Dịch thuật: Ban Cố biên soạn "Hán thư" (kì 1)

BAN CỐ BIÊN SOẠN “HÁN THƯ”
(kì 1)

          Tại Trung Quốc cổ đại, kẻ thống trị phong kiến xem sử thư viết theo thể kỉ truyện, lấy truyện kí các vị quân chủ làm cương lĩnh là “chính sử”. Đến đời Thanh, lại quy định phàm những bộ sử nào chưa được sự phê chuẩn của hoàng đế, không thể xếp vào “chính sử”, đồng thời xác định nhị thập tứ sử (1) là “chính sử”.
          Gọi là nhị thập tứ sử, tức tổng xưng bộ Sử kí 史记 cộng với 23 bộ sử thư của các triều đại từ đời Hán trở về sau. 24 bộ sử thư này, phản ánh lịch sử gần 5000 năm từ Hoàng Đế 黄帝trong truyền thuyết đến đời Minh, hơn nữa đều là thể tài sử thư lấy truyện kí các vị quân chủ làm trung tâm.
          Nhị thập tứ sử tuy nói đều là thể kỉ truyện, nhưng về nội dung kí sự vẫn có chỗ không giống nhau. Kí sự của Sử kí khởi đầu từ Hoàng Đế trong truyền thuyết đến Vũ Đế thời Tây Hán, viết về lịch sử các triều đại tổng cộng 3000 năm, có thể nói là bộ sử thư thông quán cổ kim, cũng tức là thuộc tính chất thông sử. 23 bộ sử thư kí thì khác, về cơ bản lấy triều đại làm giới hạn, cho nên thuộc về sử đồng đại.
          Bộ sử đồng đại theo thể kỉ truyện đầu tiên của Trung Quốc là bộ Hán thư 汉书 do sử học gia nổi tiếng thời Đông Hán là Ban Cố 班固 biên soạn. Hán thư ghi chép lịch sử thời Tây Hán. Từ sau khi nó được biên soạn thành, lấy đồng đại làm thể lệ sử thư, đã trở thành hình thức tiêu chuẩn để các đời sau biên soạn “chính sử”. Cho nên, trong lịch sử sử học, ảnh hưởng của nó rất lớn.
          Ban Cố là người An Lăng 安陵quận Phù Phong 扶风  (nay là phía đông thành phía đông thành phố Hàm Dương 咸阳 tỉnh Thiểm Tây 陕西), sinh vào năm Kiến Vũ 建武thứ 8 đời Hán Quang Vũ Đế 汉光武帝 (năm 32). Phụ thân Ban Bưu 班彪 là vị đại sư Nho học nổi tiếng, trong nhà có tàng thư phong phú do hoàng gia tứ thưởng, lại rất có tiền, nhiều nhà nghiên cứu học vấn đương thời đều từ phương xa đến nhà ông tìm tòi nghiên cứu. Quang Vũ Đế Lưu Tú 刘秀cũng rất biết thưởng thức tài học của ông, đặc biệt xuống chiếu triệu kiến, đồng thời trao cho chức quan.
          Lúc vãn niên, Ban Bưu chuyên tâm nghiên cứu lịch sử. Ông rất tán thưởng bộ Sử kí của Tư Mã Thiên 司马迁, nhưng lịch sử mà bộ sử này ghi chép chỉ đến thời Hán Vũ Đế, sau đó không viết gì thêm nữa. Một số học giả đương thời từng sưu tập sử liệu, tục bổ Sử kí, nhưng Ban Bưu cho rằng trình độ trứ thuật của những người này rất thấp, có người còn khen ngợi vương triều Tân, một chính quyền soán đoạt. Vì thế, ông đã biên soạn hơn 100 thiên Sử kí hậu truyện 史记后传.
          Được sự nuôi dưỡng của Ban Bưu, Ban Cố từ nhỏ đã có được sự giáo dục rất tốt. Lên 9 tuổi đã thuộc biết thi phú, đồng thời có thể viết thành bài văn. Năm 13 tuổi, Ban Cố tại kinh đô Lạc Dương 洛阳 gặp được Vương Sung 王充, người mà sau này trở thành một học giả nổi tiếng. Đương thời Vương Sung đang học ở  nhà Thái Học 太学, là học trò của Ban Bưu, khi tiếp xúc với Ban Cố, Vương Sung phát hiện thiếu niên này có thiên phú kinh người, liền trước mặt Ban Bưu khen ngợi Ban Cố:
          - Thằng bé này tương lai nhất định có thể biên chép lịch sử cho nhà Hán!
          Năm Kiến Vũ thứ 23 (năm 47), Ban Cố 15 tuổi được vào học tại nhà Thái Học. Người mà có thể vào học tại phủ học học tối cao này, đương nhiên không chỉ nhân vì có tài học, mà còn nhân vì người đó xuất thân từ gia đình hiển quý. Thời gian Ban Cố học tại nhà Thái Học khoảng 7 năm. Trong thời gian đó, Ban Cố học những trứ tác kinh điển của Nho học, đối với học thuyết của bách gia cũng tiến hành nghiên cứu rộng rãi. Dưới ảnh hưởng của phụ thân, về sau Ban Cố chuyển hướng nghiên cứu lịch sử triều Hán.
          Năm Ban Cố 22 tuổi, phụ thân bệnh và qua đời. Theo lễ tục thời đó, phụ mẫu qua đời, người con phải ở nhà thủ hiếu 3 năm. Thế là Ban Cố không thể không rời nhà Thái Học, về lại quê nhà An Lăng.
          Thời gian thủ hiếu, Ban Cố tiếp tục chuyên tâm nghiên cứu lịch sử, sưu tập nhiều tư liệu, đồng thời manh nha ý tưởng biên soạn Hán thư. Một mặt nhân vì muốn kế thừa sự nghiệp của phụ thân, có sáng tác về sử học, mặt khác nhân vì gia đình và vương triều Hán có mối quan hệ thần thuộc nối đời, trong lòng muốn làm một việc lớn có ích cho vương thất.
          Nhưng, không chuẩn bị giống như phụ thân, chỉ đối Sử kí làm công tác bổ sung. Cái mà Ban Cố chuẩn bị là một bộ sử đời Hán tương đối hoàn bị. Như vậy đồng thời với việc chỉnh lí bộ Sử kí hậu truyện của phụ thân, Ban Cố bắt đầu công việc biên soạn bộ Hán thư.
          Năm Vĩnh Bình 永平thứ 5 đời Minh Đế 明帝 (năm 62), đương lúc Ban Cố biên soạn bộ Hán thư, có người dâng thư lên triều đình tố cáo Ban Cố sửa đổi quốc sử. Nguyên lai là lúc bấy giờ Minh Đế đã tổ chức một nhóm người bắt đầu biên soạn quốc sử, nghe nói Ban Cố tự ý biên soạn Hán thư riêng cho mình, cho là có ý bất lương, cho nên lập tức lệnh cho quận Phù Phong bắt Ban Cố, nhanh chóng đưa về kinh thành thẩm vấn: những bản thảo đều bị kiểm tra và phong kín. Ban Cố liền bị áp giải đến Lạc Dương.
          Cả nhà Ban Cố vô cùng căng thẳng, tuy nói mục đích biên soạn Hán thư của Ban Cố là để dựng bia ghi tạc vương triều Hán, nhưng trong văn tự hay là có chỗ sơ suất, thật khó mà đoán định. Lỡ có chỗ xúc phạm bề trên thì coi như hỏng việc.
          Em trai Ban Cố là Ban Siêu 班超sợ anh trai bị oan khuất, vội đến Lạc Dương dâng thư lên Minh Đế, trình bày Ban Cố chỉ kế thừa sự nghiệp mà phụ thân chưa hoàn thành, tiếp tục ghi chép về lịch sử triều Hán Mà thôi, hoàn toàn không hề có ý đồ bất lương.
          Lúc bấy giờ, quận Phù Phong đem bản thảo của Ban Cố giao cho triều đình. Minh Đế xem qua thư của Ban Siêu, lại đọc bản thảo của Ban Cố, cảm thấy Ban Cố đang tuyên dương công đức của nhà Hán, tài năng về phương diện sử học khác với người ta, liền không chỉ không phán xử, mà còn nhậm mệnh Ban Cố làm Lan Đài Lệnh sử 兰台令史.
          Lan Đài 兰台là nơi tàng trữ thư tịch của hoàng gia đời Hán, lập 6 Lệnh sử nắm giữ thư tịch, hiệu định bí thư. Điều này khiến Ban Cố nhân hoạ mà được phúc, có cơ hội tiếp xúc các loại thư tịch, cung cấp điều kiện vô cùng có lợi cho Ban Cố sau này biên soạn bộ Hán thư.
          Trải qua một thời gian làm việc, sử tài của Ban Cố biểu hiện ra. Thế là Minh Đế bảo Ban Cố tiếp tục biên soạn Hán thư. Do bởi được sự phê chuẩn của hoàng thượng, Ban Cố tập trung tinh lực trứ thuật. Đến năm Kiến Sơ 建初thứ 7 đời Chương Đế 章帝 (năm 82), bộ Hán thư cuối cùng cơ bản được hoàn thành, trước sau mất 25 năm. (còn tiếp)

Chú của người dịch
NHỊ THẬP TỨ SỬ
         Nhị thập tứ sử là tổng xưng 24 bộ chính sử cổ đại do các triều đại của Trung Quốc biên soạn, gồm:
1- Sử kí 史记: Tư Mã Thiên 司马迁 (Tây Hán)
2- Hán Thư 汉书: Ban Cố 班固 (Đông Hán)
3- Hậu Hán Thư 后汉书: Phạm Việp 范晔 (Nam triều)
4- Tam Quốc Chí 三国志: Trần Thọ 陈寿 (Tây Tấn)
5- Tấn Thư 晋书: nhóm Phòng Huyền Linh 房玄龄 (Đường)
6- Tống Thư 宋书: Thẩm Ước 沈约 (Lương)
7- Nam Tề Thư 南齐书: Tiêu Tử Hiển 萧子显 (Lương)
8- Lương Thư 梁书: Diêu Tư Liêm 姚思廉 (Đường)
9- Trần Thư 陈书: Diêu Tư Liêm 姚思廉 (Đường)
10- Nguỵ Thư 魏书: Nguỵ Thu 魏收 (Bắc Tề)
11- Bắc Tề Thư 北齐书: Lí Bách Dược 李百药 (Đường)
12- Chu Thư 周书: nhóm Lệnh Hồ Đức Phần 令狐德棻 (Đường)
13- Tuỳ Thư 隋书: nhóm Nguỵ Trưng 魏徵 (Đường)
14- Nam Sử 南史: Lí Diên Thọ 李延寿 (Đường)
15- Bắc Sử 北史: Lí Diên Thọ 李延寿 (Đường)
16- Cựu Đường Thư 旧唐书: nhóm Lưu Hu 刘昫 (Hậu Tấn)
17- Tân Đường Thư 新唐书: Âu Dương Tu 欧阳修, Tống Kì 宋祁 (Tống)
18- Cựu Ngũ Đại Sử 旧五代史: nhóm Tiết Cư Chính 薛居正 (Tống)
19- Tân Ngũ Đại Sử 新五代史: Âu Dương Tu 欧阳修 (Tống)
20- Tống Sử 宋史: nhóm Thoát Thoát 脱脱 (Nguyên)
21- Liêu Sử 辽史: nhóm Thoát Thoát 脱脱 (Nguyên)
22- Kim Sử 金史: nhóm Thoát Thoát 脱脱 (Nguyên)
23- Nguyên Sử 元史: nhóm Tống Liêm 宋濂, Vương Huy 王褘 (Minh)
24- Minh Sử 明史: nhóm Trương Đình Ngọc 张廷玉 (Thanh)
Nguồn

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 13/4/2018

Nguyên tác Trung văn
BAN CỐ BIÊN “HÁN THƯ”
班固编汉书
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản) 
Previous Post Next Post