Dịch thuật: "Hoa Mộc Lan" đời Thanh

“HOA MỘC LAN” ĐỜI THANH

          Câu chuyện Hoa Mộc Lan 花木蘭 thay cha tòng quân là một bài ca anh hùng, một bài thơ bi tráng lưu truyền hơn ngàn năm nay trên khắp đất nước Trung Quốc, có thể nói là già trẻ trai gái đều biết, ai nấy đều nghe quen tai. Công ti Disney của Mĩ bỏ ra một khoản tiền lớn để làm bộ phim hoạt hình “Hoa Mộc Lan”, càng khiến cho mĩ danh Hoa Mộc Lan lan truyền khắp toàn cầu. Hiện toàn quốc có 5 nơi tranh là quê hương của Hoa Mộc Lan, lần lượt là Bạc Châu 亳州 ở  An Huy 安徽, Ngu Thành 虞城 ở Hà Nam 河南, Hoàng Pha 黃陂 ở Hồ Bắc 湖北, Diên An 延安 ở Thiểm Tây 陝西 và huyện Thuận Bình 順平 ở Hà Bắc 河北.
          Trong lịch sử có thật là có Hoa Mộc Lan không, xưa nay vẫn còn tranh luận, bài viết sau đây không tìm hiểu về chuyện đó, mà nói về một Hoa Mộc Lan trong quân đội đời Thanh, nàng cải trang tòng quân nhiều năm mà không ai nhận ra. Nhân bởi năng chinh thiện chiến vinh dự được đề bạt, lại giao hảo cùng một thuộc hạ của mình đồng thời sinh được một đứa con, về sau bị người đàn ông đó bỏ rơi. Chuyện đó được thấy trong quyển Thanh đại dã kí 清代野記  của Trương Tổ Kí 張祖冀, thư pháp gia, triện khắc gia, kim thạch thu tàng gia nổi tiếng. Nội dung cụ thể như sau:
          Ngày 30 tháng 5 năm Đồng Trị 同治 thứ nhất (năm 1862), trong trận hội chiến tại An Khánh 安慶, đại tướng thống lĩnh quân đội nhà Thanh liên tiếp đánh bại quân Thái Bình là Đa Long A 多隆阿 tuân theo thượng dụ rời chiến trường Giang Hoài 江淮, chọn một số bộ thuộc nhanh chóng vào Thiểm Tây. Đương thời, ở Thiểm tây chủ yếu có 3 đội vũ trang khởi nghĩa: Trần Đắc Tài 陳得才 thống lĩnh quân viễn chinh tây bắc của Thái Bình Thiên Quốc đang tiến gần đến Tây An 西安; quân khởi nghĩa Lí , Lam dưới sự thống lĩnh của Lam Đại Thuận 藍大順 kinh qua Tứ Xuyên 四川 tiến vào Thiểm Tây 陝西, quân khởi nghĩa người Hồi đánh đến mức quân Thanh do Thắng Bảo 勝保 thống lĩnh không chống đỡ nổi. Sau khi Đa Long A phụng mệnh, dẫn bộ hạ từ Anh sơn 英山, Hoắc sơn 霍山ở Hoàn bắc 皖北 tiến vào Ma Thành 麻城 ở Hồ Bắc 湖北, qua Vũ Xương 武昌 chuyển lên Tương Dương 襄陽, đầu tháng 9 đến Thương Nam 商南 Thiểm Tây 陝西.
          Trung tuần tháng 9, Đa Long A trước tiên giao chiến với quân Thái Bình tại Liễu Lâm Câu 柳林溝, Kinh tử  quan 荊子關,  vùng giao giới giữa 3 tỉnh Ngạc , Thiểm , Dự do Trần Đắc Tài từ Thiểm Tây tiến xuống phía đông chuẩn bị tiếp viện Lư Châu 廬州. Bộ quân Thái Bình của Trần Đắc Tài bị Đa Long A đánh bại. Ngày 6 tháng 12, Đa Long A tại Đồng Quan 潼關 tiếp thượng dụ, với chức trách Khâm sai đại thần xử lí quân vụ Thiểm Tây, đồng thời tiếp nhận thống lĩnh các doanh nguyên vốn là sở bộ của Đốc biện đại thần Thắng Bảo, tổng cộng hơn 2 vạn binh nam. Sau khi nhận nhiệm vụ, Đa Long A thẩm sát toàn thành, cho rằng quân khởi nghĩa Thiểm Tây đánh đâu thắng đó, khí thế đang hăng, quân Thanh không thể nóng vội cầu thành. Nhân đó, trong chỉ đạo tác chiến, Đa Long A quyết định ngầm nghỉ ngầm đánh, từ đông sang tây từng bước tiến sát, ra sức mong mỗi lần đánh tất thắng. Lúc bấy giờ, Đa Long A ra sức chiêu mộ dịch phu trường kì phục vụ trong quân đội. Có một thiếu niên họ Trần sắc da đen nhẻm, trên mặt đầy nốt rỗ đến ứng mộ. Vị chủ sự phụ trách chiêu mộ thấy anh ta dáng người cao lớn mạnh khoẻ, liền thu nhận, để anh ta chuyên quản việc nuôi ngựa trong quân.
          Do bởi Trần mỗ siêng năng chịu khó, vất vả gian lao không hề oán thán, chẳng bao lâu được đề bạt làm sĩ binh trong doanh. Trong nhiều lần chinh chiến, anh ta luôn dũng cảm đi đầu, xả sinh vong tử. Trải qua 10 năm chinh chiến, Trần mỗ nhân vì dũng cảm, lập nhiều công lao nên được triều đình ban thưởng dũng hiệu “Ba đồ lỗ” 巴圖魯 (“Ba đồ lỗ” là dịch âm từ tiếng Mãn “baturu”, có nghĩa là dũng tướng, anh hùng), làm quan tới Kí danh đề đốc 記名提督, lệ thuộc vào sự quản hạt của Tổng đốc Thiểm Cam lúc bấy giờ là Tả Tông Đường 左宗棠.
          Trần mỗ thăng nhậm Kí danh đề đốc chẳng bao lâu, chủ tướng điều đến một tiểu văn viên giữ việc công văn giấy tờ. Người này họ Chu , vốn là một thư sinh quê ở An Huy, vì nhiều lần thi không đậu nên phát phẫn tòng quân. Chu mỗ dáng vẻ đường đường, nho nhã tuấn dật, xử thế cũng cung cẩn khiêm hoà, rất mực lễ nghĩa. Trưởng quan Trần mỗ coi trọng anh ta, đối đãi rất tốt, quan tâm yêu mến.
          Một buổi tối nọ, Trần mỗ hứng trí bồng bột, gọi Chu mỗ đến uống rượu. Sau khi no say, trưởng quan Trần mỗ nhân vì tửu hứng, đột nhiên bảo Chu mỗ hầu ngủ. Chu mỗ thất kinh, thẳng thắn cự tuyệt. Trần mỗ trong phúc chốc rút đao uy hiếp, bảo rằng nếu không đáp ứng sẽ giết ngay tại chỗ. Để bảo toàn tính mệnh, Chu mỗ đành tiếp nhận hầu trưởng quan ngủ.
          Nhưng điều khiến Chu mỗ không tưởng tượng nổi, đó là sau khi cởi đai áo rộng ra, phát hiện Trần mỗ trưởng quan của mình lại là cô gái! Thế là, vừa sợ vừa mừng, anh ta hân hoan “khuất tùng”, củi khô gặp lửa mạnh, một đốm cũng đã bốc cháy. Từ đó, mỗi đêm Chu mỗ đều đến nơi ngủ của trưởng quan, hai người như keo sơn gắn bó, ngẫu nhiên bí mật thành đôi vợ chồng.
          Tục ngữ nói không sai, nếu muốn người ta không biết, trừ phi mình không làm. Các đồng liêu nhanh chóng phát hiện mối quan hệ đặc biệt giữa Chu mỗ với trưởng quan. Họ xem thường anh ta, cho rằng anh ta với nhân cách thấp kém, uốn mình theo nịnh, làm tình nhân đồng tính của trưởng quan, ai cũng không ngờ Trần mỗ là cô gái.
          Nhưng giấy bọc không nổi lửa, chẳng mấy chốc, Trần mỗ có thai, bụng ngày càng lớn, sợ sự tình bại lộ, nhưng không dám tuỳ tiện tìm thấy thuốc để phá thai. Nhìn thấy sắp đến ngày sinh, sự tình rất khó che dấu nữa, liền gọi Chu mỗ đến bàn bạc. Bó tay hết cách, không biết làm thế nào, Chu mỗ liền động viên Trần mỗ lấy gương Mộc Lan tòng quân, chủ động bẩm báo với cấp trên là Tả Tông Đường. Cứ thành thực trình bày sự việc, dù sao còn nước còn tát!
          Tả Tông Đường thân làm Tổng đốc Thiểm Cam nghe qua bẩm báo của Trần mỗ, dường như không dám tin vào tai mình, còn cho rằng mình nghe nhầm. Có thể nhẫn, ai lại không nhẫn? dưới mắt mình lại phát sinh sự tình quái đản như thế! Nhưng quân kỉ không dung, đương lúc nộ khí xung thiên, chuẩn bị đem sự việc báo lên triều đình, viên mạc liêu dưới trướng ngăn lại. Mạc liêu nói rằng:
Lúc đầu Trần mỗ tác chiến dũng mãnh, được dũng hiệu “Ba đồ lỗ”, chính là do ngài báo chiến công lên triều đình. Nay nếu triều đình cho rằng cô ta lừa dối, sẽ trách tội, e rằng ngài cũng không thoát được can hệ, làm không tốt sẽ dùng lửa đốt mình, chi bằng tự mình giải quyết, không thể cho bên ngoài biết.
          Tả Tông Đường nghe qua cảm thấy lời của mạc liêu có lí, bèn bình tĩnh lại, cho gọi đôi nam nữ lại, bảo Chu mỗ từ nay đổi dùng tên của Trần mỗ, thay thế chức vị của nàng, còn Trần mỗ thì khôi phục lại thân phận nữ nhi.
          Nhân hoạ được phúc, nhẹ nhàng có được quan vị Kí danh đề đốc. Chu mỗ có được vận may, cũng giống như Lí Triệu Đình 李兆庭 trong vở kịch “Nữ phò mã”, khi ra khỏi nhà lao, không phải phí sức trở thành trạng nguyên. Nhưng, toạ hưởng kì thành, được chức Kí danh đề đốc, Chu mỗ dần bắt đầu xa lánh Trần mỗ, cho rằng da nàng quá đen, mặt đầy nốt rỗ, hình dáng lại thô kệch, không có vẻ dịu dàng nữ tính cùng với vẻ đẹp như hoa đào. Thế là nảy sinh dị tâm, lạnh nhạt với Trần mỗ. Về sau, Tả Tông Đường đem quân thu phục Tân Cương, Chu mỗ lập được chiến công, bèn nhân cơ hội thỉnh cầu khôi phục lại họ tên vốn có của mình, còn thu nạp hai cô gái xinh đẹp như hoa làm tiểu thiếp.
          Trần mỗ tự nhiên bị bại hoại, nổi cơn ghen. Nhưng nàng ngày nay không còn quyền thế, không có cách gì can thiệp. Vả lại nàng cũng biết rõ, nếu sự tình làm to ra, bản thân mình sẽ không có lợi gì. Thế là nàng mang chút gia tài cùng đứa con đi thật xa, sinh sống nơi khác, từ đó một dao cắt đứt với Chu mỗ, không còn quan hệ gì.
          Sự tình đó quả thật là li kì. Thanh đại dã kí 清代野記  mà ghi chép sự việc trên là bộ bút kí có giá trị của một văn nhân. Trong sách có nói:
          Phàm triều đình, xã hội, kinh sư, ngoại tỉnh, sự việc bất luận lớn nhỏ, đều căn cứ vào những gì nghe thấy mà ghi chép ra.
          Những việc liên quan đến 4 triều Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống, như có sự kiện lịch sử trọng đại, điển chương chế độ; có bí sự trong cung, dật sự chốn quan trường, nghĩa cử của đào kép hát, buôn sách viết sách, tuyệt kĩ của nghệ nhân, liễn đối tinh xảo cùng tình hình sinh tồn của các sắc dân, bao la vạn tượng, không gì là không có, nghiễm nhiên như một bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội cuối đời Thanh. Tác giả Trương Tổ Kí 張祖記 là một trong những danh sĩ triều Thanh bước ra khỏi cửa nhìn ra thế giới sớm nhất, là một đại học giả cuối đời Thanh. Cùng với Ngô Xương Thạc 吳昌碩, Cao Ung Chi 高邕之, Uông Tuân 汪洵 đồng xưng là “Thượng Hải tứ đại thư pháp gia”. Những sự việc ghi chép liên quan đến triều Thanh là đáng tin. Lịch sử là như thế, nhiều sự tình thú vị sinh động, do bởi nhiều nguyên nhân, chính sử không chép hoặc không tiện ghi chép.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 09/4/2017

Nguồn
ĐẠI THANH VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH NA TA BÍ SỬ THÚ VĂN
大清王朝的那些秘史趣聞
Tác giả: Lưu Kế Hưng 劉繼興
Tinh Quán xuất bản hữu hạn công ti, 2016
Previous Post Next Post