Dịch thuật: Tam cố mao lư

TAM CỐ MAO LƯ
三顾茅庐
 BA LẦN ĐẾN NHÀ TRANH

Giải thích:  ba lần đến nhà tranh. Biểu thị mời ai đó một cách thành tâm.
Xuất xứ: Minh . La Quán Trung 罗贯中: Tam quốc diễn nghĩa 三国演义

          Cuối đời Hán dần hình thành tam phân thế lực: Tào Tháo 曹操, Lưu Bị 刘备, Tôn Quyền 孙权. Trong đó thế lực Lưu Bị là nhỏ nhất, vừa không có địa bàn, lại không có binh lực, nhưng Lưu Bị dùng lễ đãi người hiền, rất tôn trọng nhân tài. Lưu Bị nghe nói Chư Cát Lượng 诸葛亮rất có tài năng, liền đích thân cung kính đi tìm và mời. Chư Cát Lượng, tự Khổng Minh 孔明, quê quán tại Lang Nha 琅玡 Sơn Đông 山东, đương thời ẩn cư nơi Long Trung 隆中 (nay là phụ cận Tương Dương 襄阳 Hồ Bắc 湖北), người đời gọi ông là “Ngoạ Long tiên sinh” 卧龙先生, và gọi vùng gò cao, nơi ở của ông là “Ngoạ Long cương” 卧龙冈. Chư Cát Lượng ở trong một gian nhà tranh trước gò. Lưu Bị được Từ Thứ 徐庶 giới thiệu, từng trước sau 3 lần đến thăm. Hai lần đầu, Chư Cát Lượng cố ý tránh không tiếp, lần cuối cùng mới gặp. Lưu Bị thỉnh cầu cả buổi Chư Cát Lượng mới đồng ý ra giúp. Từ đó, Chư Cát Lượng vạch mưu sách cho Lưu Bị, đánh thắng nhiều trận, đặt nền móng cho nhà Thục Hán. Về sau, Lưu Bị xưng đế, Chư Cát Lượng làm Thừa tướng.
          Nhân vì đương thời Lưu Bị thành tâm cầu hiền tài như thế, cho nên người đời sau đã ví việc nhiều lần đến thăm, gọi là “tam cố mao lư” 三顾茅庐. Và cũng nhân vì lúc đầu Lưu Bị không phải dễ mời được Chư Cát Lượng ra giúp, cho nên châm biếm một số người nào đó làm cao, một lần hai lần mời không được cũng gọi là “tam cố mao lư” hoặc “tam thỉnh Chư Cát Lượng” 三请诸葛亮.

Chú của người dịch
- Chư Cát Lượng 诸葛亮:
- Với chữ
          - Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư”. (trang 630)
          - Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan cũng chỉ có âm “Chư”. Và ở nét nghĩa số 11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)
          - Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có các âm đọc như sau:
          * Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚.
Tập vận 集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư” 專於, đọc như chữ nhưng bình thanh. Âm đọc này có nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép.
          Hựu phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.
          又複姓. “漢書有諸葛豐. “三國志有諸葛亮.
          (Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)
         * Quảng vận 廣韻  phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập vận 集韻  phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là (già), cũng là một họ.
          (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).
          Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là Gia Cát Lượng.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 18/02/2016

Nguyên tác Trung văn
TAM CỐ MAO LƯ
三顾茅庐
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post