Dịch thuật: Tức Mặc chi chiến (Lời dẫn) (Tư trị thông giám)

TỨC MẶC CHI CHIẾN

Lời dẫn
          Năm 284 trước công nguyên, Yên Chiêu Vương 燕昭王phong Nhạc Nghị 乐毅làm Thượng tướng quân, thống lĩnh đội quân 5 nước Yên, Tần, Hàn, Triệu, Nguỵ đánh Tề. Tề Mẫn Vương 齐湣王kiêu ngạo tự thị, lúc đầu hoàn toàn không ngờ nước Yên lại liên hợp chư hầu đánh Tề, đến khi phát hiện liên quân đã xâm nhập nước Tề, mới vội phong Xúc Tử 触子làm tướng. Xúc Tử dẫn quân vượt qua Tế thuỷ 济水, tiến về phía tây cự địch.
          Hai bên triển khai quyết chiến tại phía tây Tế thuỷ, sử gọi là “Tế tây chi chiến” 济西之战.
          Quân Tề do bởi nhiều năm liên tiếp chinh chiến, sĩ khí xuống thấp. Để bức ép các tướng sĩ tử chiến, Tề Mẫn Vương cho đào mộ tổ tiên của họ, thực hành pháp lệnh tàn khốc để uy hiếp, khiến tướng sĩ không đồng lòng, tiêu tan ý chí chiến đấu. Kết quả , khi liên quân tấn công, quân Tề vừa mới giáp trận đã gặp phải thảm bại. Xúc Tử bỏ trốn, không rõ tung tích, phó tướng Đạt Tử 达子thu thập tàn binh, lui về giữ đô thành Lâm Tri 临淄.
          Sau khi chủ lực quân Tề bị tiêu diệt, quân Tần và quân Hàn rút lui. Nhạc Nguỵ phái quân Nguỵ phía nam đánh Tống, lệnh cho quân Triệu phía bắc lấy Hà Gian 河间, đích thân Nhạc Nghị thống lĩnh quân Yên hướng đến Lâm Tri thực thi chiến lược truy kích, tiếp tục truy sát quân Tề, đồng thời công chiếm quốc đô Lâm Tri của nước Tề.
          Tề Mẫn Vương bị bức phải tháo chạy, về sau bị tướng nước Sở là Náo Xỉ 淖齿 giết chết.
          Nhạc Nghị sau khi công chiếm Lâm Tri, thực thi đức chính để thu phục dân tâm. Nhạc Nghị làm rõ kĩ cương quân đội, nghiêm cấm cướp bóc, phế bỏ pháp lệnh tàn bạo và tạp thuế hà khắc. Sau đó chia binh làm 5 lộ để tiêu diệt quân Tề một cách triệt để, chiếm lĩnh toàn cảnh nước Tề. Chỉ trong 6 tháng, quân Yên đã lấy được hơn 70 thành của nước Tề, chỉ còn lại 2 thành là Cử và Tức Mặc  即墨 (nay là phía đông nam Bình Độ 平度Sơn Đông 山东) là chưa bị công chiếm.
          Nhạc Nghị lại điều chỉnh lực lượng, tập trung hữu quân và tiền quân đánh thành Cử, tả quân và hậu quân đánh Tức Mặc. Quân dân Tức Mặc quyết chiến, tiến cử Điền Đan 田单, người thuộc tôn thất nước Tề làm tướng, kiên thủ chống Yên. Cử và Tức Mặc trở thành thành luỹ kiên cường kháng Yên của nước Tề lúc bấy giờ. Quân Yên bao vây thành Cử và Tức Mặc một năm nhưng chưa bị công hạ, Nhạc Nghị bèn đổi sang công tâm, lệnh cho quân Yên rút lui đến một nơi cách hai thành 9 dặm dựng thành luỹ. Đồng thời hạ lệnh phàm cư dân trong thành ra vào không bị bắt, có khó khăn sẽ giúp đỡ để tranh thủ dân tâm. Và như thế kéo dài 3 năm, hai thành vẫn chưa bị công hạ. Trận chiến đó được gọi là “Tức Mặc bảo vệ chiến” 即墨保卫战  hoặc “Tức Mặc chi chiến” 即墨之战.
          Điền Đan mưu trí hơn người, biết người biết ta, lúc đất nước bị tàn phá, thành luỹ bị bao vây, hình thế lực lượng hai bên chênh lệch, vẫn kiên thủ cô thành, làm tê liệt quân Yên. Đồng thời lợi dụng mâu thuẫn và điểm yếu của quân địch, tích cực sáng tạo điều kiện phản công. Khi thời cơ đã chín mùi, Điền Đan hạ lệnh “hoả ngưu trận” đang đêm tiến hành đột kích, ra tay lúc quân địch không ngờ tới, tấn công lúc quân địch không phòng bị, cuối cùng chiến thắng được quân Yên.
          “Tức Mặc chi chiến” là một trong những chiến dịch nổi tiếng thời kì Chiến Quốc, và cũng là trận chiến điển hình lấy yếu thắng mạnh trong lịch sử chiến tranh Trung Quốc.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 21/6/2018

Nguồn
TƯ TRỊ THÔNG GIÁM
资治通鉴
Bắc Tống . Tư Mã Quang 司马光
Chủ biên: Nhậm Tư Vũ 任思武
Bắc Kinh . Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post