Dịch thuật: Ý Văn Thái tử Chu Tiêu

Ý VĂN THÁI TỬ CHU TIÊU

          Ý Văn thái tử Chu Tiêu 懿文太子朱标, con trưởng của Chu Nguyên Chương 朱元璋, sinh vào năm Chí Chính 至正 thứ 15 nhà Nguyên (năm 1355) nơi nhà Trần Địch 陈迪 ở Thái Bình 太平. Khi Chu Nguyên Chương còn là Ngô vương, ông được lập làm thế tử. Tháng Giêng năm Hồng Vũ 洪武 thứ nhất (năm 1368), được lập làm hoàng thái tử. Để bồi dưỡng Chu Tiêu trở thành một vị quân vương hợp với đạo lí, Chu Nguyên Chương đã khảo chứng quan chế đông cung của các đời, chọn một số lão thần đức cao vọng trọng và những quan viên mới nhập triều có tài hoa phi phàm kiêm lãnh Đông cung quan chức. Trong đó, Tả thừa tướng Lí Thiện Trường 李善长 kiêm Thái tử Thiếu sư, Hữu thừa tướng Từ Đạt 徐达 kiêm Thái tử Thái phó, Trung thư bình chương lục quân quốc trọng sự Thường Ngộ Xuân 常遇春 kiêm Thái tử Thiếu bảo. Những văn võ đại thần khác như Phùng Tông Dị 冯宗异, Hồ Đình Thuỵ 胡廷瑞, Liêu Vĩnh Trung 廖永忠, Lí Bá Thăng 李伯升, Triệu Dung 赵庸, Vương Phổ 王溥, Khang Mậu Tài 康茂才, Cố Thời 顾时, Tôn Hưng Tổ 孙兴祖, Cảnh Bính Văn 耿炳文, Đặng Dũ 邓愈, Thang Hoà 汤和, Lưu Cơ 刘基, Chương Dật 章溢 đều kiêm Đông cung quan chức. Ngoài ra, Chu Nguyên Chương còn hạ chỉ kiến tạo Đại Bản Đường 大本堂, lưu trữ sách vở cổ kim, trưng mời danh nho tứ phương để giúp Chu Tiêu cùng các vị thân vương học tập.
          Đồng thời với việc chú trọng nâng cao học thức của Chu Tiêu, Chu Nguyên Chương còn chú ý bồi dưỡng năng lực thực tế xử lí chính vụ quốc gia của Chu Tiêu. Năm Hồng Vũ thứ 10 (năm 1377), Chu Nguyên Chương hạ lệnh:
- Từ nay chính sự cùng để thái tử xử phân, sau đó mới tâu lên.
          Lại chân thành nói với Chu Tiêu:
          - Từ xưa các vị quân vương sáng nghiệp, trải bao gian khổ, đạt nhân tình, thấu muôn vật, cho nên xử sự thoả đáng. Các vị quân vương gìn giữ những thành tựu đã có, sinh trưởng nơi phú quý, nếu không rèn luyện như ngày trước thì ít có người không sai lầm. Cho nên trẫm đặc biệt lệnh cho con hàng ngày cùng quần thần, nghe đoán chính sự để luyện tập  quốc chính. Lòng nhân không được để mất bởi hung bạo, sáng suốt không được mê muội bởi tà nịnh, siêng năng không được chìm đắm trong an dật, quyết đoán không để vướng vào văn pháp. Phàm những điều đó đều là quyền độ của tâm. Trẫm từ khi có được thiên hạ đến nay, chưa từng nhàn dật nơi sự vụ. Chỉ sợ sai sót dù nhỏ nhặt, cũng phụ ý trời phó thác, sớm đã lên triều, nửa đêm mới ngủ, những gì con thấy, nên cố gắng thi hành, đó là phúc trời vậy.
          Chu Tiêu đã không phụ lòng kì vọng chân thành của phụ thân, ông khiêm tốn, nhân ái, rất được quần thần yêu mến, hơn nữa cũng có năng lực xử lí chính vụ tương đối mạnh mẽ. Tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 24 (năm 1391), Chu Tiêu phụng mệnh tuần thị Thiểm Tây, đồng thời khảo sát vấn đề xây dựng đô thành. Sau khi trở về dang lên địa đồ Thiểm Tây, và trong lúc bệnh cũng đã dâng lời thích hợp về việc kiến đô. Đáng tiếc là vào tháng 4 năm sau (năm 1392), vì bệnh nặng Chu Tiêu đã qua đời. Lúc mất chỉ mới 38 tuổi. Chu Nguyên Chương đặt cho thuỵ hiệu là “Ý Văn” 懿文, hạ lệnh táng tại phía đông Hiếu lăng 孝陵, và gọi tên là Đông lăng 东陵.
          Do bởi Chu Tiêu nhập táng với thân phận là thái tử, cho nên kiến trúc lăng viên tương đối đơn giản. Thi nhân đầu đời Thanh Khuất Đại Quân 屈大均 có ghi về quy chế lăng viên chẳng qua là “hữu môn, điện các nhất trùng .... hoàng thổ nhất khâu”  有门殿各一重 .... 黄土一丘 mà thôi (có cổng, điện mỗi nơi 1 lớp .... đất vàng một nấm).
          Từ tháng 3 năm 1999 đến tháng 2 năm 2000, viện nghiên cứu văn vật Nam Kinh cho khai quật khảo cổ, cũng đã chứng thực quy mô tương đối nhỏ của lăng Ý Văn thái tử. Tuy về bố cục có chỗ tương tự với Hiếu lăng, “do các yếu tố kiến trúc như: lăng viên, lăng tẩm đại môn, hưởng điện tiền môn, hưởng điện cùng khu vực mai táng huyền cung cấu thành, các tổ hợp kiến trúc nằm trên trục tuyến nam bắc phân bố trước sau”, nhưng điện môn của lăng chỉ 3 gian, hưởng điện chỉ 5 gian, ngói diềm mái lưu li được phát hiện chỉ có lưỡng sắc vàng và xanh. Điều đó nói rõ, tuy Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn 建文帝朱允炆 (con của Chu Tiêu) sau khi lên ngôi vào tháng 2 năm Kiến Văn 建文 thứ nhất đã truy tôn phụ thân là Hưng Tông Hiếu Khang Hoàng Đế 兴宗孝康皇帝, sau hơn 200 năm Thành Tổ Chu Đệ thủ tiêu đế hiệu của Chu Tiêu, Sùng Trinh Hoàng Đế Chu Do Kiểm tiếp nhận lời tâu của Lễ bộ Thượng thư Cố Tích Trừ 顾锡畴 khôi phục đế hiệu cho Chu Tiêu, nhưng kiến trúc viên tẩm của lăng trước sau vẫn chưa theo quy chế đế lăng mà tu sửa (kiến trúc đế lăng không dùng ngói lưỡng sắc vàng và xanh). Cũng chính là nói, lăng tẩm này vẫn là theo quy chế lăng tẩm hoàng thái tử.
          Về việc tế tự lăng Ý Văn thái tử, khi Chu Nguyên Chương còn tại thế, nhân vì “yêu con dùng toàn lễ”, cho nên “một năm 10 lần tế, 9 lần dùng cỗ Thái lao”. Sau khi Thành Tổ xưng đế, mới đổi thành “tứ Mạnh” (Mạnh xuân, Mạnh hạ, Mạnh thu, Mạnh đông), tuế mộ cùng kị thần. Điều đó cho thấy đế hiệu của Chu Tiêu sau khi bị thủ tiêu, nghi lễ tế tự ở lăng cũng có sự giản hoá.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 30/10/2016

Nguồn
Trong quyển
MINH TRIỀU ĐẾ VƯƠNG LĂNG
明朝帝王陵
Tác giả: Hồ Hán Sinh 胡汉生
Bắc Kinh Yên Sơn xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post