Dịch thuật: Môn tường đào lí (thành ngữ)

MÔN TƯỜNG ĐÀO LÍ
门墙桃李

Giải thích: Môn tường 门墙: chỉ cổng tường của nhà vị sư trưởng. Đào lí 桃李: ví học trò hậu bối.
          Thành ngữ này dùng để tôn xưng học trò được người khác bồi dưỡng mà ra
Xuất xứ: Xuân Thu . Khổng Tử đệ tử:  Luận ngữ 论语; Hán . Lưu Hướng: Thuyết Uyển 说苑

          “Môn tường” 门墙, cũng gọi là “cung tường” 宫墙, điển cố này xuất phát từ một đoạn nghị luận của Tử Cống 子贡 được chép ở thiên Tử Trương 子张 trong Luận ngữ 论语.
          Tử Cống người nước Vệ thời Xuân Thu, họ Đoan Mộc 端木, tên Tứ , là một trong những học trò đắc ý của Khổng Tử. Quan Đại phu nước Lỗ là Thúc Tôn Vũ Thúc 叔孙武叔 từng có lần tại triều nói với các quan Đại phu khác rằng:
          - Xem ra Tử Cống hơn thầy của anh ta.
          Lời này truyền đến tai Tử Cống, Tử Cống liền nói:
          - Ví như đem tường vây chung quanh nhà mà nói: tường nhà tôi mới cao tới vai, từ bên ngoài nhìn vào bên trong, những gì tương đối tốt trong nhà, ai cũng có thể nhìn thấy toàn bộ một cách rõ ràng; còn tường của nhà thầy tôi lại cao đến mấy nhận (theo thước nhà Chu 1 nhận là 7 thước), nếu tìm không thấy cổng, không vào được bên trong, thì không có cách nào nhìn thấy vẻ đẹp hùng vĩ
của tổ miếu, vẻ phú lệ đường hoàng của các phòng ốc. Những người may mắn từ cổng của nhà thầy mà vào e là rất ít. Như vậy xem ra, lời của Thúc Tôn Vũ Thúc chẳng phải cũng là khó trách sao!
          Những lời của Tử Cống ý nói học vấn phẩm đức của bản thân mình hãy còn nông cạn, hạn chế, làm sao có thể sánh với học thức uyên bác của thầy.
          Về sau, người ta gọi cổng nhà thầy (sư môn 师门) là “môn tường”. Hình dung sơ bộ học được một chút gì đó gọi là “nhập môn”.
          Còn “đào lí” 桃李 cũng có điển cố. Ở Phục ân thiên 复恩篇 trong Thuyết Uyển 说苑 có chép một câu chuyện như sau:
          Dương Hổ 阳虎 tại nước Vệ phạm tội, bèn đến nước Tấn ở phía bắc, ông nói với Triệu Giản Tử 赵简子rằng:
          - Từ nay về sau, tôi không bồi dưỡng cho người khác nữa.
          Triệu Giản Tử hỏi:
          - Tại sao vậy?
          Dương Hổ đáp rằng:
          - Người ngồi trong nhà mà phán đoán sự việc, hơn một nữa là người do tôi bồi dưỡng; quan lại trong triều , tướng sĩ nơi biên giới mà được tôi tiến cử, cũng hơn một nữa. Nhưng nay, những người trong nhà bảo quốc quân xa lánh tôi, quan lại trong triều bảo mọi người hận thù tôi, tướng sĩ nơi biên giới bảo quân đội lùng bắt tôi.
          Triệu Giản Tử nói rằng:
          - Người trồng đào trồng lí, mùa hè có thể nghỉ mát dưới bóng cây, đến mùa thu có thể có trái để ăn; người trồng cây tật lê, mùa hè đã không thể đến đó nghỉ mát, mà đến mùa thu chúng còn trổ nhiều gai đâm người. Nay xem ra, cây mà ông trồng đều là tật lê. Về sau nhất định trước tiên phải chọn lựa đối tượng, sau đó mới bồi dưỡng, không nên bồi dưỡng trước rồi sau đó mới lựa chọn.
          Dùng “đào lí” để ví nhân tài ưu tú được bồi dưỡng, điển cố này xuất phát từ lời nói của Triệu Giản Tử.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                Quy Nhơn 27/7/2017

Nguyên tác Trung văn
MÔN TƯỜNG ĐÀO LÍ
门墙桃李
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post