Dịch thuật: Từ tiền "Tần bán lượng" đến tiền ngũ thù

TỪ TIỀN “TẦN BÁN LƯỢNG” ĐẾN TIỀN NGŨ THÙ

          Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇thống nhất Trung Quốc, không chỉ là một sự kiện lớn trong lịch sử Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa trọng yếu về phương diện văn hoá hoá tệ của Trung Quốc. Tần Thuỷ Hoàng đã phế bỏ các loại hoá tệ thời kì Chiến Quốc, ban hành rộng rãi một loại tiền tròn bán lượng lỗ vuông. Loại hoá tệ này đã lưu hành hơn 2100 năm, có ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống xã hội.
          Trước khi Tần Thuỷ Hoàng diệt 6 nước, nước Tần đã lưu thông “bố tệ” 布币, về sau lại xuất hiện “hoàn tệ” 环币. Hoàn tệ của nước Tần khác với các nước khác, trên bề mặt có đúc chữ “lượng” (một số học giả cho rằng, lượng ở thời Tần hợp với 16, 14 gam ngày nay) và “chu” (tức “thù” . Thời Tần, 24 thù là 1 lượng). Đơn vị trọng lượng này, bắt đầu từ năm 336 trước công nguyên (Tần Huệ Văn Vương 秦惠文王năm thứ 2), việc đúc hoá tệ tập trung vào vương thất, cho nên trên bề mặt của hoá tệ không đúc địa danh nữa.
          Để thống nhất chế độ hoá tệ, Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh phế bỏ các loại hoá tệ địa phương được đúc từ trước bao gồm  cả bối tệ trong đó; đồng thời quy định phân hoá tệ mới thành 2 hạng: thượng và hạ. chất liệu của thượng tệ bằng vàng, đơn vị của nó là “dật” (20 lượng hoặc 24 lượng là 1 dật), chất liệu của hạ tệ bằng đồng, đơn vị là bán lượng, gọi là “bán lượng tiền” 半两钱, người đời sau căn cứ vào đó gọi nó là “Tần bán lượng” 秦半两. Thượng tệ dành cho đế vương ban thưởng hoặc dùng vào đại ngạch, hạ tệ dùng trong dân gian trong việc giao dịch tiểu ngạch.
          Nhưng, rốt cuộc Tần Thuỷ Hoàng thống nhất chế độ hoá tệ như thế nào, ví dụ nói, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất chủng loại và đơn vị hoá tệ, hay là cũng thống nhất luôn quyền đúc hoá tệ, đến nay vẫn chưa tìm được tư liệu minh xác.
          Theo lí mà nói, dưới thể chế chính trị tập quyền lúc bấy giờ, việc đúc và phát hành hoá tệ phải do nhà nước nắm giữ, nhưng nhìn từ bán lượng tiền được lưu lại, trọng lượng của chúng dường như không giống nhau, loại nhẹ nhất chỉ có 6 gam, loại nặng nhất vượt qua 20 gam, không như do quan gia đúc thống nhất. Còn như tỉ lệ đồng của nó, dường như cũng không thống nhất. Có người đã hoá nghiệm 2 đồng “bán lượng tiền”, hàm lượng đồng là 74,2% - 78,8%, kì dư là chì, thiếc. Xem ra, đương thời dùng các loại hàm lượng nguyên đồng  hoặc đồ đồng hiện thành sau khi nấu chảy đúc thành.
          Đối với tình hình này, một số học giả phân tích rằng, tuy Tần Thuỷ Hoàng ban bố tiêu chuẩn đo lường thống nhất, nhưng vào điều kiện lúc bấy giờ, rất khó quán triệt ngay lập tức. Hơn nữa, quan niệm giá trị của người thời đó vẫn chưa phát đạt mấy, người đúc tiền đối với trọng lượng và tỉ lệ đồng của tiền không coi trọng lắm, cho nên vấn đề đối với tiêu chuẩn đo lường không nhất trí, đồng thời không cho là một việc quan trọng.
          Một đặc điểm khác của “Tần bán lượng”, đó là mép của tiền không có đường gờ bảo vệ, lại thêm chữ trên bề mặt nổi cao, rất dễ bị mòn. Về điểm này nó giống với tiền tệ cổ Hi Lạp. Âu Châu sau 1000 năm mới biết tiền tệ kim loại cần dùng đồ án có đường gờ để bảo vệ đồ án bên trên của hoá tệ, mà đao tệ thời Chiến Quốc của Trung Quốc đã có thêm đường gờ. Từ đó đến thời Tây Hán đúc tiền ngũ thù trở đi, đường gờ trở thành một bộ phận không thể thiếu của hoá tệ Trung Quốc.
          Mặc dù tiền “Tần bán lượng” về phương diện trọng lượng, hàm lượng tỉ lệ không thống nhất, nhưng lại có một điểm thống nhất, đó là lỗ ở giữa đồng tiền đều là hình vuông.
          Trước đây, lỗ ở giữa đồng tiền mặc dù là nghĩ tị tiền 蚁鼻钱, đao tệ 刀币và hoàn tệ 环币, về cơ bản đều là tròn, “Tần bán lượng” lại thống nhất đổi sang thành vuông, đây là sự biến đổi lớn về hình chế đồng tiền tròn của Trung Quốc. Bố tệ và hoàn tệ mà nước Tần dùng trước đó, lỗ cũng hình tròn, tại sao Tần Thuỷ Hoàng lại đổi sang vuông?
          Có một cách giải thích: người xưa mang hoá tệ theo bên người, đem nó xỏ vào một khúc gỗ vuông, lỗ vuông có thể tránh được đồng tiền chuyển động va chạm khiến bị mòn. Cách giải thích này nhiều người chưa hài lòng. Bởi người thời cổ đa phần dùng sợi dây để xâu tiền lại, đồng thời nhân vì giá trị của nó không lớn, nên đối với việc đồng tiền bị mòn cũng không quan tâm lắm. Còn có một cách giải thích khác: thời cổ có một loại vũ trụ quan, cho rằng trời tròn đất vuông, đồng tiền bên ngoài là tròn , bên trong là vuông, có thể tượng trưng trời tròn đất vuông. Cách nói này có lí nhất định.
          Nhưng cách nói tương đối viên mãn, đó là đồng tiền với lỗ vuông có lợi cho việc chế tạo gia công. Phương pháp đúc tiền “Tần bán lượng” và đồng tiền trước đó là như nhau, cũng là dùng đất sét mịn làm khuôn (tức mô hình bằng đất), đem đồng đã nung chảy rót vào, khi nguội tháo khuôn ra có được đồng tiền. Lúc bầy giờ, đường viền của đồng tiền luôn dính chút phần thừa, hình thành khi rót đồng, cần phải bẻ gãy bỏ đi. Nếu lỗ là hình vuông, khi rót đồng chỉ cần gắn vào giữa một khúc cây hình vuông thì nó sẽ không chuyển động; sau khi lấy ra gia công thêm, nó cũng không chuyển động, công việc đương nhiên là thuận tiện hơn rất nhiều.
          Tuy nói trình độ kĩ thuật đúc tiền “Tần bán lượng” còn thấp, tiền tạo ra không được tinh mĩ, trọng lượng thực tế cũng không nhất trí, nhưng rốt cuộc lần đầu tiên nó đã đại thống nhất chủng loại và đơn vị hoá tệ của Trung Quốc. Dạng tiền ngoài tròn trong vuông này được dùng mãi cho đến thời Tuyên Thống 宣统 – vị hoàng đế cuối cùng của triều Thanh mới tuyên cáo kết thúc.
          Thời gian thống trị của triều Tần rất ngắn, chỉ được 15 năm. Về sau Lưu Bang 刘邦diệt triều Tần lên làm hoàng đế, trở thành người sáng lập triều Hán. Thế là, văn hoá hoá tệ Trung Quốc lại sang qua một chương mới.  (còn tiếp)

Phụ lục của người dịch 


Bố tệ thời Chiến Quốc - phương túc bố 


Bố tệ thời Chiến Quốc - tiêm túc bố 


Đao tệ nước Tề


Hoàn tiền thời Chiến Quốc 


Tần bán lượng 

(Ảnh tư liệu trên mạng)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 24/6/2018

Nguyên tác Trung văn
TÙNG “TẦN BÁN LƯỢNG” ĐÁO NGŨ THÙ TIỀN
秦半两到五铢钱
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản) 






Previous Post Next Post