Dịch thuật: Ban Cố biên soạn "Hán thư" (kì 2)

BAN CỐ BIÊN SOẠN “HÁN THƯ”
(kì 2)

          Bộ Hán thư 汉书có tổng cộng 100 thiên, phân thành 120 quyển ước khoảng 80 vạn chữ. Nó chủ yếu ghi chép lịch sử 230 năm từ Hán Cao Tổ nguyên niên (năm 206 trước công nguyên) đến năm Địa Hoàng 地皇thứ 4 đời Vương Mãng 王莽(năm 23), từ các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, dân tộc ... phản ánh diện mạo xã hội đương thời.
          Hán thư cũng giống như Sử kí, đều là sử thư theo thể kỉ truyện. Ngoài bộ trước là sử đồng đại, bộ sau là thông sử, còn có những chỗ bất đồng khác. Ví dụ như kí sự của Sử kí phân làm 5 bộ phận: bản kỉ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện, còn Hán thư bỏ bộ phận thế gia, chỉ còn 4 bộ phận: bản kỉ, biểu, chí, liệt truyện. Trong đó “chí” chính là phần “thư” trong Sử kí. Cho nên đổi là “chí” là để không bị trùng với “thư” của “Hán thư”.
          Tại sao Ban Cố lại bỏ bộ phận thế gia? Đó là bởi vì thế gia trong Sử kí, chủ yếu là ghi chép lịch sử của các chư hầu quốc thời kì Xuân Thu Chiến Quốc. Những năm đầu thời Tây Hán tuy cũng có chư hầu quốc, nhưng quyền lực của chư hầu quốc rất yếu, về sau cũng không tồn tại, cho nên không cần đưa vào. Đây là tình huống phù hợp với lịch sử đương thời.
          10 thiên chí trong Hán thư, lấy theo 8 thiên thư trong Sử kí, lại đối với 8 thiên thư tiến hành tổ hợp và bổ sung. Trong đó tăng thêm 4 thiên chí, trừ Ngũ hành chí 五行志nói về mê tín, không có giá trị gì, các phần khác đều có giá trị lịch sử, như Nghệ văn chí 艺文志, tổng thuật các học phái, nguồn gốc các học khoa, ghi chép tình hình tàng thư của hoàng gia thời Tây Hán, là văn hiến trọng yếu của lịch sử văn hoá cổ đại Trung Quốc; Địa lí chí 地理志thuật lại diên cách địa lí từ thời viễn cổ đến thời Tây Hán, cùng núi sông, hộ khẩu, phong thổ và tình hình giao thông hải ngoại; Hình pháp chí 刑法志ghi lại tình hình lập pháp đặt hình thời cổ.
          Lập trường chính thống phong kiến của Ban Cố rất rõ ràng, tư tưởng có khuynh hướng tương đối bảo thủ, không như Tư Mã Thiên có quan điểm tương đối tiến bộ, điều này phản ánh rõ trong Hán thư. Đối với một số nhân vật có tinh thần phản kháng, Ban Cố đa phần lấy thái độ phủ định; trong sách còn có không ít những lời thuyết giáo mê tín phong kiến như “vương quyền thiên thụ” 王权天授 (vương quyền trời ban cho). Nhưng đối với một số nhân vật chính trực kiên trì khí tiết dân tộc, kiên cường dũng cảm, quan tâm vận mệnh đất nước, Ban Cố đều ca tụng; còn đối với những kẻ tàn hại bách tính, mưu lợi lộc riêng tư, ở một trình độ nhất định, ông vạch trần và châm biếm.
          Ban Cố vừa là một sử học gia, vừa là một văn học gia.Truyện kí của ông kết cấu chặt chẽ, ngôn ngữ tinh luyện, đồng thời có thể thông qua đối thoại và miêu tả tỉ mỉ, biểu hiện được diện mạo tinh thần của nhân vật, từ đó khiến Hán thư giống như Sử kí, trở thành mẫu mực của văn học truyện kí. Cung Toại truyện 龚遂传 chính là một thiên trong đó.
          Cung Toại 龚遂 là người huyện Bình Dương平阳 phía nam quận Sơn Dương 山阳 (nay là huyện Trâu tỉnh Sơn Đông 山东), ông thông hiểu kinh sử, đảm nhậm chức Lang trung lệnh tại nước Xương Ấp 昌邑 (chức quan cao cấp năm giữ môn vệ cung điện và thị tùng), phục vụ người cháu của Hán Vũ Đế là Xương Ấp vương Lưu Hạ 刘贺. Hành vi của Lưu Hạ rất không chính đáng, Cung Toại thường thẳng thán can gián, đồng thời trước mặt chỉ ra những chỗ không đúng, nhưng Lưu Hạ không nghe, bịt tai bỏ trốn.
          Một lần nọ, Cung Toại nghe nói Lưu Hạ lại đang cùng nô bộc ăn uống vui chơi, bèn vào cung khuyên răn. Ông quỳ xuống đất, nước mắt đầm đìa, nhỏ giọng khóc lóc. Lưu Hạ hỏi rằng:
          - Sao ông lại khóc?
          Cung Toại đáp:
          - Thần lo buồn cho đất nước gặp hiểm nguy!
          Tiếp đó, đem những sự tình phát sinh trong lịch sử, khuyên Lưu Hạ không nên thân cận tiểu nhân, đồng thời kiến nghị chọn một số người tinh thông Nho học, cùng Lưu Hạ đọc sách và học tập lễ nghi. Lưu Hạ liền đáp ứng. Nhưng chẳng được mấy ngày, đã đuổi hết những người mà Cung Toại mời đến.
          Lưu Hạ kế vị, hoang dâm hôn loạn, chỉ làm hoàng đế được 27 ngày bị các đại thần phế truất, để Tuyên Đế 宣帝lên ngôi. Những quan viên mà Lưu Hạ từ Xương Ấp đưa đến, nhân vì dung túng họ làm những việc bất đạo bị xử tử, tổng cổng hơn 200 người. Chỉ có Cung Toại và một vị quan nọ nhân vì từng nhiều lần khuyên gián Lưu Hạ, làm trọn chức trách, nên xử lí nhẹ bị gọt tóc, phạt khổ dịch đi xây thành 4 năm.
          Qua mấy năm, mấy quận huyện phụ cận quận Bột Hải 渤海(nay là phía đông nam thành phố Thương Châu 沧州 tỉnh Hà Bắc 河北) bị thiên tai, dân đói lần lượt nổi dậy tạo phản, Thái thú không thể ra tay dẹp. Tuyên Đế cần chọn một người có thể cai trị Bột Hải. Thừa tướng và Ngự sử tiến cử Cung Toại, Tuyên Đế liền triệu Cung Toại vào cung để hỏi.
          Trong mắt Tuyên Đế, Cung Toại là người rất có uy thế. Nhưng gặp mặt mới phát hiện ông ta đã hơn 70 tuổi, dáng người thấp bé, tướng mạo bình thường, nên có chút coi thường, hỏi rằng:
          - Quận Bột Hải pháp kỉ lỏng lẻo, dân đói gây loạn, trật tự hỗn loạn, ta rất lo. Khanh tính dùng cách gì để dẹp yên phản loạn nơi đó để cho ta yên tâm?
          Cung Toại đáp rằng:
          - Bột Hải xa tận miền biển, bách tính nơi đó chưa nhận được sự giáo hoá của hoàng triều, không hiểu lễ nghi. Gần đây lại phát sinh tai ương, quan lại nơi đó lại không biết thương xót, cho nên buộc họ phải nổi dậy. Đây hoàn toàn không phải là họ có lòng phản loạn! không biết hoàng thượng muốn thần đi trấn áp họ, hay là đi vỗ yên họ?
          Tuyên Đế nghe lời đáp của Cung Toại, vô cùng hài lòng, nói rằng:
          - Ta tuyển chọn hiền lương, bản ý là để vỗ yên bách tính đó.
          Cung Toại nói rằng:
          - Trị loạn dân cũng giống như gỡ dây rối, không thể gấp được, chỉ có từ từ mới có thể làm tốt sự tình. Thần thỉnh cầu triều đình tạm thời không nên dùng điều văn pháp lệnh thông thường để trói buộc thần, để thần căn cứ tình hình thực tế mà xử trí.
          Tuyên Đế đồng ý với lời thỉnh cầu của Cung Toại, phái ông đến quận Bột Hải làm Thái thú, đồng thời thưởng cho rất nhiều tiền tài. (còn tiếp)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 14/4/2018

Nguyên tác Trung văn
BAN CỐ BIÊN “HÁN THƯ”
班固编汉书
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản) 
Previous Post Next Post