Ông là người ở vào giai đoạn cuối triều Thương, nhân vì tổ tiên có công giúp Đại Vũ 大禹trị thuỷ, sau được phong ở đất Lữ , cho nên Khương Thượng được mang họ Lữ , gọi là Lữ Thượng 吕尚. Khương Thượng là quân sự gia, thao lược gia, chính trị gia nổi tiếng của triều Chu. Ông còn là một người nổi trội về lĩnh vực văn hoá của Trung Quốc. Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Binh gia, Tung hoành gia đều tôn Khương Thượng làm nhân vật của môn phái mình. Khương Thượng có các tôn xưng như “Binh gia tông sư” 兵家宗师, “Tề quốc binh thánh” 齐国兵圣, “Trung Quốc võ tổ” 中国武祖, “Bách gia tông sư” 百家宗师.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 21/11/2018

Nguyên tác Trung văn
CHU VĂN VƯƠNG VỊ THUỶ PHỎNG HIỀN
周文王渭水访贤
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Previous Post Next Post