SỬU NỮU LÀM NƯƠNG NƯƠNG
Ngày
xưa, gia đình kia nuôi đến 7 người con, nhà rất nghèo, thường cơm không đủ bữa.
Vào một năm đại hạn, hơn cả trăm ngày mà không có lấy một giọt mưa, nhà nọ càng
thêm thê thảm, đến bữa phải ăn vỏ cây. Về sau ngay cả vỏ cây cũng không có mà
ăn. Quả thực không còn biết cách nào, họ nghĩ bụng hay là đem đứa con gái nhỏ
nhất bỏ bên đường, nếu may ra gặp được người tốt đem về nuôi, nói không chừng
nó còn có đường sống.
Một
viên ngoại tốt bụng ở nơi khác đi ngang qua nhìn thấy đứa bé liền nhặt về
nuôi. Đứa bé gầy ốm chỉ còn da bọc xương, lại còn ghẻ chốc đầy đầu, ai thấy cũng
sợ. Nhưng viên ngoại không chê vẫn nuôi và đặt cho nó một cái tên, gọi là “Sửu
Nữu” 丑妞.
Sửu Nữu
tại nhà viên ngoại lớn lên, dần mập ra, ghẻ chốc trên đầu cũng không còn. Sửu Nữu
rất hiền lành và chăm chỉ, hàng ngày thả bầy cừu lên núi chăn. Bầy cừu rất
nghe lời Sửu Nữu, lúc rảnh, Sửu Nữu chải lông cho chúng, từng con cừu mập tròn,
lông trên mình bóng mượt.
Ngày nọ,
hoàng thượng vào núi săn bắn, nhìn thấy bầy cừu khoẻ đẹp, lại nhìn thấy Sửu Nữu.
Hoàng thượng càng nhìn càng thích, cho là trời sinh cô gái đó có phúc tướng, liền
bảo viên ngoại dâng Sửu Nữu cho hoàng thượng.
Từ đó,
Sửu Nữu ngày càng xinh đẹp, thêm thông minh lanh lợi, mái tóc dài đen mượt.
Ngày kia, Sửu Nữu lấy nước cho hoàng thượng rửa mặt, lúc hoàng thượng rửa mặt,
Sửu Nữu đứng một bên. Hoàng thượng phát hiện trong chậu nước có phụng hoàng
đang cử động, quay đầu lại nhìn thì ra là Sửu Nữu. Hoàng thượng vui mừng trong
lòng. Tối đến, khi Sửu Nữu rửa chân cho hoàng thái hậu, phát hiện lòng bàn chân
của thái hậu có một nốt ruồi đen, Sửu Nữu bèn cười lên. Thái hậu hỏi rằng:
- Thế con cười cái gì?
Sửu Nữu
đáp rằng:
- Hồi bẩm thái hậu, nô tì cũng có một nốt ruồi
đen giống như của thái hậu, cho nên cười.
Thái hậu
nhìn qua, quả thật nốt ruồi đó cũng giống như nốt ruồi của mình, nghĩ rằng:
mình có nốt ruồi này mà làm thái hậu, con a đầu này tương lai cũng có thể làm
được. Thái hậu bèn bàn với hoàng thượng, hoàng thượng vốn đã có chủ ý đó từ
lâu, liền vui mừng đáp ứng.
Huỳnh Chương Hưng
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật