Dịch thuật: Từ tiền "Tần bán lượng" đến tiền ngũ thù (tiếp theo)

TỪ TIỀN “TẦN BÁN LƯỢNG” ĐẾN TIỀN NGŨ THÙ
(tiếp theo)

          Chế độ hoá tệ triều Hán, lúc ban đầu kế thừa triều Tần, vẫn sử dụng tiền bán lượng của triều Tần, về sau lại đúc loại tiền bán lượng mới. Danh xưng tiền tệ tuy không thay đổi, nhưng trọng lượng lại không ngừng giảm. Theo lí mà nói, bán lượng bằng 12 thù, nhưng trọng lượng thực tế giảm dần còn 8 thù, 4 thù, thậm chí ít hơn nữa. Có một loại tiền tên là “giáp” (hạt của một loại thực vật họ đậu), nhỏ như mắt con cá. Đương thời dùng loại tiền “giáp” này mua gạo, vạn tiền là 1 thạch, khi sử dụng rất bất tiện.
          Danh xưng và trọng lượng của tiền tệ, nguyên vốn là phù hợp, về sau có sự sai biệt, đó là hiện tượng chung trong lịch sử hoá tệ các nước trên thế giới, cho nên sẽ sản sinh ra tình huống: một mặt cố nhiên là người đúc tiền tiết kiệm chất liệu đúc, mặt khác cũng đánh dấu sự xác lập địa vị hoá tệ tiến thêm một bước.
          Đầu thời Tây Hán, nhà nước từng cho cho phép tư nhân đúc tiền. Nhưng do bởi đúc quá nhiều, kết quả dẫn đến việc vật giá tăng cao. Thế là nghiêm cấm tư nhân đúc tiền, ai vi phạm sẽ bị xử tử hình. Nhưng, việc lén đúc phạm pháp vẫn thường phát sinh. Năm 175 trước công nguyên, Hán Văn Đế 汉文帝lại cho phép tư nhân đúc tiền, nhưng có quy định, không được pha tạp chì thiếc làm giảm chất lượng tiền tệ, ai vi phạm sẽ bị tội “kình hình” 黥刑 (khắc chữ lên mặt). Một số cường hào quyền quý và phú thương thừa cơ công khai đúc tiền phát tài.
        Lúc bấy giờ, quận Dự Chương 豫章(khu vực tương đương với tỉnh Giang Tây 江西ngày nay) của nước Ngô có núi đồng. Ngô Vương Lưu Tị 刘濞 chiêu mộ người khai thác đồng đại quy mô để đúc tiền, đại phát hoạnh tài. Năm 154 trước công nguyên (Hán Cảnh Đế 汉景帝 năm thứ 3), Lưu Tị lợi dụng tài phú trong tay, phát động 7 nước Ngô Sở phản loạn.
          Hán Cảnh Đế sau khi bình định Ngô Sở phản loạn, lại cấm tư nhân đúc tiền. Nhưng, tiền do tư nhân đúc vẫn không giảm, chỉ là ngầm tiến hành mà thôi. Đến thời Hán Vũ Đế, để duy trì được chi phí to lớn cho quân sự, Hán Vũ Đế đã thực hành cải cách chế độ tiền tệ. Năm 119 trước công nguyên, phát hành “bạch kim” 白金 và “bì tệ” 皮币.
          Trên thực tế, “bạch kim” là loại hợp kim giữa bạc và thiếc, trên mặt tệ phân làm 3 loại: 3000 tiền, 500 tiền và 300 tiền, hàm lượng của nó bạc ít thiếc nhiều, còn định giá lại tương đối cao, kết quả nhanh chóng bị giảm giá trị. Về “bạch kim” có thể nói nó là ngân tệ sớm nhất của Trung Quốc. Trước đó, trên bề mặt tiền tệ chỉ đúc văn tự, còn “bạch kim” lần đầu tiên có đồ án xuất hiện trên bề mặt của tiền. Lúc bấy giờ, Trung Quốc đã có mậu dịch qua lại với các nước cổ La Mã, Ấn Độ, đồ án đúc trên “bạch kim” có thể là chịu ảnh hưởng đồ án đúc trên tiền tệ của các nước.
          Chất liệu của “bì tệ” 皮币là da của con hươu trắng, khoảng vuông 1 xích, làm tiền 40 vạn. Giá trị trên bề mặt của tiền quá lớn nên thực tế rất khó sử dụng. Chẳng qua do bởi chất liệu của nó và giá trị trên bề mặt sai lệch nhiều, nó trở thành tiên phong về “chỉ tệ” 纸币  (tiền giấy) của Trung Quốc.
          Nhược điểm của “bạch kim” và “bì tệ” quá rõ. Mấy tháng sau, Hán Vũ Đế bắt đầu cho đúc tiền “ngũ thù” 五铢.
          Khác với tiền bán lượng, tiền ngũ thù lớn nhỏ nặng nhẹ nhất luật, văn tự đoan trang đẹp, sắc đồng hồn hậu, đồng thời áp dụng đao tệ, hoàn tiền thời Chiến Quốc, đường viền có gờ nhô lên, khiến văn tự không bị mòn. Chế tạo cũng rất tinh xảo, nặng nhẹ thích nghi, sử dụng thuận lợi, cho nên sau khi phát hành rất được mọi người hoan nghinh, chẳng bao lâu nó hoàn toàn thay thế địa vị của tiền bán lượng, trở thành loại hoá tệ chủ yếu nhất, thông hành nhất ở triều Hán.
          Năm thứ 6 phát hành tiền ngũ thù, Hán Vũ Đế quy đại quyền đúc tiền về trung ương, đồng thời thiết lập cơ quan “Thượng lâm tam quan” 上林三官 chuyên phụ trách việc đúc tiền: “chung quan” 锺官 (trực tiếp nắm giữ tiền tệ), “biện đồng” 辨铜 (phụ trách phân biệt chất đồng), “quân thâu” 均输 (chủ quản việc vận chuyển đồng thiếc). Do bởi thiết lập cơ quan chuyên môn đúc tiền, chất lượng của tiền tệ đã được đảm bảo.
          Từ sau khi dùng tiền ngũ thù, tiền tệ được sử dụng càng rộng rãi hơn trong xã hội. Trước thời Hán, lương bổng của quan lại đều dùng thóc hoặc gạo để  chi trả. Đến thời Tây Hán, trên danh nghĩa vẫn phát trả những thứ đó, nhưng trên thực tế có lúc phát thóc, gạo và tiền đồng mỗi thứ một nửa, có lúc hoàn toàn phát tiền. Thời Đông Hán, ngay cả trên danh nghĩa cũng đổi là nửa tiền, nửa thóc gạo.
          Tiền ngũ thù được xem là hoá tệ duy nhất thời Tây Hán sử dụng liên tục 120 năm, mãi đến khi Vương Mãng 王莽 thay chức quyền hoàng đế, mới lại phát hành loại tiền tệ mới.
          Loại tiền đầu tiên mà Vương Mãng phát hành đó là “đại tuyền” 大泉, “tiểu tuyền” 小泉, “khế đao” 栔刀 và “kim thác đao” 金错刀. “Đại tuyền”, “tiểu tuyền” cũng là loại tiền tròn lỗ vuông, phân biệt có giá trị bằng 50 và 5 tiền ngũ thù; “khế đao” là tiền tròn lỗ vuông, phía dưới có thêm phần giống hình con dao, giống cái muỗng, mỗi đồng có giá trị 500 tiền ngũ thù. Hình dáng của “thác đao” và “khế đao” giống nhau, nhưng bên trên thác đao đúc 5 chữ “nhất đao bình ngũ thiên” 一刀平, tức một đao có giá trị bằng 5000 tiền ngũ thù; trong đó hai chữ “nhất đao” dùng chút vàng đúc thành, cho nên cũng còn được gọi là “kim thác đao”. “Thác kim” là một trong những công nghệ đặc biệt của kim thuộc, tức trên món đồ dùng kim loại dát mỏng khảm thành văn tự hoặc hoa văn. Dùng loại công nghệ này để chế tác hoá tệ, đương nhiên là vô cùng trân quý.
          Nhưng “khế đao” và “thác đao” chỉ dùng có 2 năm. Năm 8, sau khi Vương Mãng xưng đế đã phế bỏ đao tiền và ngũ thù tiền, chuyên dùng “đại tuyền”, “tiểu tuyền”. Do bởi ông ta theo ý riêng thay đổi chế tiền tệ, đã gây nên trạng thái hỗn loạn về kinh tế, bách tính oán thán đầy đường, cự tuyệt dùng “đại tuyền” “tiểu tuyền”, vẫn dùng tiền ngũ thù để tiến hành giao dịch, không ít người còn tự đúc. Thế là Vương Mãng cho bắt người dùng tiền ngũ thù đày ra vùng biên giới, đồng thời lùng bắt những tư nhân đúc tiền, xã hội động loạn không yên.
          Tiền chuyên dụng “đại tuyền” “tiểu tuyền” chẳng qua chỉ 1 năm, Vương Mãng lại thay đổi. Thực hành chế độ “bảo hoá” 宝货 tức vàng, bạc, đồng, mai rùa, vỏ sò và bố tệ đều thành hoá tệ, đồng thời căn cứ trọng lượng và lớn nhỏ của chúng mà định ra những giá trị khác nhau.
          Những hoá tệ này phân thành 6 loại 28 chủng, khi sử dụng rất bất tiện: mai rùa, vỏ sò khi giao dịch phải lượng thước tấc, bố tệ phân làm 10 cấp, trọng lượng thực tế của mỗi cấp chỉ sai biệt 1 thù. Bách tính không biết chữ căn bản không phân biệt được. Mặc dù lưu thông bất tiện như thế, nhưng Vương Mãng vẫn dùng thủ đoạn để cưỡng chế chấp hành. Thậm chí ra lệnh, không mang bố tệ không được thông hành đường xa, công khanh đại quan khi vào cung phải kiểm tra có mang theo bên mình bố tệ hay không. Như vậy, gây nên vật giá tăng cao, kinh tế xã hội gặp phải sự phá hoại nghiêm trọng. Cuối cùng, chính quyền Vương Mãng bị sụp đổ trước sự tấn công của quân khởi nghĩa nông dân, Vương Mãng cũng bị giết chết.
          Trong lịch sử hoá tệ Trung Quốc, sự thay đổi chế độ tiền tệ của Vương Mãng là phức tạp rối rắm nhất, mang lại nạn tai cho bách tính mà trước đó chưa từng có. Nhưng, về khách quan mà nói, nó đã thúc đẩy việc nâng cao trình độ công nghệ đúc tiền.
          Tiền tệ thời Vương Mãng, chất đồng tốt, chế tác tinh xảo, lớn nhỏ nhất luật, văn tự đẹp. Nhất là kim thác đao, kĩ thuật kim thác đao vô cùng cao siêu, phát ra ánh sáng lấp lánh, cho nên người đời sau xem đó là loại công nghệ phẩm trân quý nên đã thu thập cất giữ. Kĩ thuật đúc hoá bố cũng rất cao siêu. Nó dài khoảng 2 thốn rưỡi, rộng 1 thốn, 4 đồng hợp lại vừa đúng 1 xích (1 xích thời Vương Mãng hợp với 0,231m ngày nay); cho dù có kiểm tra cả ngàn đồng, sự lớn nhỏ nặng nhẹ của chúng rất ít sai biệt, đến mức có người căn cứ vào bố tệ để xác định chế độ đo lường của đời Hán.
          Năm 25, sau khi Lưu Tú 刘秀 kiến lập chính quyền Đông Hán, đã dùng theo hoá tuyền 货泉thời Vương Mãng, đồng thời cho đúc nhiều hoá tuyền mới. Nhưng qua mười mấy năm sau, lại cho đúc lại tiền ngũ thù mới.
          Từ đó, tiền ngũ thù vẫn được các đời các triều sử dụng, mãi cho đến năm 621 (Đường Vũ Đức 唐武德 năm thứ 4) mới dừng. Tiền ngũ thù từ lúc Hán Vũ Đế sáng chế đầu tiên, lưu thông tổng cộng hơn 730 năm, nó được xem như một trong những loại hoá tệ có thọ mệnh dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.


Phụ lục của người dịch


Tiền ngũ thù


Khế đao


Kim thác đao

(Ảnh tư liệu trên mạng)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 25/6/2018

Nguyên tác Trung văn
TÙNG “TẦN BÁN LƯỢNG” ĐÁO NGŨ THÙ TIỀN
秦半两到五铢钱
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản) 
Previous Post Next Post