BỔNG LỘC CỔ ĐẠI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT
Bình
thường, do bởi mọi người quen dùng chung 2 từ “bổng” 俸
và “lộc” 禄, cho nên rất nhiều người nhầm cho rằng “bổng” và “lộc”
là một, không có sự khu biệt. Kì thực đó là sự nhầm lẫn, thời cổ “bổng” và “lộc”
khác nhau rất xa.
Trong Luận ngữ biệt tài 论语别裁, Nam Hoài Cẩn
南怀瑾 từng tìm hiểu qua sự khác nhau của hai loại đó, ông
nói rằng:
“Bổng” giống như lương tháng hiện nay, còn
“lộc” là thực vật phối hợp cấp cho. Lộc vị là mãi mãi, cho nên trong quá khứ trọng
lộc.
Nếu
phân tích chi li hơn nữa, “bổng” chỉ tiền tệ, còn gọi là “bổng ngân” 俸银 hoặc “bổng tiền” 俸钱;
“lộc” chỉ thóc gạo, cũng gọi là “lộc mễ” 禄米,
cho nên sử liệu thường lấy bổng ngân và lộc mễ để tính bổng lộc của quan lại.
Nhưng cụ
thể mỗi triều đại, về hình thức phát bổng lộc của quan viên lại không giống
nhau. Theo khảo chứng, Từ thời Chiến Quốc đến triều Tần, bổng lộc của quan lại
lấy lộc làm chính, thóc thay cho “tiền lương” của quan viên các cấp. Đến thời
Lưỡng Hán, bổng lộc của quan viên bắt đầu chính quy hoá, sự cao thấp về chức vị
của quan lại và cấp bực bổng lộc lấy “thạch” 石
để biểu thị, bổng lộc lấy “hộc” 斛 làm đơn vị đo lường
(mỗi hộc ước khoảng 130 cân), theo tháng mà cấp phát thóc gạo. Tổng cộng có 16
bậc, quan loại vạn thạch nguyệt bổng là 350 hộc, quan loại trăm thạch chỉ có 16
hộc. Huyện lệnh là quan từ ngàn thạch đến 600 thạch, mỗi tháng từ 90 xuống 70 hộc.
Thời kì này, bổng lộc của quan viên do bổng ngân và lộc mễ cấu thành, cả hai mỗi
thứ chiếm tỉ lệ một nửa. Thời Nguỵ Tấn thực hành chế độ cửu phẩm trung chính,
hình thức bổng lộc cũng thay đổi từ hình thức tiền, thóc gạo mỗi thứ một nửa thành
bạch, thóc gạo, tiền mỗi thứ chiếm 1/3. “Bạch” 帛
là từ gọi chung những thứ được dệt bằng tơ. Đời Tuỳ quan bổng lại khôi phục
theo phương thức của thời Lưỡng Hán là lấy thóc gạo để tính. Hình thức bổng lộc
triều Đường thì biến đổi linh hoạt, trong bổng lộc trừ bổng ngân, lộc mễ truyền
thống ra, còn thêm ruộng. Trừ bổng lộc bình thường, quan viên còn có thể lĩnh củi
than, tơ đoạn, giấy bút cùng bổng liệu ngân dùng để thuê nhân viên.
Bắt đầu
từ trung kì triều Đường mãi đến thời Minh Thanh, bổng lộc của quan viên cấu
thành lấy hình thức hoá tệ làm chính. Khoảng thời Khai Nguyên 开元, bắt đầu thử đem lương và tiền hợp lại, lấy “nguyệt bổng”
làm tên gọi, phát theo tháng. Về ý nghĩa chân chính, nguyệt bổng trở thành chế
độ tiền lương hoá tệ. Từ đó, “bổng” tiền dần chiếm địa vị chủ đạo, “lộc” mễ từ
từ rút lui khỏi vũ đài lịch sử mãi cho đến ngày nay.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 04/8/2016
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật