Dịch thuật: Ban Cố biên soạn "Hán thư" (kì 3)

BAN CỐ BIÊN SOẠN “HÁN THƯ”
(kì 3)

          Khi xe của Cung Toại đến quận giới Bột Hải, quan viên trong quận nghe nói có một vị Thái thú mới đến nhậm chức, lập tức phái quân đội nghinh tiếp. Cung Toại bảo toàn bộ quân đội lui về, đồng thời ra một đạo công văn thông báo các huyện thuộc quận:
          Sớm triệt hồi toàn bộ quan lại đi truy bắt đạo tặc; phàm bách tính người nào cầm nông cụ bừa, liềm đều là lương dân, quan lại không được cho là đạo tặc để xử trí, chỉ những ai cầm binh khí mới có thể truy cứu.
          Sau khi công văn phát ra, Cung Toại không dẫn theo tuỳ tùng, một mình ngồi xe đến phủ quận. Công văn của ông nhanh chóng được triển khai ở các huyện, bách tính đều biểu thị ủng hộ, những người dân đói kết thành nhóm cũng  lần lượt giải tán; ngay cả những người vốn kết bè kết đảng cướp bóc hoặc chặn đường cướp đoạt, cũng cầm nông cụ trở lại để làm việc. Cung Toại thấy đạo tặc không còn hoạt động nữa, lập tức mở kho lương, lấy lương thực cho dân nghèo mượn, đồng thời chọn quan lại thanh liêm đi vỗ yên bách tính, để mọi người yên tâm sinh sống.
          Tiếp đó, Cung Toại bắt đầu trị lí quận Bột Hải. Kinh qua sự hiểu biết, Cung Toại phát hiện phong tục nơi đây xa xỉ, mọi người chú trọng kinh thương mà coi nhẹ sản xuất nông nghiệp, nhân đó lương thực thiếu nhiều, gặp phải lụt lội hạn hán, không tránh khỏi đói kém, thậm chí phát sinh động loạn.
          Đối với tình hình này, Cung Toại đi đầu trong việc tiết kiệm, khuyên bách tính chú trọng nông tang. Ông yêu cầu mỗi người trồng một cây du, bởi vỏ và lá của cây có thể dùng đỡ đói khi gặp tai hoang; lại trồng 100 gốc rau kiệu, 50 gốc hành, 1 luống hẹ; mỗi nhà nuôi 2 con heo, 5 con gà. Nếu phát hiện người nào mang đao kiếm, ông bảo họ bán kiếm đi mua trâu, bán đao đi mua nghé, đồng thời khuyên: “tại sao không mang trâu và nghé bên mình?”
          Gặp lúc mùa xuân mùa hạ, Cung Toại phái quan lại tuần thị các ruộng, đốc thúc nông dân không để mất thời cơ xuống ruộng canh tác. Đến mùa thu mùa đông, lại phái người đốc thúc bách tính thu hoạch kịp thời, còn động viên nhà nhà tích trữ thực vật như quả khô, củ ấu để phòng đói kém.
          Trải qua mấy năm cai trị, quận Bột Hải giàu lên. Bách tính an cư lạc nghiệp, phủ quan chất chứa dư dũ, xã hội ổn định, án kiện tố tụng cũng không còn.
          Tuyên Đế nghe Cung Toại trị lí tốt quận Bột Hải, bèn triệu ông về kinh đô để hỏi. Thuộc lại của Cung Toại là Vương Sinh 王生 thỉnh cầu cùng đi đến Trường An. Có người nói với Cung Toại, con người Vương Sinh trước giờ uống rượu thành ghiền, không biết tiết chế, hay là không cho ông ta đi theo. Cung Toại không nỡ cự tuyệt, vẫn để ông ta đi cùng.
          Đến kinh đô, Vương Sinh vẫn chỉ biết uống rượu. Ngày nọ, Cung Toại được triệu vào cung, Vương Sinh ngà ngà say nói với Cung Toại:
          - Giả như bề trên hỏi ngài sao trị lí Bột Hải được tốt, ngài chớ có nói nhiều, chỉ nói là hoàn toàn dựa vào uy đức của thánh thượng, chứ không phải cá nhân ngài có năng lực gì đâu.
          Cung Toại tiếp nhận ý kiến đó.
          Đến cung, quả nhiên Tuyên Đế hỏi Cung Toại sự việc ông làm thế nào mà trị lí Bột Hải tốt như thế. Cung Toại trả lời theo ý kiến của Vương Sinh. Tuyên Đế vui mừng khen ông rất khiêm tốn, đồng thời hỏi ông  học những lời đó từ đâu.
          Cung Toại thừa cơ đáp rằng:
          - Thần không biết phải nói như thế nào, là thuộc lại của thần bảo thần nói như thế.
          Tuyên Đế nghe qua rất vui, cho rằng dưới tay Cung Toại có người có tài năng. Suy nghĩ thấy tuổi của ông đã cao, không thích hợp gánh vác nhiệm vụ công khanh nặng nề, bèn để ông làm Thuỷ hành đô uý 水衡都尉, nắm giữ Thượng lâm uyển, kiêm bảo quản tài vật và việc đúc tiền của hoàng cung; cho Vương Sinh làm Thuỷ hành thừa 水衡丞 giúp việc cho Cung Toại. Từ đó, Cung Toại luôn được Tuyên Đế coi trọng. Ông mất lúc đang nhậm chức.
          Đó chính là câu chuyện về Cung Toại trị lí quận Bột Hải. Những gì mà Cung Toại làm, mục đích đương nhiên là để củng cố sự thống trị phong kiến của vương triều, nhưng ông ta có thể hiểu và thương xót dân tình, phát triển sản xuất, ổn định trật tự xã hội, có những chỗ tốt đối với bách tính. Quan viên giống Cung Toại là người mà đế vương phong kiến cần, nhân đó Ban Cố đã xem ông là một nhân vật chính trực biết quan tâm đến vận mệnh quốc gia để đưa vào trong Hán thư.
          Điều bất hạnh là, Ban Cố sau khi trên cơ sở hoàn thành công việc biên soạn Hán Thư đã bị cuốn vào cuộc đấu tranh chính trị của vương thất. Do bởi chỗ dựa vững chắc của ông bị bức tự sát, ông cũng bị kẻ thù bắt năm năm Vĩnh Nguyên 永元 thứ 4 đời Hoà Đế 和帝 (năm 92), chẳng bao lâu chết trong ngục.
          Sau khi Ban Cố qua đời, bộ Hán thư mà ông biên soạn hãy còn 8 biểu và Thiên văn chí 天文志chưa hoàn thành. Hoà Đế biết em gái Ban Chiêu 班昭 của ông rất có tài học, liền triệu vào cung để tiếp tục biên soạn Hán thư. Nhưng, Ban Chiêu chỉ hoàn thành được 8 biểu, cho nên về sau Hoà Đế lại sai Mã Tục 马续  bổ sung Thiên văn chí. Cuối cùng bộ Hán thư được hoàn thành.
          Lúc bộ Hán thư mới hoàn thành, nhân vì trong sách có nhiều chữ cổ, văn cổ, học giả thông thường không thể đọc thông toàn bộ, thế là Hoà Đế lại lệnh cho Ban Chiêu giảng giải cho các học giả. Nhân đó, Ban Chiêu không chỉ tham gia công tác biên soạn Hán thư, mà còn là người đầu tiên giảng giải và truyền bá Hán thư. (hết)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 15/4/2018

Nguyên tác Trung văn
BAN CỐ BIÊN “HÁN THƯ”
班固编汉书
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản) 
Previous Post Next Post