THỜI CỔ, AI QUY ĐỊNH “SI HÌNH” CHỈ ĐÁNH
VÀO MÔNG
KHÔNG ĐÁNH VÀO LƯNG
Thời
Tiên Tần, ngũ hình gồm mặc 墨, tị 劓, phí 剕, cung 宫, tịch 辟 (1) đều là
hình phạt tàn nhẫn huỷ hoại thân thể con người. Đến triều Hán, giai cấp thống
trị có được bài học giáo huấn nhân vì hình phạt quá nghiêm khắc mà bị diệt
vong, nên đã chế định 5 loại hình phạt mới, đó chính là 5 loại mà người ta thường
nói: si 笞, trượng 杖, đồ 徒, lưu 流, tử 死 (2). Si là loại hình phạt nhẹ nhất, trước đời Hán tuy đã
có, nhưng không phải là hình phạt chủ yếu. Thời Hán Văn Đế thực hành cải cách
hình pháp, si hình từ đó trở thành loại hình phạt thường dùng.
Nhưng
si hình lúc ban đầu không có quy phạm, đánh vào bộ phận nào trên thân thể con
người, dùng hình cụ gì, đánh như thế nào ... đều không có quy định rõ ràng, số
lần đánh nhiều nhất đạt đến 400 roi, thường thì hình phạt chưa xong phạm nhân
đã chết. Năm Hán Cảnh Đế thứ 8 ban bố “chuỳ luật” 棰律,
đối với si hình quy định cụ thể. Quy định bộ phận dụng hình là mông, như vậy
tránh được phạm vào những chỗ yếu hiểm quan trọng nhất trên thân thể như ngực,
bụng, hông, nhưng không bao gồm đánh vào lưng, tương truyền chỉ đánh vào mông
không đánh vào lưng là quy định của Đường Thái Tông.
Chân
Quyền 甄权 là nhà châm cứu nổi tiếng đầu thời Đường, từng trường
kì đảm nhiệm chức Tuỳ quân chinh sĩ cho quan địa phương Lộ Châu 潞州 là Lí Tập Dự 李袭誉.
Về sau Lí Tập Dự giữ chức Thiếu phủ giám, Chân Quyền đem bức vẽ “Minh đường
nhân hình đồ” 明堂人形图mà ông chuyên tâm nghiên cứu vẽ ra đưa cho Lí Tập Dự
xem. Lí Tập Dự lại dâng lên Đường Thái Tông. Đường Thái Tông thấy rất hữu ích
liền hạ lệnh tu đính, sau khi tu đính xong, Đường Thái Tông duyệt kĩ, phát hiện
huyệt vị kinh lạc trên thân thể con người đa phần tập trung ở phần ngực và
lưng, còn huyệt vị ở phần mông tương đối ít. Thế là Đường Thái tông liên tưởng
đến si hình trong ngũ hình, bèn hạ lệnh từ đó về sau khi thi hành si hình, nhất
loạt không được đánh vào lưng, chỉ có thể đánh vào mông, đó chính là nguồn gốc
si hình chỉ đánh vào mông không đánh vào lưng.
Kì thực
si hình là một loại hình phạt tàn khốc. Trong vở Đậu Nga oan 窦娥冤 của Quan Hán Khanh 关汉卿,
nàng Đậu Nga đã hát rằng:
Nhất trượng há, nhất phiến huyết, nhất tằng
bì
一杖下, 一片血, 一层皮
(Một gậy giáng xuống là một khối máu là một lớp da)
Đủ thấy nó tàn nhẫn đến mức nào. Quy định của Đường
Thái Tông về một trình độ nhất định, tránh được tội nhân bị đánh chết, đương thời
đó là một sự tiến bộ. Hiện tại, các nước trên thế giới về cơ bản đã bỏ loại
hình phạt này, đó là sự tiến bộ văn minh của pháp chế nhân loại.
Chú của người
dịch
1- Ngũ hình 五刑
- Mặc 墨: còn gọi là
“kình” 黥, hình phạt thích chữ lên mặt hoặc lên trán tội nhân
sau đó dùng mực bôi lên.
- Tị 劓: hình phạt xẻo
mũi tội nhân
- Phí 剕: còn gọi là “tẫn”
膑, “nguyệt” 刖, “trảm chỉ” 斩趾, hình phạt chặt chân tội nhân.
- Cung 宫: còn gọi là “dâm
hình” 淫刑, “hủ hình” 腐刑, “tàm thất hình” 蚕室刑, hình phạt cắt bỏ bộ phận sinh dục của tội nhân.
- Tịch 辟: tức “đại tịch” 大辟, hình phạt xử tử tội nhân.
2- Tân ngũ hình
- Si 笞: dùng dây gai nhỏ
bện lại thành hình cụ đánh vào mông tội nhân. Đời Thanh đổi sang dùng gậy trúc.
- Trượng 杖: dùng dây gai lớn
hơn bện thành hình cụ đánh vào lưng, mông hoặc chân tội nhân.
- Đồ 徒: cưỡng chế phạm
nhân lao dịch
- Lưu 流: đày phạm nhân
ra vùng biên giới, không cho phép về quê
- Tử 死: tử hình.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 06/4/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật