Dịch thuật: Tại sao là "tài cao bát đẩu" mà không phải là ....



TẠI SAO LÀ “TÀI CAO BÁT ĐẨU” MÀ KHÔNG PHẢI LÀ
“TÀI CAO CỬU ĐẨU”

          Mọi người đều biết, Tào Thực 曹植,  thi nhân thời Kiến An 建安 có thể trong 7 bước làm xong bài thơ, “tài cao bát đẩu” 才高八斗 (tài cao 8 đấu) cũng chính là hình dung Tào Thực, ý nói tài hoa rất cao, học thức uyên bác.
          Đẩu là đơn vị đong lường thời cổ, 1 thạch bằng 10 đẩu. “Bát đẩu” ý nói cực nhiều. Thành ngữ “tài cao bát đẩu” xuất phát từ tác phẩm vô danh thời Nam Triều là Thích Thường Đàm – Bát đẩu chi tài 释常谈 - 八斗之才 :
          Văn chương đa, vị chi bát đẩu chi tài. Tạ Linh Vận thường viết: ‘Thiên hạ tài hữu nhất thạch, Tào Tử Kiến độc chiếm bát đẩu, ngã đắc nhất đẩu, thiên hạ cộng phân nhất đẩu.
          文章多, 谓之八斗之才. 谢灵运尝曰: “天下才有一石, 曹子建独占八斗, 我得一斗, 天下共分一斗’.
          (Văn chương nhiều, gọi là tài cao 8 đấu. Tạ Linh Vận từng nói: ‘Tài trong thiên hạ có 1 thạch. Riêng Tào Tử Kiến chiếm lấy 8 đấu, ta được 1 đấu, thiên hạ cùng chia nhau 1 đấu)
          Ở đây đương nhiên là lời mà Tạ Linh Vận khen tặng mình. Nhưng từ trong câu đó, chúng ta có thể thấy Tạ Linh Vận đặc biệt hâm mộ Tào Thực, nếu không với cá tính cuồng ngạo của ông, không thể nào ông nói Tào Thực “tài cao bát đẩu”.
          Về sau dùng “tài cao bát đẩu” để hình dung tài hoa xuất chúng, học thức uyên bác.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 26/11/2016
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post