Dịch thuật: Hữu đức chi nhân

HỮU ĐỨC CHI NHÂN

          Ông Thuấn là vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc tộc Hoa Hạ 华夏 thời thượng cổ Trung Quốc. Ông cùng với Hoàng Đế 黄帝, Chuyên Húc 颛顼, Đế Khốc 帝喾, Đế Nghiêu được gọi là “ngũ đế”. Theo truyền thuyết, nơi ông Thuấn sinh ra là Diêu Khư姚墟, cho nên ông Thuấn tính Diêu, lại nhân tên nước là “Ngu” , nên mọi người gọi ông là Ngu Thuấn 虞舜. Ông Thuấn là hậu nhân của Chuyên Húc trong ngũ đế. Ông Thuấn nhờ vào phẩm đức cao thượng và năng lực xuất chúng của mình mà có được uy vọng, kế thừa ngôi vị của Đế Nghiêu.
          Theo truyền thuyết, sau Hoàng Đế 黄帝, trước sau xuất hiện 3 thủ lĩnh liên minh bộ lạc rất xuất sắc, là Nghiêu , Thuấn và Vũ . Họ vốn là thủ lĩnh của một bộ lạc, sau được chọn làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc.
          Lúc bấy giờ, làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc, có việc lớn gì cũng đều phải tìm thủ lĩnh các bộ lạc khác để cùng thương lượng.
          Đế Nghiêu tuổi cao, muốn tìm người kế thừa chức vị. Có một lần, Đế Nghiêu triệu tập thủ lĩnh bộ lạc bốn phương đến để thương nghị.
          Sau khi Đế Nghiêu nói ra ý định của mình, có một người tên là Phóng Tề 放齐 nói rằng:
          - Đan Chu con của ngài, là người sáng láng, làm người kế thừa rất thích hợp.
          Đế Nghiêu nghiêm túc nói:
          - Không được, Đan Chu phẩm đức không tốt, chỉ thích tranh cãi với người.
          Một người khác tên là Hoan Đâu 讙兜 nói rằng:
          - Cung Công cai quản thuỷ lợi, công việc làm rất tốt.
          Đế Nghiêu lắc đầu bảo rằng:
          - Cung Công rất khéo ăn nói, ngoài mặt cung kính, nhưng trong lòng lại khác. Dùng người này, ta không yên tâm.
          Lần thảo luận này không có kết quả, Đế Nghiêu tiếp tục tìm kiếm người kế thừa mình. Lần khác, Đế Nghiêu lại triệu tập thủ lĩnh bốn phương lại thương nghị, muốn để mọi người tiến cử. Và mọi người nhất trí tiến cử ông Thuấn.
          Đế Nghiêu gật đầu nói rằng:
          - Ta cũng nghe nói qua, người này rất tốt. Các ngươi có thể nói rõ về sự tích của anh ta được không?
          Mọi người liền bắt đầu kể về tình hình của ông Thuấn:
          Phụ thân của ông Thuấn là một người hồ đồ, mọi người gọi ông ta là Cổ Tẩu 瞽叟 (ý nghĩa là ông lão mù). Mẫu thân của ông Thuấn mất sớm, mẹ kế rất xấu tính. Người em trai con mẹ kế tên là Tượng lại rất ngạo mạn, Cổ Tẩu lại sủng ái Tượng. Ông Thuấn sống trong một gia đình như thế, nhưng ông đối đãi với phụ thân, mẹ kế và em trai rất tốt, cho nên, mọi người cho ông Thuấn là người có đức hạnh.
          Đế Nghiêu nghe nói rất vui mừng. quyết định trước tiên sẽ  khảo sát qua ông Thuấn. Đế Nghiêu gã 2 người con gái của mình là Nga Hoàng 娥皇 và Nữ Anh 女英 cho ông Thuấn, còn xây cho ông Thuấn một kho lương, chia cho rất nhiều bò dê. Mẹ kế và em trai thấy thế vừa hâm mộ vừa ghen ghét, hai người cùng Cổ Tẩu tính kế, nhiều lần muốn hại ông Thuấn.
          Có một lần, Cổ Tẩu sai ông Thuấn lợp lại nóc kho lương. Khi ông Thuấn dùng thang leo lên, Cổ Tẩu bên dưới đã phóng hoả, định thiêu chết ông Thuấn. Ông Thuấn trên nóc kho thấy lửa bốc lên, tìm thang nhưng không biết thang đã đi đâu. May mà ông Thuấn có mang theo bên người 2 chiếc nón tre dùng để che nắng. Hai tay ông Thuấn giống như chim giang đôi cánh, cầm nón nhảy xuống. Nón theo gió bay đi, ông Thuấn từ từ rơi xuống đất, không hề suy suyễn tí nào.
          Cổ Tẩu và Tượng không cam lòng, họ sai ông Thuấn đào giếng. Sau khi ông Thuấn xuống giếng, Cổ Tẩu và Tượng ở bên trên lấy đá liệng xuống để lấp giếng, định chôn sống ông Thuấn. Không ngờ ông Thuấn sau khi xuống giếng, đã đào một đường hầm bên cạnh, từ đó chui ra, về nhà một cách an toàn.
          Tượng không biết ông Thuấn đã thoát hiểm, dương dương đắc ý trở về, nói cùng Cổ Tẩu:
          - Lần này anh ấy chết chắc rồi, kế này con nghĩ ra, giờ chúng ta có thể phân chia gia tài của anh ấy.
          Nói xong, Tượng đi đến nhà ông Thuấn. Nào ngờ, vừa mới bước vào đã thấy ông Thuấn đang ngồi đàn trên giường. Trong lòng Tượng thất kinh, xấu hổ nói:
          - Anh! Em nhớ anh biết bao!
          Ông Thuấn cũng giả vờ như không có chuyện gì, nói rằng:
          - Em đến đúng lúc lắm. Anh có nhiều việc, muốn nhờ em giúp.
          Sau đó, ông Thuấn vẫn đối đãi hoà khí với cha mẹ và em trai, Cổ Tẩu và Tượng cũng không dám ngầm hại ông Thuấn nữa.
          Đế Nghiêu nghe qua sự tích của ông Thuấn, lại trải qua khảo sát, cho rằng ông Thuấn quả thực là người vừa có phẩm đức vừa có năng lực, liền đem ngôi vị thủ lĩnh nhường cho ông Thuấn. Việc nhường này, trong lịch sử gọi là “thiện nhượng” 禅让. Kì thực, thời kì công xã thị tộc, khi thủ lĩnh bộ lạc đã già, dùng biện pháp tuyển chọn một vị thủ lĩnh mới, đó không phải là việc hiếm có.
          Sau khi ông Thuấn tiếp nhận ngôi vị, vừa cần mẫn, vừa kiệm ước, lao động cùng bách tính, được sự tín nhiệm của mọi người. Qua mấy năm sau, ông Thuấn muốn đem ngôi vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc nhường cho con Đế Nghiêu là Đan Chu, nhưng mọi người không tán thành, lúc này ông Thuấn mới chính thức
lên làm thủ lĩnh.

Tư liệu bổ sung
          Ông Thuấn có thể kế thừa ngôi vị của Đế Nghiêu, ngoài phẩm đức và năng lực tự thân của ông Thuấn ra, còn phải kể đến việc thăm hỏi thu dụng người hiền của Đế Nghiêu. Đế Nghiêu ngoài việc coi trọng ông Thuấn ra, cả đời Đế Nghiêu luôn trọng dụng rất nhiều người hiền năng. Theo sử sách ghi chép, công thần phò tá Đế Nghiêu có đến hơn mười người, mỗi người đều có tài năng xuất chúng. Đế Nghiêu không hề nhân đó mà yên tâm với hiện trạng, mà luôn tích cực thâm nhập các nơi để cầu hiền vấn đạo, phát hiện nhân tài, tuyển dụng nhân tài. Theo truyền thuyết, để thăm một người có đức tên là Thiện Quyển善卷, Đế Nghiêu đã theo lễ của học sinh đi thăm thầy, bình dân đi thăm bậc trưởng thượng mà đến thăm Thiện Quyển, thậm chí còn muốn đem ngôi vị của mình nhường cho ông ta, điều đó đủ để thấy khát vọng cầu hiền, cùng việc nhân chính quảng nạp hiền tài của Đế Nghiêu.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 15/11/2017

Nguyên tác Trung văn
HỮU ĐỨC CHI NHÂN
有德之人
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015.
Previous Post Next Post