望祭文丞相文
相国文公再被执时, 予尝为文生祭之. 已而庐陵张千载心弘毅, 自燕山持相发与齿归, 垂相既得死矣. 呜呼, 痛哉! 谨痛哭望奠, 再致一言.
呜呼! 扶颠持危, 文山, 诸葛. 相国虽同, 而公死节. 倡义举勇, 文山, 张巡. 杀身不异, 而公秉钧. 名相烈士, 合于一传. 三千年间, 人不两见.
事缪身执, 义当勇决. 祭公速公, 童子易箫. 何知天意, 佑忠怜才. 留公一死, 易水金台. 乘气轻命, 壮士其或. 久而不易, 雪霜松柏. 嗟哉文山, 山高水深. 难回者天, 不负者心. 常山之舌, 侍中之血.
日月韬光, 山河改色. 生为名臣, 没为列星. 凛然劲气, 为风为霆. 干将莫邪, 或既良冶, 出世则神, 入土不化. 今夕何夕? 斗转河斜, 中有光芒, 非公也邪?
(王炎午)
VỌNG
TẾ VĂN THỪA TƯỚNG VĂN
Tướng quốc Văn Công tái bị chấp thời,
dư thường vị Văn sinh tế chi. Dĩ nhi Lư Lăng Trương Thiên Tải Tâm Hoằng Nghị, tự
Yên sơn trì Tướng phát dữ xỉ quy, thuỳ Tướng kí đắc tử hĩ. Ô hô, thống tai! Cẩn
thống khốc vọng điện, tái trí nhất ngôn.
Ô hô! Phù điên trì nguy, Văn Sơn, Chư Cát. Tướng quốc tuy đồng, nhi Công tử tiết. Xướng
nghĩa cử dũng, Văn Sơn, Trương Tuần. Sát thân bất dị, nhi Công bỉnh quân. Danh tướng liệt sĩ, hợp vi nhất truyện. Tam
thiên niên gian, nhân bất lưỡng kiến.
Sự mậu thân chấp, nghĩa đương dũng quyết.
Tế Công tốc Công, đồng tử dị tiêu. Hà tri thiên ý, hựu trung lân tài. Lưu Công
nhất tử, Dịch thuỷ Kim đài. Thừa khí khinh mệnh, tráng sĩ kì hoặc. Cửu nhi bất
dịch, tuyết sương tùng bách. Ta tai Văn Sơn, sơn cao thuỷ thâm. Nan hồi giả
thiên, bất phụ giả tâm. Thường Sơn chi thiệt, Thị trung chi huyết.
Nhật nguyệt thao quang, sơn hà cải sắc.
Sinh vi danh thần, một vi liệt tinh. Lẫm nhiên kính khí, vi phong vi đình. Can
Tương Mạc Da, hoặc kí lương dã, xuất thế tắc thần, nhập thổ bất hoá. Kim tịch
hà tịch? Đẩu chuyển Hà tà, trung hữu quang mang, phi Công dã da?
(Vương Viêm Ngọ)
Chú thích
1- Trương Thiên
Tải Tâm Hoằng Nghị 张千载心弘毅:
Trương Hoằng Nghị 张弘毅, tự Nghị Phủ 毅父,
cũng viết là 毅甫, biệt hiệu Thiên Tải Tâm 千载心,
đồng hương và cũng là bạn thân với Văn Thiên Tường 文千祥.
Văn Thiên Tường bị bắt giam ở Yên Kinh 燕京,
Trương Hoằng Nghị theo người Yên, đến ở gần chỗ Văn Thiên Tường bị giam đưa cơm
nước cho ông. Sau khi Văn Thiên Tường hi sinh vì nghĩa lớn, Trương Hoằng Nghị
lén mang đầu và hài cốt của Văn Thiên Tường đem về Nam , giao cho gia đình mai táng.
Trong tiểu tự có nói Trương Thiên Tải Tâm
Hoằng Nghị, tự Yên sơn trì Tướng phát dữ xỉ quy tức chỉ sự kiện này.
2- Vọng điện 望奠:
Vọng 望: xa; Vọng điện tức “dao tế” 遥祭
(từ xa mà tế), ý nói không tế trước linh cữu.
3- Nhất ngôn 一言: chỉ bài văn tế
Vọng tế Văn Thừa Tướng văn. Nhất ngôn
一言 là nói cách nói khiêm tốn về bài văn của mình, ngắn
và khó bày tỏ hết tình cảm. Nhân vì ở trên có nói “vị Văn sinh tế chi” 为文生祭之, cho nên ở đây mới viết “tái trí nhất ngôn” 再致一言.
4- Hai câu:
“phù điên ...”:
Phù
điên trì nguy 扶颠持危: xuất xứ từ Luận
ngữ - Quý thị 论语 - 季氏:
Khổng Tử viết: ‘..... nguy nhi bất trì, điên
nhi bất phù, tắc tương yên dụng bỉ tướng hĩ?’.”
孔子曰: ‘..... 危而不持, 颠而不扶, 则相焉用彼相矣?’
Ý là
“người mắt mờ đứng không vững mà không chịu đỡ, người mắt mờ té ngã mà không chịu
nâng dậy, thế thì cần gì phải nhờ người đó nâng đỡ người khác?”. “Tướng” 相 trong “bỉ tướng” 彼相
là chỉ người mắt mờ đi đường ; về sau chữ “tướng” trong “Tể tướng” 宰相 “Thừa tướng” 丞相
là phát triển ra từ đó, tức người phò tá quân vương. “Phù điên trì nguy” tức
nói khi đất nước và quân vương gặp lúc gian nan nguy cấp, theo lí Tể tướng phải
giúp nước giúp quân vương, đó là trách nhiệm không đổ cho ai được. (*)
Văn Sơn 文山: hiệu của Văn Thiên Tường.
Kim thiên hạ tam phân, Ích Châu bì tệ, thử thành nguy cấp tồn vong chi
thu dã ..... thụ nhậm vu bại quân chi tế, phụng mệnh vu nguy nan chi gian.
今天下三分, 益州疲弊, 此诚危急存亡之秋也. ..... 受任于败军之际, 奉命于危难之间.
(Nay thiên hạ chia ba, Ích
Châu mỏi mệt, quả là đương lúc nguy cấp một mất một còn ..... nhậm mệnh lúc đội
quân thất bại, phụng mệnh lúc tình thế nguy nan.)
Văn
Thiên Tường và Chư Cát Lượng đều ở lúc đất nước nguy nan, dốc hết sức phò trì.
Cả hai người đều là Tướng, nhưng Chư Cát Lượng mất do vì tích lao thành tật,
còn Văn Thiên Tường thì tuẫn quốc tựu nghĩa. Cho nên ở dưới viết: “Tướng quốc
tuy đồng, nhi Công tử tiết”.
5- Công 公: gọi một cách
tôn kính đối với Văn Thiên Tường.
Tử tiết 死节: giống “tử nghĩa” 死义,
giữ tiết nghĩa mà chết. Trong Sử kí – Cấp
Ảm truyện 史记 - 汲黯传 có ghi:
Hoài Nam Vương mưu phản, đạn Ảm, viết: “Háo
trực gián, thủ tiết nghĩa tử, nan hoặc dĩ phi.”
淮南王谋反, 惮黯, 曰: “好直谏, 守节义死难惑以非.
(Hoài
Nam Vương mưu phản, sợ Ảm, nói rằng: “Thích thẳng thắn can gián, giữ tiết nghĩa
mà chết, khó lấy điều sai trái mà mê hoặc ông ta được.)
Ở đây
so sánh với Chư Cát Lượng, làm nổi bật sự vĩ đại của Văn Thiên Tường, thực là hạ
Khổng Minh mà nâng Thiên Tường, suy xét kĩ có thể thấy được.
6- Trương Tuần 张巡 (709 – 757):
người Nam Dương 南阳 Đặng Châu 邓州 (nay là thành phố
Nam Dương, Hà Nam ).
Đỗ Tiến sĩ cuối thời Khai Nguyên 开元, từ Thái tử thông sự
xá nhân 太子通事舍人ra làm Thanh Hà huyện lệnh 清河县令, rồi Chân Nguyên huyện lệnh 真源县令. Năm sau An Lộc
Sơn 安禄山 phản Đường (năm 756), ông khởi binh chống lại. Sau
cùng với Nam Dương Thái thú là Hứa Viễn 许远
giữ Tuy Dương 睢阳 (nay là thành phố Thương Khâu 商丘 Hà Nam
河南). Được bái làm Ngự sử trung thừa. Thành Tuy Dương bị
vây mấy năm. Trương Tuần kiên thủ kháng cự, sau vì lương thực cạn kiệt, không
được cứu viện nên rơi vào tình thế khốn cùng. Trương Tuần cùng hơn 30 bộ tướng
cùng gặp nạn. Sự kiện này được chép trong tân, cựu Đường thư 唐书; trong Trương
Trung thừa truyện hậu tự 张中丞传后序 của Hàn Dũ 韩愈 có ghi chép bổ
sung.
7- Sát thân bất
dị 杀身不异: ý nói Văn Thiên Tường và Trương Tuần đều vì nước mà chết.
Bỉnh quân 秉钧: bỉnh 秉 là cầm, nắm; quân 钧 là cân. “Bỉnh quân” là cầm cân, ý nói mọi việc nặng
nhẹ của đất nước đều xuất phát từ tay của họ. Bỉnh quân tức nắm giữ quyền Tể tướng.
Chức quan của Trương Tuần là Ngự sử trung thừa, còn Văn Thiên Tường là Thừa tướng,
cho nên nói “bỉnh quân”. Hai chữ “bỉnh quân” dùng rất thích hợp xác đáng. Đây
là so sánh với Trương Tuần, làm nổi bật chức quan cao của Văn Thiên Tường, cũng
thực là hạ Trương Tuần mà nâng Thiên Tường.
8- Danh tướng
.... hai câu: thể lệ sử truyện nói chung là danh tướng lập riêng một loại kí
truyện, trung liệt nghĩa sĩ lập riêng một loại kí truyện, đặc điểm của hai loại
kí truyện này khác nhau. Văn Thiên Tường vừa là danh tướng vừa là liệt sĩ, nếu
sử gia lập truyện cần phải gồm đủ đặc điểm của danh tướng và liệt sĩ.
9- Tam thiên 三千: không phải thực
chỉ, chỉ nói chung là nhiều.
Tam thiên niên gian 三千年间: giống như
nói “từ xưa tới nay”
Nhân bất lưỡng kiến 人不两见: ý nói tìm
không ra người thứ hai như Văn Thiên Tường.
10- Sự mậu 事缪: ý nói việc nước
trắc trở không thuận, ý nguyện “phù điên trì nguy” mà mà thực hiện. Chữ 缪 thông với chữ 谬.
Thân chấp 身执: thân thể bị giam cầm. “Chấp” dùng theo cách bị động.
Tháng 12 năm Cảnh Viêm 景炎 thứ 3 đời Tống Cảnh
Đế 宋景帝 (năm 1278), Văn Thiên Tường tại Hải Phong 海风 (nay là huyện Hải Phong, Quảng Đông) bại binh bị bắt.
Nghĩa đương
dũng quyết 义当勇决: theo đạo nghĩa mà nói là phải lấy cái dũng tự sát.
“Quyết” 决: tự sát .
11- Tế Công tốc
Công 祭公速公:
Tế Công 祭公: chỉ bài Sinh tế
Văn Thừa tướng văn 生祭文丞相文 (văn tế sống Văn Thừa tướng).
Tốc Công 速公: ý nói đã thúc Văn Thiên Tường tuẫn quốc.
Đồng tử dịch tiêu 童子易箫: điển xuất từ Lễ
Kí – Đàn Cung 礼记 - 檀弓, Tăng Sâm 曾参 người nước Lỗ thời Xuân Thu, lúc sắp mất, do bởi chiếu
nằm quá hoa mĩ, không hợp với lễ chế đương thời, một đồng tử bên cạnh giường bệnh
của Tăng Sâm biểu thị sự kinh ngạc. Tăng Sâm liền sai con là Tăng Nguyên 曾元 đỡ mình dậy để thay chiếu; vừa thay xong thì Tăng Sâm
qua đời. Về sau dùng “dịch tiêu” 易箫 để ví người sắp mất.
Ở đây Vương Viêm Ngọ tự ví mình với đồng tử, lấy Tăng Sâm để ví Văn Thiên Tường,
ý nói, ông viết “Sinh tế Văn Thừa tướng văn” 生祭文丞相文 đã thúc Văn Thiên Tường tuẫn quốc tựu nghĩa.
Dịch 易:
thay; tiêu 箫: chiếu trúc.
12- Hựu 佑: bảo hộ, phụ trợ.
Lân 怜: yêu mến, thương tiếc.
Dịch thuỷ 易水: tên sông, ở phía tây tỉnh Hà Bắc 河北.
Kim đài 金台: địa danh cổ, cũng gọi là Hoàng Kim đài 黄金台, Yên đài 燕台. Tương truyền do
Yên Chiêu Vương thời Chiến Quốc xây dựng, đặt ngàn vàng trên đài để mời kẻ sĩ trong thiên hạ nên có tên
như thế. Trong Cổ phong 古风 (đệ thập ngũ)
có câu:
Yên Chiêu diên Quách Ngỗi, toại trúc
Hoàng Kim đài
燕昭延郭隗, 遂筑黄金台
(Yên Chiêu Vương mới Quách Ngỗi, liền xây Hoàng Kim
đài)
Theo Sử kí – Thích khách liệt truyện 史记 - 刺客列传, đây là nơi mà Kinh Kha 荆柯
thời Chiến Quốc vì Yên thái tử Đan 丹 lên đường thích Tần
Vương. Kinh Kha, Quách Ngỗi trong xã hội phong kiến được nhiều người công nhận
là những nhân vật có tài năng và khí tiết. Dịch thuỷ và Kim đài đều tại hà Bắc
nên mượn đó để chỉ nơi Văn Thiên Tường hi sinh vì nghĩa lớn (Yên Kinh). Tác giả
đã mượn đất mượn người để ví con người Văn Thiên Tường, có thể nói là tuyệt diệu.
13- Thừa khí 乘气: nhân theo dũng
khí; thừa 乘: nhân theo.
Khinh mệnh 轻命: xem nhẹ mạng sống, dùng theo cách ý động.
Kì hoặc 其或: hai từ đều biểu thị ngữ khí, giống như đại khái, có
lẽ, chắc là. Tráng sĩ kì hoặc 壮士其或: ý nói đại khái
có thể làm được tráng sĩ thông thường.
Tuyết sương tùng bách 雪霜松柏: điển xuất từ
Luận ngữ - Tử hãn 论语 - 子罕:
Tử viết:
‘Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã.’
子曰: ‘岁寒, 然后知松柏之后彫也.’
(Khổng
Tử bảo rằng: ‘ Tới mùa đông lạnh mới biết cây tùng cây bách héo sau các loài
cây khác)
Ở đây
mượn đặc điểm không sợ sương tuyết của cây tùng cây bách để ví Văn Thiên Tường
trong 4 năm giam hãm mà vẫn giữ tiết tháo kiên trinh bất khuất.
14- Sơn cao thuỷ
thâm 山高水深: ngữ xuất từ Đồng Lư quận Nghiêm
tiên sinh từ đường kí 桐庐郡严先生祠堂记 của Phạm Trọng Yêm 范仲淹:
Vân sơn thương thương
Giang thuỷ ương ương
Tiên sinh chi phong
Sơn cao thuỷ trường
云山苍苍
江水泱泱
先生之风
山高水长
(Núi cao mây phủ xanh xanh
Sông sâu, rộng mênh mông
Phẩm đức của tiên sinh
Nũi cao sông dài cũng không thể sánh bằng)
Ở đây
do bởi gieo vần nên đã đổi chữ “trường” 长
thành chữ “thâm” 深,
Mượn ví nhân phẩm tiết tháo cao thượng của Văn Sơn, ảnh
hưởng sâu xa, như núi cao sông dài.
15- Nan hồi giả
thiên 难回者天: “thiên” chỉ “thiên ý”, ý nói nhà Tống diệt vong là do ý trời, sức người
không thể cứu vãn.
Bất phụ giả tâm 不负者心: “tâm” chỉ ý
chí, ý nói Văn Sơn kiên quyết kháng Nguyên, không phụ triều Tống, là một tấm
lòng trung.
Cả hai
câu có thể lí giải: thiên nan hồi, tâm bất phụ 天难回,
心不负, tức trời khó mà vãn hồi, lòng trung không phụ triều
Tống. Cũng có thể thông.
16- Thường Sơn
chi thiệt 常山之舌 (lưỡi của Thường Sơn): mượn sự việc của kẻ sĩ đời Đường
nổi tiếng trung nghĩa là Nhan Cảo Khanh 颜杲卿. (***)
17- Thao 韬: ẩn giấu.
Hai câu .... Cựu nguyệt ....: ý nói
tráng liệt tuẫn quốc của Văn Thiên Tường, giống như tráng chí tuẫn quốc của
Trương Tuần, Nhan Cảo Khanh, Kê Thiệu, ánh sáng của mặt trời mặt trăng bị lu mờ,
màu sắc của núi sông thay đổi. Ở đây vận dụng thủ pháp khoa trương.
18- Một 没: tức “tử” 死, hoặc viết là “đoạn” 段.
Liệt tinh 列星: các vì sao giăng đầy trên bầu trời. Người xưa cho rằng
những nhân vật kiệt xuất đều là tinh tú xuống phàm, sau khi họ chết trở về lại
trời thành sao. Cũng cho rằng, sao sa dự báo một nhân vật kiệt xuất nào đó sắp
chết. Ở đây là duy tâm luận, mượn để bày tỏ tình hoài niệm sâu xa đối với Văn
Thiên Tường, kí thác nỗi buồn thương, ý nói Văn Thiên Tường sau khi mất hoá
thành hoả tinh trên bầu trời. Hoả tinh ở phương Nam , ví tinh hồn của Văn Thiên Tường
luôn lưu luyến về cố quốc.
Kính khí 劲气: khí lạnh. Lúc Văn Thiên Tường bị giết là mồng 9
tháng Chạp. Ở đây mượn để nói khí tiết cứng cõi, dùng song quan “đình” 霆 và “lôi” 雷.
19- Can Tương,
Mạc Da 干将, 莫邪 (邪cũng viết là 耶): tên của 2 thanh bảo kiếm thời cổ, tương truyền do 2
vợ chồng Can Tương và Mạc Da nước Ngô thời Xuân Thu đúc, nhân đó mà có tên. Câu
chuyện được thấy trong Ngô Việt Xuân Thu
– Hạp Lư nội truyện 4吴越春秋 - 阖闾内传 4. Về sau lại
có người đem câu chuyện đó phô diễn khoa trương, xem Liệt dị truyện 列异传 và Sưu thần kí 搜神记.
Lương dã 良冶: người giỏi về công việc rèn luyện gang thép.
Bất hoá 不化: giống như “bất hủ”. Ở đây dùng bảo kiếm để ví Văn
Thiên Tường.
Dịch nghĩa
Khi Tướng quốc Văn Công bị bắt lần thứ hai,
tôi từng viết bài văn tế ông lúc sinh tiền. Chẳng bao lâu Lư Lăng Trương Thiên
Tải Tâm Hoằng Nghị từ Yên sơn mang di thể của Thừa tướng về, Thừa tướng đã thực
chết. Than ôi. đau buồn thay! Từ xa thương khóc vọng tế, một lần nữa dâng lên
bài tế này.
Than
ôi! Lúc đất nước và vua ở vào cảnh huống gian nan nguy cấp, phò trì đất nước và
vua là trách nhiệm của Tể tướng. Văn Thiên Tường, Chư Cát Lượng là điển hình vị
Tể tướng cứu khổn phò nguy. Cả hai đều là Tướng quốc, nhưng Văn Thiên Tường vì
đại nghĩa mà hi sinh. Nêu cao trung nghĩa để bảo vệ đất nước, thì Văn Thiên Tường
và Trương Tuần là gương sáng hết lòng vì chức trách. Cái chết của cả hai không
có gì khác, nhưng Văn Thiên Tường là Tể tướng nắm giữ quốc chính. Văn Thiên Tường
đã là danh tướng, lại là liệt sĩ, nếu sử gia lập truyện cho ông, tất phải có đủ
đặc điểm của danh tướng và liệt sĩ. Từ xưa đến nay trong khoảng ba ngàn năm,
nhân vật giống như Văn Thiên Tường không thể tìm thấy được người thứ hai. Việc
nước trắc trở không thuận, ý nguyện cứu khổn phò nguy khó mà thực hiện, Văn
Thiên Tường ở vào cảnh nguy nan, theo đạo nghĩa mà nói phải dũng cảm tự sát.
Tôi đã viết “Sinh tế Văn Thừa Tướng văn” thúc ngài vì đại nghĩa mà hi sinh, điều
đó cũng tương tự ý nghĩa việc Tăng Sâm đến lúc sắp mất, đồng tử thay chiếu,
Tăng Sâm lập tức quy thiên. Tôi nào có biết, bản ý của trời muốn bảo hộ trung
thần, thương tiếc người tài, nên mới lưu sinh mệnh của ngài ở vào cảnh tù đày 4
năm nơi Yên Kinh, cuối cùng chết nơi Thành Sài phía nam Đại Đô, để ngài thể hiện
khí tiết vĩ đại vì nước mà hi sinh? Dũng khí nhất thời mà xem nhẹ sinh mệnh
mình, về điểm này, tráng sĩ thông thường có lẽ có thể làm được, còn như thân 4
năm nơi tù ngục, thiên trường địa cửu mà không hề thay đổi tiết tháo như thế,
anh dũng hi sinh như thế, đó mới đúng là cây tùng trong tuyết, cây bách trong
sương.
Ôi! Văn
Thừa Tướng, nhân cách và tiết tháo vĩ đại của ngài, như núi cao như sông dài. Đại
Tống suy vong không thể cứu vãn, e đó là “thiên ý”, kiên quyết kháng Nguyên,
không phụ quốc gia, đó là ý chí xuyên suốt của ngài. Văn Thừa Tướng tráng liệt
tuẫn quốc, giống như Nhan Thường Sơn giữ chức Bí thị trung, bi tráng tuẫn quốc.
Ánh sáng của mặt trời mặt trăng vì đó mà lu mờ, màu sắc của núi sông vì đó mà
thay đổi. Lúc ngài sống là danh tướng danh thần, khi ngài mất là tinh tú trên
trời cao. Khí tiết cứng cõi lẫm nhiên vì đại nghĩa của ngài sẽ hoá thành cuồng
phong, sẽ hoá thành sấm sét. Cho dù ngài không biến thành tinh tú, thành cuồng
phong sấm sét, thì cũng kí thác vào bảo kiếm Can Tương, Mạc Da do người thợ tài
giỏi đúc thành. Bảo kiếm này, khi xuất thế có thần khí diệu dụng, lúc nhập thổ không mục không nát.
Đêm nay
là đêm gì? Chuôi sao Bắc Đẩu chuyển dời, dải ngân hà nằm vắt ngang; ánh sáng giữa
khoảng Bắc Đẩu với ngân hà, chẳng phải là tinh khí bảo kiếm mà Văn Sơn biến
thành đó sao?
Vài nét về
tác giả
Vương Viêm Ngọ 王炎午: (không rõ năm
sinh năm mất), tự Đỉnh Ông 鼎翁, ban đầu có tên là Ứng
Mai 应梅, biệt hiệu là Mai Biên 梅边,
người Lư Lăng 庐陵 đời Tống (nay là huyện Cát An 吉安 Giang Tây 江西). Niên hiệu Hàm Thuần
咸淳 đời Tống Độ Tông 宋度宗
giữ chức Thái học sĩ. Lúc Lâm An 临安 (nay là Hàng Châu 杭州) nguy khốn, ông yết kiến Văn Thiên Tường, đem gia sản
của mình để giúp quân đội, với tấm lòng trợ nghĩa. Văn Thiên Tường giữ lại nơi mạc phủ, nhưng vì mẹ mang bệnh nên quay về. Chẳng
bao lâu, Văn Thiên Tường bị quân Nguyên bắt đưa về phương bắc, Vương Viêm Ngọ
làm bài Sinh tế Văn Thừa Tướng văn 生祭文丞相文 (bài văn tế
sống Văn Thừa Tướng). khích lệ Văn Thiên Tường vì nước mà tử tiết. Sau khi Văn
Thiên Tường hi sinh, ông lại viết bài Vọng
tế Văn Thừa Tướng văn 望祭文丞相文 để truy niệm. Từ đó đóng cửa quy ẩn không ra làm
quan, chuyên tâm vào việc viết văn, đổi tên là Viêm Ngọ.
Trứ tác
có Ngô Vấn cảo 吴汶稿, đa phần thể
hiện ý không chịu làm quan khác triều đại. Trong Tân Nguyên sử - Ẩn dật truyện 新元史隐逸传 có truyện về ông.
Chú của người
dịch
Văn Thiên Tường
(1236 – 1283)
Tên ông
lúc ban đầu là Vân Tôn 云孙, tự Tống Thuỵ 宋瑞,
một tự khác là Lí Thiện 履善, đạo hiệu Phù Hưu Đạo
Nhân 浮休道人, Văn Sơn 文山, người Lư Lăng 庐陵, Cát Châu 吉州, Giang Tây 江西 (nay là trấn Phú Điền 富田,
khu Thanh Nguyên 青原 thành phố Cát An 吉安
tỉnh Giang Tây 江西). Văn Thiên Tường là chính trị gia, văn học gia, thi
nhân yêu nước, danh thần kháng Nguyên, anh hùng dân tộc, cùng với Lục Tú Phu 陆秀夫, Trương Thế Kiệt 张世杰
được xưng là “Tống mạt tam kiệt” 宋末三杰.
Văn
Thiên Tường đỗ Trạng nguyên năm Bảo Hựu 宝祐
thứ 4 (năm 1256), làm quan tới chức Hữu Thừa tướng, phong Tín Quốc Công 信国公.
Văn
Thiên Tường bại binh tại Ngũ Pha lĩnh 五坡岭, bị địch bắt. Ông
thà chết chứ không chịu đầu hàng. Ngày mồng 9 tháng 12 năm Chí Nguyên thứ 19
(1282), Văn Thiên Tường ung dung tựu nghĩa tại Sài thị 柴市.
*- Câu này, theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê là:
“Nước nguy biến mà không biết bảo vệ, nước
nghiêng ngã mà không biết chống đỡ, thì ai dùng mình để giúp đỡi làm gì?”
(Luận ngữ, trang 272, nxb Văn học 1995)
**- Về tên nhân vật Chư
Cát Lượng: với chữ 诸
- Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư ”. (trang 630)
- Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn
Nhan cũng chỉ có âm “Chư ”. Và ở nét nghĩa số
11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)
- Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có
các âm đọc như sau:
* Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚. Tập
vận集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư”專於, đọc như
chữ 渚 nhưng bình thanh. Âm đọc này có
nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép:
Hựu
phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam
quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.
又複姓. “漢書” 有諸葛豐. “三國志” 有諸葛亮.
(Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)
* Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập
vận 集韻 phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là 遮 (già), cũng là một họ.
(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).
Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là
Gia Cát Lượng.
***- Thường Sơn
常山: tức Nhan Cảo Khanh 颜杲卿 (692- 756), tự Hân
昕, danh thần triều Đường. Ông là cháu đời thứ 6 của
Nhan Chi Thôi 颜之推, cùng với Nhan Chân Khanh 颜真卿
là tằng tôn của Nhan Cần Lễ 颜勤礼, phụ thân là Nhan
Vân Tôn 颜云孙.
Nhan Cảo
Khanh lúc đầu nhậm chức Hộ tào tham quân ở Phạm Dương 范阳,
từng là bộ hạ của An Lộc Sơn 安禄山. Loạn An Sử nổ ra,
ông cùng con là Nhan Quý Minh 颜季明 giữ Thường Sơn 常山, em họ là Nhân Chân Khanh giữ Bình Nguyên 平原. Nhan Cảo Khanh bị bắt, ông luôn miệng mắng chửi. An
Lộc Sơn cắt lưỡi của ông, hỏi rằng: “Còn mắng được nữa hay không?”. Ông khảng
khái bất khuất mà chết.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 10/11/2017
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật