“TAM CỐ MAO LƯ” LÀ THẬT HAY GIẢ
Mọi người
đều biết xuất xứ của câu thành ngữ “tam cố mao lư” 三顾茅庐 (ba lần đến nhà tranh). Tam quốc
diễn nghĩa 三国演义, một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc nói về câu chuyện Lưu Bị 刘备 “tam cố mao lư” mời Chư Cát Lượng 诸葛亮 xuống núi giúp Lưu Bị dựng nghiệp đế, viết rất sinh động
về thái độ dùng lễ tiếp đãi hiền tài của Lưu Bị, khắc hoạ rõ nét Lưu Bị kính
ngưỡng Chư Cát Lượng; Quan Vũ 关羽, Trương Phi 张飞 tự ngạo có công. Câu chuyện “tam cố mao lư” này, La
Quán Trung 罗贯中 đã căn cứ vào những ghi chép trong Tam quốc chí – Chư
Cát Lượng truyện 三国志 - 诸葛亮传, thêm cấu tứ
nghệ thuật mà thành. Nhưng Lưu Bị mời Chư Cát Lượng xuống núi rốt cuộc có phải
là “tam cố mao lư”? giới học thuật có những cách nói khác nhau.
Trong Tam quốc diễn nghĩa 三国演义 có ghi chép về
lần đầu tiên gặp mặt: Khi Lưu Bị dẫn quân đóng ở Tân Dã 新野, Từ Thứ 徐庶 nói với Lưu Bị rằng:
Chư Cát Khổng Minh, tức Ngoạ Long, tướng
quân có muốn gặp ông ta không?
Lưu Bị
đáp rằng:
Ông đưa ông ta đến đi.
Từ Thứ
bảo:
Có thể chủ động đến nhà gặp người này, không
thể để ông ta đến bái kiến tướng quân.
Có thể
thấy, Lưu Bị đích thân đến chỗ Chư Cát Lượng thỉnh cầu bái kiến, tổng cộng 3 lần
mới gặp được. Nhưng không có Quan Vũ, Trương Phi cùng đi, cũng không nói rõ là
tại nhà tranh gặp mặt.
Trong Xuất sư biểu 出师表 mà Chư Cát Lượng đích thân viết có nói:
Tiên đế bất dĩ thần ti bỉ, ổi tự uổng
khuất, tam cố thần vu thảo lư chi trung …
先帝不以臣卑鄙, 猥自枉屈, 三顾臣于草庐之中…
(Tiên đế
không nhân vì ta thấp hèn, kiến thức nông cạn, đã hạ thấp thân phận của mình,
ba lần đến nhà tranh thăm thần …)
Câu này
là chứng cứ xác đáng. Trần Thọ 陈寿 trong Tam quốc chí 三国志 viết đến Long
Trung đối 隆中对 ghi chép càng tường tận việc Lưu bị 3 lần đến thăm Chư Cát Lượng và
cùng với Chư Cát Lượng bàn luận hình thế thiên hạ. Lưu Bị “tam cố mao lư” luôn
được xem là điển hình của việc dùng lễ đãi người hiền, coi trọng nhân tài. Lưu
Bị lúc đó khó khăn chồng chất, cần gấp nhân tài, nhìn từ tình và lí, “ta cố mao
lư” là có khả năng, cho nên trải qua các đời không có người hoài nghi về tính
chân thực của sự kiện đó.
Nhưng
hiện nay có người đề xuất một thuyết khác, cho rằng những ghi chép về “tam cố
mao lư” khó để người ta tin. Chư Cát Lượng là người có hoài bão to lớn, Lưu Bị
mời ông ta xuống núi, đương nhiên là hợp với ý của ông, há Chư Cát Lượng lại
làm ra vẻ, không nắm bắt lấy cơ hội có thể vuột mất này? Chư Cát Lượng lúc bấy
giờ chỉ mới 27 tuổi, Lưu Bị là một chính trị gia có danh tiếng, làm sao có thể
nhún mình khổ cầu Chư Cát Lượng như thế? Tuy ở trên có nói lấy Long
Trung đối làm chứng cứ, nhưng lúc bấy giờ mấy chục vạn đại quân nam chinh của
Tào Tháo 曹操 uy hiếp Lưu Bị, Long
Trung đối không phải là vấn đề hiện thực cấp bách, nó không hợp với tình và
lí. Đồng thời, Lưu Bị lần đầu tiên gặp Chư Cát Lượng, không sắp xếp ghi chép tại
hiện trường. Cho nên Long Trung đối rất
có khả năng là do người đời sau phụ hội theo Xuất sư biểu mà bịa đặt ra. Theo đó, thuyết “tam cố mao lư” là
không đáng tin.
Ngư Hoạn
鱼豢 người thời Tam Quốc khi viết Nguỵ lược 魏略 cũng nhắc đến việc Lưu Bị và Chư Cát Lượng gặp nhau lần
đầu. Trong Nguỵ lược có nói khi Lưu Bị
đóng quân nơi Phàn Thành 樊城, Tào Tháo mới thống
nhất phía bắc Hoàng hà, Chư Cát Lượng dự kiến Tào Tháo sẽ lập tức phát động tấn
công Kinh Châu 荆州. Lưu Biểu 刘表 ở Kinh Châu tính tình nhu nhược, không hiểu quân sự
nên khó mà chống lại. Vì thế Chư Cát Lượng đi về phía bắc gặp Lưu Bị. Lưu Bị
nhân vị Chư Cát lượng tuổi còn nhỏ, căn bản không coi trọng Chư Cát lượng. Chư
Cát Lượng thông qua luận bàn đối sách đối với chính cục lúc bấy giờ mới khiến
Lưu Bị dần tín nhiệm. Cuối cùng, Lưu Bị mới “đãi vào hàng thượng khách”. Những
ghi chép trong Cửu châu Xuân Thu 九州春秋 của Tư Mã Bưu
司马彪 thời Tây Tấn cũng đại đồng tiểu dị.
Nhìn từ
thái độ tiến thủ tích cực của bản thân Chư Cát Lượng, những ghi chép trong Nguỵ lược, Cửu châu Xuân Thu cũng có độ
tin cậy nhất định.
Có người
điều hoà xung đột giữa hai thuyết, cho rằng “tam cố mao lư” cùng với việc Chư
Cát Lượng tại Phàn Thành tự thỉnh cầu tương kiến là chân thực đáng tin. Học giả
đời Thanh Hồng Di Huyên 洪颐煊 trong Chư sử khảo dị 诸史考异 nói rằng Chư
Cát Lượng lần đầu gặp Lưu Bị tại Phàn Thành, Lưu Bị tuy đãi vào hàng thượng
khách, nhưng không đặc biệt coi trọng. Đợi đến khi Từ Thứ tiến cử, Lưu bị lần
thứ hai gặp mặt mới dần có cảm tình sâu đậm. Đồng thời chỉ ra rằng: Lần gặp đầu
tiên vào năm Kiến An 建安 thứ 12, lần thứ hai
vào năm Kiến An thứ 13. Về sau Chư Cát Lượng vô cùng cảm kích, nhân đó mà đã viết
vào trong tác phẩm Xuất sư biểu.
Chư Cát
Lượng và Lưu Bị rốt cuộc “nhất kiến”, “tái kiến” hay là “tam kiến”, điều này chỉ
có người đương sự mới biết, nhưng “câu chuyện “tam cố mao lư” lưu truyền lại hấp
dẫn rất nhiều người.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/02/2016
Nguyên tác Trung văn
“TAM CỐ MAO LƯ” THỊ CHÂN THỊ GIẢ
“三顾茅庐” 是真是假
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật