Dịch thuật: Lí Tư gián trục khách

LÍ TƯ GIÁN TRỤC KHÁCH

          Năm 221 trước công nguyên, nước Tần phái đại tướng Vương Bôn 王贲 đem quân tấn công nước Tề, nước Tề diệt vong. Đến đây, nước Tần cuối cùng thực hiện được mục đích tiêu diệt 6 nước thống nhất Trung Quốc. Tần Vương Doanh Chính 嬴政 xưng Thuỷ Hoàng Đế 始皇帝, kiến lập đại đế quốc theo chế độ trung ương tập quyền đầu tiên ở Trung Quốc. Năm 210 trước công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng bệnh và mất trên đường đi tuần phương nam, người con là Hồ Hợi 胡亥 (Tần Nhị Thế) dưới sự giúp đỡ của Triệu Cao 赵高, sửa di chiếu của tiên đế âm mưu đoạt lấy vương vị. Do bởi triều Tần thực hành chủ nghĩa thống trị chuyên chế tàn khốc, từ Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc đến lúc Hồ Hợi bị giết, Lưu Bang 刘邦 vào quan trung diệt Tần, chính quyền nhà Tần lay động không  yên, chỉ duy trì được 15 năm thì bị diệt vong.
          Trên vũ đài chính trị nước Tần từng xuất hiện một nhân vật chính trị, người đó từ lúc phát tích cho đến lúc thân bại danh liệt, luôn gắn với chính trị của Tần Thuỷ Hoàng cùng với sự hưng vong thịnh suy của triều Tần, người đó chính là Lí Tư 李斯.
          Lí Tư nguyên là người Thượng Thái 上蔡 nước Sở (nay là phía tây nam Thượng Thái上蔡Nam 河南). Lúc trẻ, chỉ là một viên tiểu lại trong quận, địa vị thấp kém. Về sau, Lí Tư đến học với vị đại sư Nho học nổi tiếng là Tuân Huống 荀况.
          Lí Tư học được cách làm thế nào để phụ tá đế vương trị lí đất nước. Sau khi so sánh phân tích kĩ tình hình các nước lúc bấy giờ, cuối cùng Lí Tư quyết định rời nước Sở đi đến nước Tần phía tây có lực lượng hùng mạnh và tiền đồ khả quan.
          Lí Tư đến nước Tần, đầu tiên làm môn khách của Thừa tướng Lã Bất Vi 吕不韦, lúc đó đương lúc Tần Vương Doanh Chính chỉ mới 13 tuổi kế vị, đại quyền của triều Tần trong tay Lã Bất Vi. Lã Bất Vi vốn là một phú thương vùng Dương Địch 阳翟 (nay là Vũ Châu 禹州Nam 河南), nhân vì giúp Tần Trang Tương Vương 秦庄襄王 trốn khỏi nước Triệu, đồng thời giúp lấy lại vương vị nên được làm Thừa tướng. Về sau Lã Bất Vi thu lưu một số môn khách trứ thư lập thuyết, biên soạn bộ Lã Thị Xuân Thu 吕氏春秋, danh tiếng và thế lực của Lã Bất Vi ngày càng lớn. Lí Tư thông qua sự tiến cử của Lã Bất Vi, có cơ hội gặp Tần Vương, ra sức khuyên Tần Vương hoàn thành đại nghiệp thống nhất Trung Quốc, rất được Tần Vương hâm mộ, nhân đó mà được làm Trưởng lại của nước Tần. Lí Tư tích cực đưa ra kế sách cho nước Tần, lập không ít công lao, cuối cùng được bái làm khách khanh; chẳng bao lâu, nước Tần lại phát sinh sự kiện đuổi khách (trục khách).
          Đương thời, có một người nước Hàn tên là Trịnh Quốc 郑国, mượn tiếng đến Tần để tu sửa kênh mương, kì thực là mượn cớ để làm tiêu hao tài lực, vật lực của nước Tần, từ đó đạt được mục đích là làm cho nước Tần suy yếu. Sự kiện đó rất nhanh chóng bị người Tần nhìn thấy. Thế là quý tộc, đại thần của nước Tần tấp nập can gián Tần Vương, nói rằng:
          - Những người đến từ nước khác đều không có ý tốt với nước Tần, đại vương tuyệt đối không nên tin vào những lời của họ, càng không thể trọng dụng họ, chi bằng đuổi toàn bộ, nếu không hậu hoạn vô cùng.
          Tần Vương cũng cảm thấy có lí, liền tiếp nhận kiến nghị của các thành viên quý tộc và đại thần, lập tức ra một đạo lệnh đuổi khách. Bất luận quan viên lớn nhỏ, phàm không phải là người Tần đều buộc phải rời khỏi nước Tần.
          Lí Tư cho rằng việc làm này của nước Tần giống như tự chuốc lấy hoạ diệt vong, thế là Lí Tư đem những sự thực lịch sử chứng minh khách khanh từng có những cống hiến trọng đại cho nước Tần, chỉ ra sai lầm nghiêm trọng mà Tần Vương quyết định lần này, đồng thời mạnh dạn nêu rõ kiến nghị của mình. Văn chương dẫn chứng từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, từng chữ từng chữ rõ ràng, khí thế tung hoành, lời văn phong mĩ, ngôn ngữ giàu hình tượng, âm tiết vang vang, đó chính là tác phẩm Gián trục khách thư 谏逐客书 nổi tiếng. Lí Tư viết rằng:
          - Trước đây, Tần Mục Công 秦穆公 dùng Bá Lí Hề 百里奚, Kiển Thúc 蹇蹇叔 mà làm nên bá chủ; Tần Hiếu Công 秦孝公 trọng dụng Thương Ưởng 商鞅, thực hành biến pháp mà nước Tần mạnh lên; Huệ Văn Vương 惠文王nhậm dụng Trương Nghi 张仪  mà bẻ gãy liên minh 6 nước. Chiêu Tương Vương 昭襄王có Phạm Thư 范雎 mà uy vọng của triều đình được nâng cao. Bốn vị quân vương đó đều dựa vào công nghiệp của khách khanh kiến lập. Hiện đại vương chấp chính, lại gạt bỏ nhân nhân chí sĩ ngoại lai, điều đó không tốt cho sự khẳng định giang sơn của triều Tần.
          Tần Vương xem xong bài văn đó, cho rằng Lí Tư nói rất có lí, thế là lập tức hạ lệnh thủ tiêu lệnh đuổi khách, như vậy, từ đó về sau hơn 20 năm, Lí tư trở thành nhân vật chính trọng yếu trên vũ đài chính trị nước Tần.
          Sau khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, Lí Tư trước tiên nhậm chức Đình uý, sau lên đến chức Thừa tướng. Lí Tư tích cực giúp Tần Thuỷ Hoàng trị lí đế quốc phong kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông đề xuất không ít kiến nghị, đều được Tần Thuỷ Hoàng tiếp nhận. Lí Tư chủ trương phế bỏ chế độ phân phong, đem thiên hạ chia thành 36 quận để tăng cường trung ương tập quyền, ngoài ra còn hạ lệnh thu tập binh khí trong thiên hạ, đưa về Hàm Dương 咸阳 đúc thành 12 tượng kim nhân, còn thống nhất hoá tệ, phép đo lường; thống nhất văn tự và quy cách xe cộ lớn nhỏ trong cả nước v.v... Để kiến lập và củng cố vương triều thống nhất, Lí Tư đã có những cống hiến không thể phủ nhận.
          Năm 213 trước công nguyên, theo kiến nghị của Lí Tư, ngoại trừ bảo lưu các sách y dược, bốc phệ, trồng trọt cùng sử thư nước Tần,  Tần Vương đem sử thư vốn có của các nước, cùng bách gia chư tử bao gồm cả Thi kinh 诗经, Thượng thư 尚书 đốt sạch; đồng thời nghiêm cấm mở trường tư, nếu người có nhu cầu học tập pháp lệnh, chỉ được lấy quan lại của phủ quan làm thầy. Ai vi phạm sẽ bị khắc chữ lên mặt, hoặc bị tù, hoặc bị giết tịch thu gia sản. Đó là vụ “phần thư” 焚书 nổi tiếng trong lịch sử.
          Sau khi Tần Vương trọng dụng Lí Tư, một mặt tăng cường thế công đối với các nước, mặt khác sai người đến các nước chư hầu du thuyết, Hàn Vương An 韩王安 lo sợ, vội sai công tử Hàn Phi 韩非 đến nước Tần cầu hoà. Hàn Phi và Lí Tư đều là học trò của Tuân Tử. Hàn Phi rất có tài hoa, viết ra bộ Hàn Phi Tử 韩非子. Ông chủ trương quân chủ phải tập trung quân quyền, tăng cường pháp trị. Tần Vương Doanh Chính rất tán thưởng Hàn Phi, muốn trọng dụng. Lí Tư sợ Hàn Phi đoạt lấy quyền vị của mình, nên mượn cớ hãm hại, khiến Hàn Phi bị bức phải uống thuốc độc tự tận.
          Tháng 7 năm 210 trước công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng bệnh và mất trên đường đi tuần phương nam. Lí Tư đồng ý, đồng thời tham gia âm mưu hoạt động soán quyền cùng với hoạn quan Triệu Cao, họ giả tạo di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng, ban cái chết cho con trưởng của Tần Thuỷ Hoàng là Phù Tô 扶苏, đưa thiếu tử Hồ Hợi lên kế vị, tức Tần Nhị Thế. Sau khi Tần Nhị Thế chấp chính, đặc biệt sủng ái Triệu Cao, cố ý xa rời Lí Tư. Lí Tư nhiều lần muốn gặp Nhị Thế để trần tình, nhưng đều không thể thực hiện. Cuối cùng Lí Tư bị Triệu Cao vu cho tội danh “âm mưu tạo phản” bắt giam vào ngục. Năm 208 trước công nguyên, Lí Tư bị chém ngang lưng tại kinh đô Hàm Dương nước Tần, đồng thời bị tri di cửu tộc.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 08/4/2017

Nguyên tác Trung văn
LÍ TƯ GIÁN TRỤC KHÁCH
李斯谏逐客
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post